Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Thái Nguyên phát huy hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”

16:50 11/06/2024
(ĐCSVN) - Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phát huy hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

left center right del

Đồng chí Phạm Thái Hanh - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Nguyên trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2023. (Ảnh: baothainguyen.vn)

Ngày 23/4/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã có Chỉ thị số 25-CT/TU về đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh.

Theo Chỉ thị, trong những năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt được kết quả quan trọng. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện ngày càng chuyển biến rõ nét. Nhiều cách làm hay, sáng tạo xuất phát từ thực tiễn mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc,…

Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với nội dung tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận; ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của phong trào thi đua “Dân vận khéo” nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm thực hiện công tác dân vận của cả hệ thống chính trị. Xác định “Dân vận khéo” là phương thức quan trọng trong công tác vận động quần chúng, là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị, góp phần huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân nhằm thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hằng năm, các địa phương, cơ quan, đơn vị có kế hoạch, nội dung tuyên truyền về công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

2. Phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng hệ thống chính trị. Việc triển khai thực hiện phong trào phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Xác định nhiệm vụ trọng tâm của phong trào thi đua theo từng năm và giai đoạn để chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị và nguyện vọng của Nhân dân. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc của các cấp ủy đảng; tổ chức thực hiện của chính quyền; công tác tham mưu, hướng dẫn của hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc thực hiện phong trào thi đua ở các cấp, các ngành.

3. Duy trì, nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã có. Đồng thời, chú trọng xây dựng, phát triển các mô hình, điển hình hướng vào tập trung phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, giải quyết hiệu quả những vấn đề mới, vấn đề khó, bức xúc, phát huy sức mạnh và vai trò chủ thể của Nhân dân. Từ đó, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong hệ thống chính tri. Tăng cường tuyên truyền về cách làm hay, đổi mới, sáng tạo và hiệu quả của các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” bằng các hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông để tăng hiệu quả tuyên truyền, lan tỏa các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu, qua đó, khích lệ, động viên sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân đối với phong trào thi đua.

4. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả việc xây dựng và thực hiện tốt đạo đức công vụ, văn hóa công sở, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nêu cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước. Thực hiện tốt dân chủ cơ sở; tăng cường đối thoại và chỉ đạo giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của Nhân dân.

Quan tâm tạo điều kiện để xây dựng, nhân rộng phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong hệ thống cơ quan Nhà nước và chính quyền các cấp. Hằng năm, bố trí nguồn kinh phí biểu dương, khen thưởng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”.

5. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân vận của lực lượng vũ trang. Xây dựng hình ảnh cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang thân thiện, trách nhiệm, gần gũi với Nhân dân, vì Nhân dân phục vụ. Xây dựng và củng cố vững chắc thế trận lòng dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; nâng cao cảnh giác, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nhất là trên các địa bàn trọng điểm, vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo. Nhân rộng các mô hình tự quản bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở; các điển hình “Dân vận khéo” của lực lượng vũ trang trong công tác quốc phòng, an ninh.

6. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh tăng cường chỉ đạo hướng dẫn cơ sở trong việc xây dựng các mô hình; chú trọng đề ra các tiêu chí, các giải pháp, các hình thức vận động, tập hợp lực lượng; xây dựng chỉ tiêu cụ thể về thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong hệ thống tổ chức của mình. Coi đây là một trong những tiêu chí để bình xét thi đua hằng năm. Phát huy vai trò của hội viên, đoàn viên nòng cốt, người có uy tín ở khu dân cư, các vị chức sắc, chức việc trong tôn giáo trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”; tích cực tham gia xây dựng các mô hình, điển hình có hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội.

7. Tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng phong trào thi đua. Xây dựng hướng dẫn việc đăng ký, thẩm định, công nhận mô hình, điển hình “Dân vận khéo” và xét chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua để khen thưởng hằng năm. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm, tọa đàm, hội thi “Dân vận khéo”,…giữa các ngành, địa phương. Chú trọng củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, nhất là đội ngũ trực tiếp tham mưu thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

8. Các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy và các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy theo chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị này. Giao Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị; định kỳ tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo sơ kết, tổng kết theo quy định./.


Minh Vân

Tag:

File đính kèm