Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Kỳ 2: Minh chứng phản bác các luận điệu xuyên tạc của Vàng Chỉnh Mình và tổ chức “Liên minh người Mông vì công lý”

14:17 31/10/2024
Vạch trần bản chất của Vàng Chỉnh Mình và cái gọi là “Liên minh người Mông vì công lý”

Vàng Chỉnh Mình và số đối tượng trong “Liên minh người Mông vì công lý – HUJ” đã lợi dụng các diễn đàn quốc tế, lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Việt Nam về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc. Trên thực tế, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền con người trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số.

Việt Nam luôn nỗ lực trong bảo đảm quyền con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao

Tôn trọng, bảo đảm quyền con người là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam, được quy định trong Hiến pháp, pháp luật Việt Nam qua các thời kỳ, được cụ thể trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, luôn được thể hiện tích cực, có trách nhiệm trong quá trình triển khai các nghĩa vụ và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết về quyền con người.

 

Công an tỉnh Lai Châu tuyên truyền bà con người Mông không nghe theo luận điệu kẻ xấu.

Hiện nay, các quyền tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013, được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cụ thể và được thể hiện minh chứng sống động thông qua thực tiễn đời sống của người dân. Trong các lần phát biểu trước cộng đồng quốc tế, các cơ quan báo chí, lãnh đạo Đảng, Nhà nước hay người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn khẳng định, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và công cuộc phát triển đất nước, luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thông qua các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực rất lớn trong bảo đảm quyền con người, nhất là trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người theo các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Cụ thể như trong Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV của Việt Nam đã được tiến hành một cách nghiêm túc, toàn diện, có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan cũng như các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam. Ngày 10/5/2024, tại trụ sở Liên hợp quốc (Geneva, Thụy Sỹ), nhóm làm việc về Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (tại phiên họp thứ 46 của nhóm làm việc về UPR của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 29/4 đến ngày 10/5/2024) đã đồng thuận về Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV của Việt Nam và ghi nhận, đánh giá cao về vấn đề bảo đảm quyền con người ở Việt Nam trong những năm qua.

Trong đó, những dẫn chứng cụ thể được ghi nhận như thành tựu của Việt Nam về giảm nghèo đa chiều bền vững, đảm bảo an sinh xã hội (hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...), nâng cao đời sống của người dân, đảm bảo quyền cho các nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người có HIV/AIDS...) và các hoạt động đối thoại, hợp tác quốc tế và khu vực về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia. Cụ thể như từ năm 2009 đến nay, GDP theo đầu người ở Việt Nam đã tăng 25%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5% mỗi năm. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 81% (vào năm 2016) tăng lên 92% (năm 2022). Tỷ lệ hộ dân sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt 98,3% (tăng gần 1 điểm % so với năm 2018). Đến tháng 9/2023, Việt Nam đã có 78 triệu người sử dụng Internet (tăng 21% so với số thuê bao năm 2019), 96,6% triệu thuê bao băng rộng di động (tăng 38% so với năm 2019). Đến nay, có 72.000 hội hoạt động ở Việt Nam thường xuyên, tích cực tham gia đóng góp vào xử lý các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước. Các phương tiện truyền thông, báo chí và Internet phát triển mạnh mẽ và trở thành diễn đàn ngôn luận của người dân, các tổ chức xã hội, là công cụ giám sát thực thi chính sách, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Về lĩnh vực xây dựng văn bản luật, từ năm 2019 đến năm 2023, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền với 44 luật được thông qua, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền của công dân như: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023... Đồng thời, Việt Nam cũng đã gia nhập thêm Công ước thứ 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quyền tổ chức và thương lượng tập thể, Công ước 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức và tham gia đàm phán, chính thức tham gia thỏa thuận toàn cầu về di cư an toàn và trật tự...

Về quan hệ đối ngoại, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao Đối tác chiến lược toàn diện với 8 quốc gia (Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Pháp); quan hệ Đối tác Chiến lược với 11 quốc gia (Tây Ban Nha, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Đức, Ý, Pháp, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, New Zealand) và quan hệ Đối tác toàn diện với 13 quốc gia (Nam Phi, Venezuela, Chile, Brasil, Argentina, Ukraina, Đan Mạch, Myanmar, Canada, Hungary, Brunei, Hà Lan).

Không chỉ nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người, thời gian qua Việt Nam luôn chủ động, tích cực, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong khu vực và trên thế giới. Minh chứng rõ nét nhất cho điều đó là thông qua mức độ tín nhiệm với tỷ lệ phiếu đồng thuận rất cao khi Việt Nam ứng cử tham gia thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 và đã có nhiều sáng kiến về bảo đảm quyền con người, quyền lợi của các nước đang phát triển, quyền của các nhóm yếu thế... được cộng đồng quốc tế và các quốc gia ghi nhận, đánh giá cao. Đó là những minh chứng điển hình về những thành tựu trong bảo đảm quyền con người của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Những minh chứng thực tế về nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người đã phản bác về những luận điệu của Vàng Chỉnh Mình và số đối tượng chống phá khi cho rằng “tình trạng nhân quyền ở Việt Nam ngày càng tệ đi không thể cải thiện được”. Thật khôi hài khi các đối tượng phớt lờ sự thật, vẫn cố tình nhắm mắt không thấy, không nghe để vu cáo, xuyên tạc.

Những thành tựu về sự phát triển mọi mặt của đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam tiếp tục huy động nguồn lực nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay. Và những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã minh chứng cho tính đúng đắn trong các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Cụ thể như:

Về chính trị, số đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số ngày càng tăng qua các kỳ bầu cử, trong đó Quốc hội Khóa XV đã có 89/499 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 17,84%, cao nhất trong các khóa Quốc hội. Đồng thời, các dân tộc thiểu số có dân số đông như Tày, Thái, Mông, Mường, Khmer, Nùng... đều có đại diện qua các khóa của Quốc hội và các dân tộc thiểu số có dân số dưới 10.000 người đã có đại biểu tham gia Quốc hội khóa XV (như các dân tộc Mảng, Lự, Brâu...). Đến nay, có 51/53 dân tộc thiểu số đã có đại diện tham gia Quốc hội các khóa, chỉ còn 2  dân tộc Ơ đu và Ngái là chưa có đại diện tham gia Quốc hội. Đồng thời, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số ở các cấp ngày càng chiếm tỷ lệ cao (đến tháng 5/2023 tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số chiếm 11,5% trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức).

Về kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên rõ rệt trên tất cả các phương diện. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số đến năm 2023 còn khoảng 33% (giảm 5,62%) so với chỉ tiêu được giao; có 7,9 triệu lao động người dân tộc thiểu số có việc làm, chiếm 82,1% tổng số người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên; tỷ lệ thất nghiệp của người dân tộc thiểu số chỉ là 1,4%, thấp hơn tỷ lệ thất nghiệp chung của toàn quốc; 96,12% người dân tộc thiểu số được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế; số người nghèo, người dân tộc thiểu số tham gia thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đạt gần 43 triệu lượt người, chiếm 24% số người tham gia bảo hiểm y tế toàn quốc. Đồng thời, các chính sách bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số được thực hiện hiệu quả. Nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc được phục hồi, phát triển, góp phần giữ gìn bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam. Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ và ngành quản lý nhà nước về tôn giáo, hiện nay nước ta có khoảng 2,8 triệu người dân tộc thiểu số theo tôn giáo (chiếm khoảng 20% dân số là người dân tộc thiểu số) với 16 tôn giáo được nhà nước cấp phép hoạt động.

Do đó, việc Vàng Chỉnh Mình cùng số đối tượng trong tổ chức “Liên minh người Mông vì công lý” cho rằng  “người dân tộc thiểu số ở Việt Nam vẫn bị phân biệt đối xử, bị chính quyền quản chế khiến không phát triển được, yêu cầu quốc tế can thiệp bằng hình thức khảo sát, phỏng vấn thực tế vùng đồng bào dân tộc Mông tại Việt Nam, nhất là người Mông tại các tỉnh Tây Nguyên” là hoàn toàn sai sự thật, không có căn cứ thực tiễn.

Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, trong đó có đồng bào dân tộc Mông

Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân trong khuổn khổ Hiến pháp và pháp luật. Trong những năm qua, các tôn giáo ở nước ta phát triển nhanh về số lượng tín đồ và cơ sở thờ tự, mở rộng quan hệ với nhiều tổ chức tôn giáo ở nước ngoài; mọi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số đều được chính quyền tôn trọng, bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các tôn giáo ngày càng được nâng cao. Theo các quy định pháp luật như Hiến pháp năm 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tổ chức tôn giáo trong đó có người dân tộc thiểu số được hưởng đầy đủ các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Thực tế, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm đến việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, ở Việt Nam có hơn 1,2 triệu người theo đạo Tin Lành, trong đó có khoảng 873.700 tín đồ là người dân tộc thiểu số, phân bố tập trung ở vùng trung du miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên.

Đối với đồng bào dân tộc Mông, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã đã có nhiều chủ trương, chính sách tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số nói chung, vùng dân tộc Mông nói riêng; cấp uỷ, chính quyền các địa phương đã tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đối với vùng dân tộc Mông. Đặc biệt là Chỉ thị 45/CT- TW ngày 23/9/1994 của Ban Bí thư “về một số công tác trong vùng dân tộc Mông”, Thông báo Kết luận số 64-TB/TW ngày 09/3/2007 của Ban Bí thư khóa X về một số công tác ở vùng dân tộc Mông đã giải quyết các khó khăn trước mắt và lâu dài cho đồng bào Mông, giúp đồng bào ổn định, phát triển sản xuất và đời sống, thúc đẩy, tạo điều kiện để vùng đồng bào dân tộc Mông hòa nhịp cùng với sự phát triển chung của cả nước và của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cấp ủy Đảng, Chính quyền các địa phương đã quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở; xoá đói giảm nghèo, tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc Mông, xóa bỏ tập tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hoá ở thôn bản. Công tác tuyên truyền, giáo dục được chú trọng, giúp đồng bào dân tộc Mông tin tưởng và tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động nhằm gây chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Mông đã được cải thiện rõ nét, cơ sở hạ tầng thiết yếu có bước thay đổi tương đối toàn diện. Trên các lĩnh vực kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, công tác định canh, định cư đã có nhiều chuyển biến tích cực; tình trạng di dân tự do đã bước đầu được khắc phục; nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đảm bảo đời sống cho đồng bào.

Về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc Mông, bên cạnh phần lớn đồng bào dân tộc Mông theo tín ngưỡng truyền thống, số người Mông theo đạo Tin Lành không ngừng tăng lên hằng năm. Đến cuối năm 2022, số người Mông ở Việt Nam theo đạo Tin Lành đã tăng lên trên 321.000 người (chiếm khoảng 30% người Mông ở Việt Nam), tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh Tây Nguyên, phụ cận; sinh hoạt tại 30 chi hội, hơn 1.700 điểm nhóm, thuộc các hệ phái Tin Lành như Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam...

Thực tế trên là minh chứng sống động phản bác những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo sai sự thật của những kẻ kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, âm mưu thành lập “Nhà nước Mông” như Vàng Chỉnh Mình cùng với số đối tượng trong cái gọi là “Liên minh người Mông vì Công lý” – một tổ chức phản động núp bóng đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc Mông để chống phá đất nước.

Theo CAND

Tag:

File đính kèm