Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Sẽ lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe

10:15 11/06/2024
(ĐCSVN) - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi phiếu để các Đoàn đại biểu Quốc hội lấy ý kiến tập trung về quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Sáng 11/6, ngay sau khai mạc phiên họp thứ 34, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.  

Xe chở học sinh phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh và chức năng cảnh báo

left center right del
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp 

Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật này, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng, An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới cho biết, căn cứ tình hình thực tiễn trong thời gian vừa qua, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho bổ sung quy định xe ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non hoặc xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, trẻ em mầm non và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe vào điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 46 của dự thảo Luật.

Đề xuất này được Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ ủng hộ và hoan nghênh, cho rằng việc này thể hiện các cơ quan thẩm tra, soạn thảo, Quốc hội rất quan tâm tình trạng trẻ em bị bỏ quên trên xe trong thời gian vừa qua.
 
“Điều 46 viết tương đối chặt chẽ, xe phải có tiêu chuẩn riêng, người lái, người quản lý cũng phải có tiêu chuẩn riêng để làm sao người lái, người quản lý xuống xe là trên xe không còn người, đảm bảo không thể nào sót được” - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Đồng thời cho rằng, cần tiến hành rà soát các xe chở học sinh, xe nào không đạt tiêu chuẩn thì loại hết, xe nào đạt tiêu chuẩn thì cần dán nhãn. 
 
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng tán thành cao quy định chặt chẽ với xe ô tô chở học sinh, mầm non.

Xin ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án nồng độ cồn 

Vấn đề khác được Chủ nhiệm Lê Tấn Tới báo cáo là về quy định về cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” (khoản 2 Điều 10). Theo ông, nhiều ý kiến nhất trí quy định này, tuy nhiên một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định có ngưỡng tối thiểu và một số ý kiến khác đề nghị đưa 2 phương án để xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

left center right del
 Các đại biểu tham dự phiên họp

Thường trực UBQPAN cho biết, quy định trên được kế thừa quy định tại khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông Đường bộ năm 2008, thống nhất với quy định tại khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và quy định cụ thể cho lĩnh vực giao thông đường bộ. Tại kỳ họp thứ 6, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định này và một số đại biểu Quốc hội đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất. UBTVQH đã phân tích cụ thể, rõ ràng ưu điểm, hạn chế của mỗi phương án để báo cáo Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí và có góp ý cụ thể đối với Phương án quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” và đã được thể hiện cụ thể tại Báo cáo số 835/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gửi các vị đại biểu Quốc hội đầu Kỳ họp thứ 7; không có Đoàn đại biểu Quốc hội nào đề nghị lấy ý kiến đại biểu Quốc hội hai phương án về nội dung này.

Trong dự thảo Luật, nếu không tiếp tục kế thừa khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, sẽ làm tăng số vụ tai nạn giao thông, kéo theo làm tăng hậu quả, thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông khác, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, nguồn lực của đất nước, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội; đi ngược lại những cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, gây lãng phí công sức, tiền bạc của Nhà nước và Nhân dân. 

Do vậy, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho tiếp tục thực hiện quy định cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. 

Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cũng cho biết, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực UBQPAN đề xuất bổ sung vào khoản 5 Điều 87 của dự thảo Luật giao cho Bộ Y tế quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu để làm căn cứ xác định trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu có nồng độ cồn do sử dụng rượu, bia hoặc đồ uống có cồn khác. Theo chuyên gia y tế thì cồn nội sinh là cồn tự sinh ra trong cơ thể mà không có bất kỳ tác động nào khác bên ngoài, có nồng độ rất thấp mà các phương tiện thông thường kiểm tra nồng độ cồn hiện nay không thể phát hiện được. Thực tiễn, qua hoạt động kiểm tra của lực lượng Cảnh sát giao thông thời gian qua chưa phát hiện trường hợp nào oan sai về nồng độ cồn.

Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cũng đề nghị tiếp tục kế thừa khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; đảm bảo an toàn, tính mạng, sức khỏe và tài sản của Nhân dân. 

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội ủng hộ phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định có ngưỡng tối thiểu. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị lấy ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về nội dung này.

Kết luận nội dung phiên họp, về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị UBTVQH thiết kế một phương án: “Đồng ý” hoặc “Không đồng ý” gửi các Đoàn đại biểu Quốc hội lấy phiếu tập trung. Căn cứ vào kết quả lấy phiếu này sẽ xem xét quyết định có biểu quyết điện tử riêng điều này hay không./.

Tag:

File đính kèm