|
|
Trong nhiều bài phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu sớm tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng và nhân lực, khơi thông nguồn lực phát triển, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Ảnh: Nhật Bắc |
Trong sự sôi động của đất nước thời mở cửa, hội nhập sâu rộng, đã và đang xuất hiện nhiều “điểm nghẽn” đa dạng, đau đầu, khó có thể giải quyết ngay chốc lát. Nào là “điểm nghẽn” giao thông ở những đoạn đường hẹp, mật độ xe và người lại đông. "Nghẽn” các công đoạn vận hành ở ngay trong một cơ quan, đơn vị vì vấn nạn đùn đẩy, sợ trách nhiệm. “Nghẽn” vì chờ đợi giải phóng mặt bằng nên có công trình bỏ đất hoang hàng chục năm! Nhiều cơ quan, doanh nghiệp... bó tay vì “nghẽn” giải ngân. Một chủ trương được lòng dân như “xây nhà ở xã hội” cũng đang gặp nhiều điểm “nghẽn”. Sự chờ đợi, lãng phí thời gian, gây phiền hà, mệt mỏi cho dân vì bị “nghẽn” do các cơ quan, đơn vị đòi hỏi nhiều loại giấy tờ phi lý. Rồi nhiều ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị cũng thiếu nhất quán nên công việc bị “nghẽn”, v.v và v.v...
Song, có một điểm rất quan trọng ở tầm vĩ mô - đó là “nghẽn” về cơ chế, chính sách. Ở tầm lập pháp là một số điều khoản của một bộ luật cụ thể, chỉ mới ban hành vài ba năm, đã không còn phù hợp với thực tiễn. Ở tầm hành pháp, là việc chậm ban hành Hướng dẫn thực hiện Luật, nên cơ sở vướng như “gà mắc tóc” do cách hiểu và vận dụng khác nhau. Còn về sự phối hợp giữa các ban, ngành chức năng, có lúc, có nơi “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” nên gây ra “nghẽn”! Có một câu chuyện mà nhiều người còn nhớ, cách đây mấy kỳ họp Quốc hội, khi trả lời chất vấn của đại biểu về số tiền 18 tỉ đồng cần đền bù cho một tỉnh miền núi trong Đề án trồng rừng, thì Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết: Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT cùng Bộ Tài chính phối hợp giải quyết, nhưng qua dăm tháng rồi, vẫn chưa có báo cáo hồi âm?!
Thấy rõ những hạn chế bất cập ấy, sau Hội nghị Trung ương 10 (khóa XIII) vào tháng 9 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chỉ đạo quyết liệt, cụ thể nhằm cởi bỏ nhanh những điểm “nghẽn”, do đó tình hình đã có những tín hiệu vui bước đầu - như đánh giá của Tổng Bí thư: “Đối với đột phá về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, thì ngay sau Hội nghị Trung ương 10, Quốc hội, Chính phủ đã gương mẫu đi đầu làm ngay, làm rất quyết liệt với tinh thần đổi mới, cải cách, hết lòng vì sự nghiệp chung... Trong đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật, đã cải cách thủ tục hành chính triệt để, phân cấp, phân quyền tối đa theo tinh thần Hội nghị Trung ương 10 đã thống nhất: “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”...
Như vậy, tinh thần chỉ đạo của người lãnh đạo cao nhất thật rõ ràng, minh bạch! Vấn đề còn lại là khâu tổ chức thực hiện, mà lâu nay rào cản của khâu này là sự đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quyết đoán của người lãnh đạo, nên hay vin cớ này, cớ khác, đổ lỗi cho nhau, gây ra sự trì trệ từ ngay trong nội bộ. Để tạo bước chuyển mới, tích cực, mang tính đột phá, vẫn là sự chuyển biến của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Chỉ thị 144 của Bộ Chính trị ban hành ngày 9/6/2023 đã chỉ rõ 5 phẩm chất cần có của người cán bộ trong giai đoạn mới, cần được vận dụng triệt để vào lúc này. Kiểm điểm, khen thưởng, kỷ luật cũng căn cứ vào đây, nếu không lại đánh đồng, “dĩ hòa vi quý”, sẽ lại tự tạo ra những “điểm nghẽn” mới, tự mình “ghè đá vào chân mình”!
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Phải tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế, quy trình và tinh thần tháo gỡ triệt để điểm nghẽn, rào cản, cải cách triệt để thủ tục hành chính, mở rộng không gian cho phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, tất cả vì sự phát triển kinh tế - xã hội...; huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân...”. Đây là sự chỉ đạo rất cụ thể, thiết thực, mà các ban, Bộ, ngành, địa phương nếu với tinh thần nghiêm túc thực hiện, sẽ tạo ra những bứt phá mới.
Tôi nhớ một câu phát biểu có tính tổng kết thực tiễn của một vị đại biểu Quốc hội trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV: “Luật pháp, chính sách, cơ chế... đều do chính con người tạo ra; việc tổ chức thực hiện cũng là con người; nếu khi phát hiện “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển, thì tự ta phải chủ động khơi thông để tạo đà thuận lợi cho việc triển khai đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi tới thành công. Cuộc sống không chấp nhận sự chần chừ và tình trạng đổ lỗi cho khách quan cứ kéo dài như vừa qua!”.
Sẽ không thừa khi nhắc lại công thức tưởng như xưa cũ, nhưng thật sự vẫn có tính thời sự hôm nay: Nhận thức đi liền hành động; và trong triển khai thực hiện phải quyết liệt, hiệu quả thì chắc chắn các “điểm nghẽn” sẽ được khai thông! Điều đáng sợ hơn cả là có điểm “nghẽn” trong tư duy của người lãnh đạo cũng như người thực hiện, một khi cứ khư khư bám lấy cái cũ, không dám đổi mới, sáng tạo!