Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Hà Nội: Hơn 23.000 cán bộ quán triệt Chỉ thị về tăng cường kỷ cương, kỷ luật

15:20 16/08/2023
(ĐCSVN) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, Chỉ thị là thước đo năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể cấp ủy, của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị. Do đó, cần được các cấp, ngành xác định rõ vị trí, tầm quan trọng, phát huy dân chủ, bàn bạc kỹ lưỡng, đầu tư “trí, lực” và quyết tâm chính trị tương xứng, tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội.

Sáng 16/8, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 7/8/2023, của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố (TP) Hà Nội.

Chủ trì hội nghị có các đông chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy Hà Nội với 649 điểm cầu và sự tham gia của 23.041 đại biểu là đại diện các cơ quan Trung ương, các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng các ban Đảng Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND TP; cán bộ chủ chốt các cấp ủy trực thuộc Thành ủy, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn...

Nhận diện cho đúng, trúng và sát với tình hình

Quán triệt một số nội dung chủ yếu Chỉ thị số 24-CT/TU, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết: Qua nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP (nhiệm kỳ 2020-2025), Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chủ động, sáng tạo, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và đã đạt được kết quả khá toàn diện. Một số việc lớn có tính chiến lược, việc khó, tồn tại từ nhiều năm của thành phố đã được lựa chọn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, bước đầu đạt kết quả, tạo chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, gần đây, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của không ít tập thể cấp ủy, địa phương, đơn vị; trong tham mưu, xử lý công việc của nhiều cá nhân cán bộ, công chức, viên chức đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cần được thẳng thắn nhìn nhận, phân tích, đánh giá nguyên nhân để có giải pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Để khắc phục những hạn chế tồn tại nêu trên, với quyết tâm tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc, Thường vụ Thành ủy đã giao Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì, tham mưu Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội.

leftcenterrightdel
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến quán triệt một số nội dung chủ yếu Chỉ thị số 24-CT/TU 

Để Chỉ thị thực sự phát huy được hiệu quả, đi vào thực chất, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ ra 6 nhóm nhiệm vụ và yêu cầu các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở, toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố tập trung thực hiện.

Theo đó, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của tập thể, cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị thành phố. Yêu cầu các cấp, các ngành phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, bảo đảm vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm gắn với quy trình hóa, cá thể hoá, cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong phân công và thực thi nhiệm vụ, trong từng khâu của quy trình xử lý công việc.

Rà soát tổng thể chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cấp, ngành, đơn vị theo nguyên tắc là toàn bộ các nội dung phải được quản lý đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt, một việc giao một đơn vị chủ trì, tránh chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, phù hợp với thực tiễn, đúng quy định hiện hành của Trung ương và thành phố.

Về công tác cán bộ, yêu cầu phải kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để địa phương, đơn vị phát triển không tương xứng với tiềm năng, vị thế, đầu tư của thành phố, mất đoàn kết nội bộ, tín nhiệm thấp, dư luận cán bộ, đảng viên và đơn thư phản ánh tiêu cực, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu.

Đồng thời phải tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, nhất là kiểm tra đột xuất về thực hiện các thủ tục hành chính, về chấp hành các quy định, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan. Phát động phong trào thi đua về nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định, quy chế, kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, có thể nói Hà Nội là địa phương đầu tiên đưa ra khung nhận diện một số biểu hiện trong việc vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc, điều đó thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị thành phố. Tuy nhiên đây mới là bước đầu trong việc triển khai các nội dung mới, chưa có tiền lệ. Vì vậy, cần tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn. Đồng thời các cấp, các ngành qua thực tế triển khai, thực hiện Chỉ thị kịp thời phản ánh, đóng góp để điều chỉnh, bổ sung vào khung nhận diện cho đúng, trúng và sát với tình hình thực tiễn của thành phố trong thời gian tới.

leftcenterrightdel
Quang cảnh Hội nghị. 

Trách nhiệm triển khai của cả hệ thống chính trị

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội là nhiệm vụ rất quan trọng, có tính quyết định việc đưa các nội dung của Chỉ thị và nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch thực sự đi vào cuộc sống đạt hiệu quả, chất lượng…

Hội nghị là dịp để nhìn nhận, đánh giá, khẳng định những việc làm tốt, chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Đồng thời trao đổi kinh nghiệm giữa các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố về tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc. Qua đó, góp phần quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động để gương mẫu, tự giác thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trên mỗi cương vị công tác của mình nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và đồng bộ trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng các cơ quan, địa phương, đơn vị, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung của thành phố.

