Sáng 31/3, Ban Nội chính Trung ương tổ chức giao ban trực tiếp kết hợp trực tuyến ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, TP.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cùng các Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương: Nguyễn Thanh Hải và Nguyễn Thái Học chủ trì.
Trong quý I, Ban nội chính các tỉnh uỷ, thành uỷ chủ động theo dõi, nắm tình hình, phối hợp với cơ quan chức năng tham mưu cấp ủy chỉ đạo xử lý 89 vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự. Tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (BCĐ PCTNTC) cấp tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Quán triệt cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong quý, các địa phương đã khởi tố mới 512 vụ án, 1.283 bị can phạm tội về tham nhũng; số vụ án có cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tiêu cực là 225 vụ, 835 bị can. BCĐ, Thường trực BCĐ cấp tỉnh đã chỉ đạo rà soát, quyết định đua 327 vụ án, 179 vụ việc TNTC phức tạp vào diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo…
Thời gian tới, các BCĐ cấp tỉnh và ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác nội chính và PCTNTC.
Chỉ đạo, tham mưu tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực có nhiều dư luận tham nhũng, tiêu cực, tập trung lĩnh vực y tế, quản lý sử dụng đất đai; mua bán, chuyển nhượng tài sản công; các dự án mua sắm lớn từ ngân sách nhà nước, đầu tư công.
Chỉ đạo, tham mưu phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án TNTC, kinh tế, nhất là các vụ nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Đẩy nhanh tiến độ, xác minh, điều tra, xét xử các vụ án, vụ việc TNTC thuộc diện BCĐ TW, BCĐ cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng BCĐ TW là “tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử”.
Các BCĐ cấp tỉnh tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư; giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội để không hình thành “điểm nóng”, không bị động, bất ngờ.
Phát biểu kết luận, đồng chí Phan Đình Trạc biểu dương sự quyết tâm của các tỉnh ủy, thành ủy trong việc thành lập, kiện toàn BCĐ cấp tỉnh, đồng thời khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản tạo cơ sở cho hoạt động của Ban Chỉ đạo đi vào nền nếp, hiệu quả. Nhiều Ban Chỉ đạo đã xây dựng, ban hành các quy định, quy trình công tác cụ thể, thiết thực.
“Những kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh vừa qua có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị, ý thức trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, khẳng định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh, thành phố là hoàn toàn đúng đắn” – đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Phan Đình Trạc cũng nêu lên một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh như: Một số địa phương chưa quán triệt nghiêm quy định của Ban Bí thư về thành phần tham gia Ban Chỉ đạo; bố trí nhân sự tham gia Ban Chỉ đạo chưa đảm bảo cơ cấu, thành phần; Tổ chức bộ máy tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo chưa thống nhất; một số nơi việc tổ chức các Phiên họp của Ban Chỉ đạo, cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo chưa theo đúng quy định của Trung ương, nhất là Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo định kỳ hàng tháng …
Đồng chí Phan Đình Trạc cũng nêu rõ, các Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh mới đi vào hoạt động cần tiếp tục vừa làm, vừa học, vừa hoàn thiện, rút kinh nghiệm, nhưng yêu cầu tiên quyết đặt ra trước hết Ban Chỉ đạo phải thực sự là một tập thể mạnh, đoàn kết thống nhất cao, gắn bó chặt chẽ; mỗi thành viên của Ban phải hết sức gương mẫu, công tâm, trong sạch, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào và cũng không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào.
Đồng chí cũng yêu cầu, các BCĐ các tỉnh, thành ủy kịp thời điều chuyển, thay thế những khâu, mắt xích yếu, bảo đảm bộ máy của BCĐ cấp tỉnh vận hành thông suốt, thực hiện đúng chức năng, đúng chỉ đạo. Tuyệt đối tránh tình trạng làm việc hình thức, tắc trách, được chăng hay chớ. Phải có chương trình, kế hoạch, quy chế công tác bài bản, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên.
Để tạo chuyển biến rõ nét, đột phá với những kết quả cụ thể, thực chất, đồng chí Phan Đình Trạc yêu cầu Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh triển khai thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những khâu yếu, việc khó, điểm nghẽn, những vấn đề bức xúc, dư luận xã hội quan tâm ở địa phương. Trong đó, lưu ý tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm: Nghiên cứu, quán triệt Cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, bí mật, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội (như: Quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đất công quy hoạch đất đai, tài nguyên khoáng sản, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán, cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; y tế, giáo dục, việc thực hiện các chủ trương, chính sách phục hồi kinh tế sau dịch bệnh; kê khai kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn). . .
Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra, thanh tra để phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ, nơi nào để bên ngoài kiểm tra, thanh tra phát hiện tham nhũng, tiêu cực, thì phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó.
BTV các tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục quan tâm chăm lo xây dựng, kiện toàn bộ máy ban nội chính thực sự là cơ quan thường trực vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đồng chí cũng yêu cầu các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy cần chủ động, tích cực, sáng tạo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo; sâu sát, cụ thể, kiên trì, quyết liệt trong tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương và việc thực hiện các kết luận chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo.
Tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 33-CT/TW của Bộ Chính trị về kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; cụ thể hóa các quy định về kiểm soát quyền lực trên các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực mà Trung ương chuẩn bị ban hành tới đây
Chủ động nắm chắc tình hình, phối hợp tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.... không để phát sinh điểm nóng, bị động, bất ngờ…/.