Ảnh minh họa
QUY ĐỊNH 132 ĐÁP ỨNG ĐÚNG YÊU CẦU CỦA THỰC TIỄN
Những nhiệm kỳ gần đây, việc cả hệ thống chính trị quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết các kỳ Đại hội của Đảng cũng như Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Kết luận số 12-KL/TW ngày 6/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ… gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; gắn với Chỉ thị số 03-CT/TW khóa XI, Chỉ thị số 05-CT/TW khóa XII và Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”… đã tạo bước tiến rõ nét trong phòng, đấu tranh chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực Nhà nước. Từ đó, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, kiểm soát quyền lực Nhà nước không chỉ được chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ để từng bước kiềm chế, ngăn chặn tham nhũng, mà còn góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và chế độ.
Thực tế, quyết tâm đẩy mạnh phòng, đấu tranh chống tham nhũng nghiêm túc, hiệu quả và việc thưc thi kiểm soát quyền lực Nhà nước, thể hiện tính nghiêm minh, thượng tôn pháp luật, mà minh chứng là hàng loạt vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý (nhất là những vụ án được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực tiếp chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử) đã cho thấy quyết tâm lớn, nỗ lực cao và sự đồng lòng, nhất trí, ủng hộ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Những kết quả đạt được trong đấu tranh chống tham nhũng, kiểm soát quyền lực Nhà nước đã không chỉ khẳng định công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn đã được chú trọng, mà còn cho thấy chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cũng ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; thực thi bảo vệ pháp chế và quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội, tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng, vẫn còn hiện tượng cá nhân vi phạm trong hoạt động thực thi công vụ; can thiệp, làm cản trở hoặc tác động trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan, hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; thậm chí nhận lợi ích bằng vật chất và phi vật chất để làm trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây ảnh hưởng đến người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác. Thực tế, tình trạng lợi dụng, lạm dụng quyền lực đã và đang trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tham nhũng, tiêu cực trong công tác điều tra, tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác. Do vậy, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực để phòng và chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, tố tụng, thi hành án là cần thiết để cuộc đấu tranh chống tham nhũng đạt hiệu quả thiết thực. Vì thế, Quy định 132 gồm 4 chương, 14 điều, trong đó không chỉ nêu rõ nội dung, nguyên tắc, phương thức kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án, mà còn đồng thời chỉ rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là người đứng đầu trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án… đã ra đời. Đó là một Quy định chi tiết, đầy đủ, phù hợp với thực tế công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hiện nay.
Theo đó, Điều 6, Quy định 132 đã liệt kê cụ thể 28 hành vi lợi dụng lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và một số các hành vi khác theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước như: “1. Lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, ban hành các văn bản trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan. 2. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, nhiệm vụ, công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan. 3. Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan. 4. Bao che, dung túng, tiếp tay, xử lý không đúng quy định đối với hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan…”.
Những quy định tại Điều 6 này càng làm rõ hơn Điều 13, Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm như cán bộ, đảng viên không được “can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác” và Điều 15 về không được “tặng, nhận quà dưới mọi hình thức để tác động đến tổ chức, người có trách nhiệm dẫn đến việc quyết định sai, có lợi riêng cho bản thân hoặc cá nhân, tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp”.
Không chỉ có vậy, Quy định 132 cũng cụ thể hóa trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền theo Điều 7(9 nội dung phải thực hiện); Điều 8 (7 nội dung phải thực hiện); Điều 9 (2 nội dung phải thực hiện) và Điều 10 (3 nội dung phải thực hiện); đồng thời chỉ rõ mọi quyền lực được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao trách nhiệm càng lớn như: “5. Chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong đơn vị được phân công trực tiếp quản lý, phụ trách. 6. Chịu trách nhiệm với tư cách thành viên tập thể cấp uỷ, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, tổ chức và với tư cách người quản lý, phụ trách lĩnh vực về những hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức và trong lĩnh vực được phân công quản lý, phụ trách”...