Bí thư Thành ủy đánh giá, Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đã được xây dựng kỹ lưỡng, công phu, bài bản, khoa học, bám sát tình hình thực tiễn, các yêu cầu nhiệm vụ của Thành phố và được đưa ra thảo luận, bàn bạc, xin ý kiến tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố. Qua đó thể hiện quyết tâm rất cao trong việc tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị về tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để tổ chức thực hiện thật tốt, có kết quả thiết thực Chỉ thị, Kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, tiếp tục nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung của Chỉ thị. Nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động, quyết tâm của toàn Đảng bộ, các cấp, các ngành, các địa phương trong toàn thành phố. Xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, coi đây là cơ sở quan trọng để các cấp, ngành tổ chức thực hiện.

Đồng thời, tiếp tục triển khai tổ chức các hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai ở địa phương, đơn vị cho các đồng chí cán bộ, đảng viên chưa được dự Hội nghị. Các đồng chí trong cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải trực tiếp thực hiện việc quán triệt tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức phổ biến, nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền phù hợp với đối tượng cán bộ, đảng viên thiết thực, tránh hình thức.

leftcenterrightdel
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. 

Về tổ chức thực hiện, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho rằng, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, có tính quyết định việc đưa các nội dung của Chỉ thị và nhiệm vụ giải pháp trong Kế hoạch thực sự đi vào cuộc sống đạt hiệu quả, chất lượng. Là thước đo năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể cấp ủy, của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị. Do đó, cần được các cấp, ngành xác định rõ vị trí, tầm quan trọng, phát huy dân chủ, bàn bạc kỹ lưỡng, đầu tư “trí, lực” và quyết tâm chính trị tương xứng, tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Cùng với đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu tiếp tục nâng cao nhận thức, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, bảo đảm biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức viên chức có năng lực, phẩm chất tốt, gương mẫu, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy bên trong của cơ quan, đơn vị, địa phương tinh, gọn, mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng….

Lấy người dân làm trung tâm phục vụ

Truyền đạt nội dung về Kế hoạch số 171-KH/TU của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU về tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, để thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, Ban Thường vụ Thành ủy đã nêu rõ các nội dung Đảng đoàn HĐND TP, Ban Cán sự đảng UBND TP, Đảng đoàn MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội TP, các ban Đảng và Văn phòng Thành ủy, Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy cần triển khai thực hiện.

Kế hoạch nêu rõ 11 nhóm nhiệm vụ cụ thể thuộc trách nhiệm của Ban Cán sự đảng UBND TP. Theo dó, cùng với việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện Quy chế làm việc của Ban Cán sự đảng UBND TP; cần nâng cao chất lượng các cuộc họp và ban hành văn bản của Ban Cán sự đảng và tập thể UBND TP, chỉ đạo theo hướng rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền; rõ nguyên tắc những nội dung phải bàn tập thể; cá thể hóa trách nhiệm cá nhân…

Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, đánh giá về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, khắc phục triệt để tình trạng bỏ sót hoặc chồng chéo; tiếp tục triển khai việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy; đánh giá việc thực hiện chủ trương phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội; phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố; quyết liệt trong chỉ đạo đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, trọng tâm là các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, tư pháp, y tế, giáo dục, giao thông vận tải…

Cùng với việc phối hợp với các cơ quan trung ương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Thành ủy cũng giao Ban Cán sự đảng UBND TP phát hiện và nhân rộng các mô hình, giải pháp, cách làm hay, hiệu quả; đổi mới công tác kiểm tra, tập trung kiểm tra sâu trách nhiệm trong công tác phối hợp; “lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ”.

Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND TP triển khai hiệu quả Nghị quyết của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh; nỗ lực cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố.

Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, cùng với việc phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương, đơn vị, nội dung chi tiết của Chỉ thị số 24-CT/TU sẽ được đăng tải trên hệ thống “Sổ tay đảng viên điện tử” để hơn 44 vạn đảng viên của TP Hà Nội đều nắm được nội dung Chỉ thị. Như vậy, cả hệ thống chính trị của thành phố cùng tham gia giám sát thực hiện, qua đó hạn chế tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị; nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thu Hà

Tag:

File đính kèm