Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Bộ GD&ĐT nên biên soạn một bộ sách giáo khoa, nhưng vào thời điểm thích hợp

17:42 30/10/2023
(ĐCSVN) - Bên lề kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nên biên soạn một bộ sách giáo khoa; việc biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa không phải vấn đề lãng phí hay không mà quan trọng chúng ta đang hướng tới mục tiêu giáo dục là gì?

leftcenterrightdel
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương). Ảnh: TH

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương): Thời điểm này, nếu Bộ GD&ĐT biên soạn sách sẽ tiếp tục quay về độc quyền và nhiều hệ lụy khác

Quan điểm của tôi là vẫn cần biên soạn thêm một bộ sách. Sách giáo khoa cũng là một mặt hàng, cho dù đó là mặt hàng đặc biệt. Vì vậy, khi càng có nhiều nhà cung cấp, càng có nhiều mặt hàng thì càng có nhiều sự chọn lựa phong phú khác nhau và người đi mua sẽ chọn được mặt hàng phù hợp nhất cho mình. Điều đó sẽ tạo sự cạnh tranh giữa các tổ chức, cá nhân biên soạn sách và học sinh, giáo viên, phụ huynh là người hưởng lợi. Vì thế, không thể nói có 4 bộ sách là đủ.

Câu hỏi đặt ra, Bộ GD&ĐT biên soạn thêm bộ sách giáo khoa có lãng phí hay không? Tôi cho rằng số tiền ngân sách bỏ ra để làm một bộ sách giáo khoa đúng là rất lớn, nhưng nếu như so với tổng kinh phí để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì không lớn.

Bên cạnh cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn thì vấn đề quan trọng nhất chính là giáo viên. Chúng ta đang sử dụng một đội ngũ giáo viên mấy chục năm giảng dạy chương trình cũ để chuyển sang chương trình mới, chỉ đơn thuần là ấn cho người ta bộ sách giáo khoa mới và có vài ngày tập huấn. Toàn bộ tư duy của giáo viên chưa chuyển kịp nên họ thấy khó khăn, phức tạp, rắc rối, vất vả. Trong quá trình chọn sách, giáo viên cũng cảm thấy vô cùng áp lực.

Thậm chí, chúng ta còn chưa đào tạo được đội ngũ giáo viên dạy những môn học mới. Dạy môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở vẫn đang sử dụng giáo viên được đào tạo dạy đơn môn.

Không chỉ cơ sở hạ tầng chưa chuẩn bị, việc truyền thông, tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của đổi mới chương trình, sách giáo khoa này chúng ta cũng chưa làm kỹ. Điều đó gây nên rất nhiều dư luận và áp lực cho ngành giáo dục.

Vậy Bộ GD&ĐT có nên biên soạn bộ sách nữa không? Tôi nghĩ vẫn nên, nhưng không phải thời điểm này, bởi vì thời điểm này, nếu Bộ biên soạn sách sẽ tiếp tục quay về độc quyền và nhiều hệ lụy khác.

Bộ GD&ĐT nên biên soạn vào một thời điểm thích hợp. Đó là thời điểm mà chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ điều kiện hạ tầng, khi tự bản thân mỗi giáo viên, học sinh và phụ huynh đều hiểu rất rõ về ý nghĩa của việc lựa chọn sách. Khi việc chọn sách thoải mái như chúng ta đi mua đồ siêu thị, không có áp lực nào khiến chúng ta phải mua mặt hàng này hay mặt hàng kia mà chúng ta sẽ lựa chọn sách phù hợp nhất với mình, không nhất thiết phải theo ai cả.

leftcenterrightdel
  Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội). Ảnh: HB

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội): Cần xác định việc hướng tới mục tiêu của giáo dục là gì?

Việc biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa hay dùng nhiều bộ sách, theo tôi đây không phải chỉ tính chuyện có lãng phí hay không mà quan trọng nhất là chúng ta đang hướng tới mục tiêu của giáo dục là gì? Tôi thấy rằng, Nghị quyết 88 năm 2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã thông qua là một Nghị quyết hết sức tiên tiến, thể hiện nhận thức tiến bộ trong việc tạo ra một môi trường giáo dục khai phóng, tạo ra tự do cho người học phải lựa chọn kiến thức và tạo lập kiến thức cho mình. Vì vậy, cần phải có nhiều bộ sách chứ không chỉ một bộ sách.

Chúng ta mới bước sang năm thứ 4 của quá trình triển khai, nhưng lộ trình để thay đổi được sách và chương trình giảng dạy không phải là 4 năm, mà quá trình kéo dài từ năm đầu tiên vào lớp đến năm cuối cùng ra trường. Cho nên, phải xác định rõ hướng đi đã đúng hay chưa? Phải kiên định với hướng đi đó.

Nếu đang đi giữa chừng mà thay đổi về mặt chiến lược thì nhiều khi phá vỡ chương trình. Đồng ý rằng, những bộ sách giáo khoa hiện tại có thể còn có những yếu tố chưa được hoàn hảo. Nhưng, tôi cho rằng đấy không phải là vấn đề quan trọng, bởi sách giáo khoa không phải bắt người học học theo đúng như sách mà quan trọng phải gợi lên nội dung, gợi lên tri thức để người học hiểu và trở thành kiến thức của người học, để người học diễn đạt được thành ý của mình.

Quan trọng nhất phải tìm ra xem quá trình thực hiện chương trình sách giáo khoa này đang hổng ở chỗ nào? Tôi cho rằng cái hổng lớn nhất là vấn đề năng lực của đội ngũ giáo viên có đủ năng lực để chuyển tải được tinh thần chúng ta hay chưa? Bây giờ dạy không cần theo một cuốn sách nào cả, tinh thần của nhiều bộ sách là như thế, người giáo viên đến lớp dạy không phải lệ thuộc vào một quyển sách mà phải dạy theo nội dung.

Thậm chí, ngày hôm nay đến lớp có một sự kiện ở xã hội đang rất nóng thì giáo viên phải dùng ngay nội dung đó để đưa ra giảng dạy, nhưng phải truyền tải được về mặt tri thức là gì.

Như vậy, không phải là dạy theo một quyển sách, đừng nên chạy theo chuyện phải sửa bài này giống như trong sách mà phải đào tạo giáo viên, tăng cường năng lực của giáo viên. Đồng thời, phải tăng cường được nhận thức của xã hội, người học về tư tưởng đổi mới giáo dục./.

Nhóm PV

Tag:

File đính kèm