Đồng thời, tính bao quát và chi tiết của Quy định 132 còn thể hiện rõ ở những quy định về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác…. Đó chính là cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc để cơ quan chức năng bảo vệ người tố giác và những người khác, để họ yên tâm hơn, vững tin hơn trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội. Và đó cũng chính là minh chứng cho thấy, hoạt động tố tụng, thi hành án không chỉ nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà còn được các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan hành pháp, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân giám sát; không chỉ Nhà nước, mà cả nhân dân cũng có thể tham gia giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tố tụng, thi hành án…
14 điều của Quy định 132 là một trong những minh chứng cho thấy quyết tâm, sự sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị trong trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát quyền lực Nhà nước nói chung, trong lĩnh vực ở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nói riêng.
HƯỚNG ĐẾN LÀM TRONG SẠCH ĐỘI NGŨ Ở CÁC CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN
Kịp thời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đáp ứng yêu cải cách hành chính và xây dựng bộ máy hoạt động tố tụng trong sạch, minh bạch, có thể nói việc thực thi Quy định 132 không chỉ giúp các tổ chức và cá nhân trong công tác (tại các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án) thực hiện tốt hơn Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (trong đó có yêu cầu hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực) và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; gắn với Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm và các Quy định về nêu gương (Quy định 55, 08)… để tự soi, tự sửa và tránh mắc khuyết điểm, vi phạm Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật, mà còn tạo cơ sở, điều kiện để cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, ban, ngành chức năng và cán bộ, đảng viên, người dân tham gia giám sát các cơ quan, các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Từ mục đích, nội dung và ý nghĩa như thế, có thể thấy, việc lu loa trên mạng xã hội rằng: Quy định 132 là “vô pháp, không đúng quy định pháp luật”; là “không đảm bảo tính khách quan” và Quy định này “chỉ tô đậm thêm tính chất đảng trị” và “xóa nhòa đi tính chất pháp trị” của các phần tử vong quốc, cơ hội, phản động chỉ là một trong những chiêu trò nhằm bôi đen cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam; xuyên tạc những nỗ lực, quyết sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong phòng, đấu tranh chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực Nhà nước.
Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 8 Khóa XIII. Ảnh: TTXVN
Thực chất, Quy định 132 được ban hành trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng gắn với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, với kiểm soát quyền lực Nhà nước là rất phù hợp với thực tiễn; là đáp ứng đúng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hiện tại. Hơn nữa, Quy định 132 cho thấy việc kiểm soát quyền lực Nhà nước ngay từ gốc rễ không chỉ là biện pháp hữu hiệu, có tác dụng ngăn ngừa, cảnh tỉnh những người có ý định tham nhũng, tiêu cực, mà còn mở rộng phạm vi, vươn tầm đến nhiều lĩnh vực khác trong đời sống chính trị, xã hội, pháp lý như giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo; tương trợ tư pháp và hợp tác quốc tế; bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác hay khuyến khích cán bộ lãnh đạo có sai phạm nghỉ việc (thể hiện tính nhân văn của Đảng, Nhà nước)…
Vì Quy định 132 hướng đến mục tiêu xây dựng bộ máy tố tụng trong sạch, minh bạch; đồng thời cũng chỉ rõ quyền lực luôn đi kèm nghĩa vụ và trách nhiệm, cho nên, mọi hành vi lạm quyền, vượt quyền, vi phạm quyền lực Nhà nước của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ đều sẽ bị xử lý nghiêm minh. Và cũng vì thế, việc thực thi Quy định này sẽ góp phần hạn chế được vấn nạn tham nhũng, tiêu cực, giúp củng cố, tăng cường lòng tin của nhân dân đối với công tác điều tra, xét xử, thi hành án; đồng thời, từng bước loại bỏ những hành vi lợi dụng, lạm dụng, sử dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, tố tụng, thi hành án.
Vì đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn và là minh chứng hiệu quả trong phòng và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và kiểm soát quyền lực Nhà nước của Đảng, nên Quy định 132 được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tin tưởng, đồng tình ủng hộ./.
TS. Văn Thị Thanh Mai
Ths. Nguyễn Tuấn Dũng
(Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo)