YÊU CẦU CỦA KHUNG KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA TỈNH ỦY/THÀNH ỦY THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 57-NQ/TW 1. Bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 57-NQ/TW: Toàn bộ nội dung Kế hoạch hành động (từ mục tiêu đến giải pháp) phải thống nhất với tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW và các quy định, hướng dẫn của Trung ương. Khung kế hoạch này gồm các nội dung cơ bản, Kế hoạch hành động của tỉnh/thành phố bao gồm nhưng không giới hạn bởi các nội dung trong khung kế hoạch này. 2. Quán triệt sâu sắc, kế thừa và phát huy các kết quả, kinh nghiệm: Nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò đột phá của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; Kế hoạch hành động cần kế thừa có chọn lọc các chương trình, đề án, kế hoạch có liên quan đã và đang triển khai (về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số...). 3. Xác định đúng phương thức, không hình thức, không dàn trải: Xác định thể chế, cơ chế, chính sách là yếu tố dẫn dắt, chuyển đổi số là động lực quan trọng, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; triển khai thực hiện theo nguyên tắc thí điểm, đánh giá kết quả trước khi nhân rộng. Nghiên cứu, phát huy những tiềm năng, thế mạnh và lợi thế của địa phương trên tất cả các lĩnh vực; xác định rõ những hạn chế, bất cập, điểm nghẽn, tác nhân gây cản trở để có giải pháp tháo gỡ kịp thời, triệt để. Tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số có thể tạo ra kết quả mang tính đột phá, mang lại hiệu ứng lan tỏa lớn. 4. Xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phải rõ ràng, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhằm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đối với các tỉnh, thành phố có điều kiện phát triển, cần đặt mục tiêu phát triển công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á và thế giới. 5. Bảo đảm tính khả thi, lộ trình rõ ràng, phân công trách nhiệm cụ thể: Các chỉ tiêu, nhiệm vụ phải gắn với thời hạn thực hiện (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn); nêu cụ thể đơn vị đầu mối chủ trì và đơn vị phối hợp. Phân bổ nguồn lực (nhân lực, tài chính, vật lực) phù hợp với từng nhiệm vụ, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí. 6. Xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mang tính chiến lược theo từng giai đoạn 5 năm: Cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể (theo tháng, quý, năm, giai đoạn); có cơ chế, công cụ đo lường, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện; phân công trách nhiệm, thời hạn thực hiện cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân bảo đảm phù hợp với năng lực, điều kiện thực tế của địa phương. 7. Đồng bộ, phối hợp chặt chẽ, liên thông trong toàn hệ thống chính trị: Huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, các trường đại học và toàn xã hội vào quá trình thực hiện. Thiết lập cơ chế phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa Trung ương với địa phương, giữa các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, các sở/ban/ngành và doanh nghiệp, cộng đồng khoa học - công nghệ, giữa khu vực công và khu vực tư, giữa trong nước và quốc tế, tránh chồng chéo, trùng lắp. 8. Tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá kết quả, báo cáo kịp thời: Thiết lập chế độ báo cáo, sơ kết, tổng kết định kỳ. Quy định rõ cơ chế kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể; coi trọng vai trò giám sát của ban thường vụ tỉnh/thành ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban kiểm tra, ban tuyên giáo và dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể; báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương kịp thời đối với các hoạt động quan trọng và kết quả tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện theo định kỳ 01 tháng/lần; phát hiện sớm những khó khăn, vướng mắc, kịp thời xử lý, tháo gỡ; can thiệp bằng các chính sách (trong thẩm quyền) để đưa ra các giải pháp hiệu quả, tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo chuyển biến, đạt được các mục tiêu, yêu cầu của kế hoạch đặt ra. 9. Bảo đảm công khai, minh bạch, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đi kèm với trách nhiệm giải trình: Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân. Thông tin, dữ liệu, quyết định liên quan đến khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cần được công khai tối đa; từng cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm giải trình về kết quả thực hiện. Ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước kết hợp việc huy động xã hội hóa trong đầu tư khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo (đặc biệt là các mô hình kết hợp công tư, quỹ đầu tư,...); sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực xã hội nói chung, đặc biệt là nguồn ngân sách Nhà nước; ưu tiên các nhiệm vụ cấp thiết, dự án có tính lan tỏa và hiệu quả cao. 10. Kết hợp chặt chẽ giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài: Vừa giải quyết những yêu cầu cấp bách (cải cách hành chính, xây dựng hạ tầng số, nâng cao chất lượng dịch vụ công,...) vừa có tầm nhìn dài hạn (đến 2030, 2035, 2040, 2045) trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; cần gắn Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với Chiến lược dài hạn, bảo đảm tính đồng bộ, phát triển bứt phá, toàn diện, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới, phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tình hình cụ thể của từng địa phương, từng vùng, miền. 11. Đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và phát huy tính sáng tạo của toàn xã hội: Phổ biến rộng rãi mục tiêu, lộ trình, cách làm; khuyến khích nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ trí thức tham gia, đóng góp sáng kiến, nguồn lực; xây dựng phong trào thi đua nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; kịp thời biểu dương, khen thưởng các điển hình tiêu biểu. 12. Tập trung, quyết liệt, hiệu quả, tiết kiệm, khả thi: Triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW một cách quyết liệt, đồng bộ, thống nhất; mọi giải pháp, chương trình, dự án cần tính toán khả năng triển khai, hiệu quả kinh tế - xã hội; ưu tiên nguồn lực cho các lĩnh vực trọng điểm, có tính lan tỏa, tạo ra giá trị gia tăng cao; không dàn trải, hình thức và theo phong trào. Xây dựng Kế hoạch hành động cụ thể, gắn với các chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả (KPIs), phân công trách nhiệm, xác định thời hạn thực hiện. 13. Đảm bảo tinh thần chủ động, tư duy năng động, sáng tạo: Chủ động triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; khuyến khích tư duy đổi mới, cách làm sáng tạo, mạnh dạn thử nghiệm các mô hình, công nghệ, giải pháp mới. |