Dân gian có câu:“Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa” chính là để nêu lên một nhận xét tương đối chính xác về cái tâm lý khá phổ biến thói thường trong xã hội, cái xấu thường dễ được đồn thổi, phóng đại, một đồn mười, mười đồn trăm, loang đi nhanh và xa trong dư luận công chúng hơn, cái tốt thì chưa dễ gì đã được dư luận biết đến rộng rãi. Vì vậy người tốt, việc tốt phải được tuyên truyền nhiều hơn, biểu dương nhiều hơn cũng như được khen thưởng, khích lệ động viên nhiều hơn. Đây chính là một trong những nhiệm vụ, sứ mệnh của báo chí cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của Báo chí cách mạng Việt Nam - Người khai sinh và đặt nền móng cho Báo chí cách mạng Việt Nam, chỉ rõ: Công việc viết báo và làm báo là “công tác cách mạng” để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự Nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại”. “Báo chí là một mặt trận”, “Cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”[1]. Vì thế, “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”; đội ngũ những người làm báo “phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng. Cho nên, các báo chí của chúng ta đều phải có đường lối chính trị đúng”. Người căn dặn các nhà báo trước khi cầm bút phải tự đặt câu hỏi: “Viết để làm gì?”, “Viết cái gì? Viết cho ai? Viết thế nào?” - Bài học kinh nghiệm sâu sắc nhất cho những người làm báo hôm nay.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết đăng trên 2000 bài báo và gần 300 bài thơ, 500 trang truyện và ký, với nhiều bút danh khác nhau. Không chỉ là một cây bút sắc sảo, một nhà báo lỗi lạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là hiện thân của nhà văn hóa kiệt xuất - Người là biểu tượng của sự kết hợp hài hòa tinh hoa văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại - văn hóa Hồ Chí Minh. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu”. Tấm gương giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày - đó là đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị, thanh bạch và đó cũng là phong cách báo chí Hồ Chí Minh.
Phong cách báo chí Hồ Chí Minh là sự gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ và rất đỗi đời thường, Người đặc biệt quan tâm đến việc nêu gương người tốt, việc tốt để tuyên truyền, giáo dục cho đông đảo quần chúng Nhân dân, Người nói:“Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” [2], Người nhấn mạnh: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”[3]. Người cho rằng, người tốt, việc tốt ở đâu cũng có, ngành nào, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có. Lời dạy của Người về công tác tuyên truyền của báo chí đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị.
Báo chí tăng cường đưa tin, nêu gương người tốt, việc tốt chính là góp phần hình thành hệ thống giá trị về tính nhân văn, hun đúc, khơi dậy tinh thần nhân ái của công chúng; nâng cao tính tự giác, sẵn sàng hy sinh lợi ích của cá nhân vì lợi ích chung của cộng đồng, lợi ích của giai cấp, dân tộc. Thực tiễn cho thấy, tuyên truyền, lan tỏa sâu rộng những mặt tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội không chỉ có ý nghĩa to lớn trong đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, mà còn là động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới, xây dựng phát triển đất nước ngày nay. “Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực” luôn là phương châm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta trong công tác tuyên truyền nhằm xây dựng một xã hội tích cực, tiến bộ, nhân văn.
Trong những năm qua, nhằm không ngừng phát huy sức mạnh, vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, lãnh đạo báo chí, theo đó, Báo chí Việt Nam đã không ngừng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Theo số liệu của Bộ TT&TT, đến nay, Việt Nam hiện có 808 cơ quan báo chí, bao gồm 138 báo và 670 tạp chí. Và hiện có 42.400 người làm việc trong lĩnh vực báo chí, trong đó báo in và điện tử 24.000 người [4]. Báo chí trở thành cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, luôn đồng hành với sự phát triển của đất nước.
Đội ngũ những người làm báo không ngừng phát triển về mọi mặt, nhất là vai trò xung kích, tuyến đầu trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Sự trưởng thành, vững vàng về năng lực, phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ báo chí cả nước ngày càng được khẳng định, đó là những tác phẩm báo chí chất lượng được trao giải thưởng báo chí hằng năm do Hội nhà báo Việt Nam cũng như các cơ quan, bộ, ban ngành Trung ương, địa phương tổ chức. Thông qua các giải thưởng báo chí cũng là một hình thức tôn vinh những người làm báo với những tác phẩm báo chí xuất sắc nhất, đó là sự ghi nhận, đánh giá của các tổ chức đối với thành tựu lao động, hoạt động báo chí của các tác giả, nhằm động viên, khích lệ sáng tạo của người làm báo trong cả nước.
Tuy nhiên, nhìn vào những tác phẩm báo chí được quan tâm, thậm chí vinh danh những năm gần đây cho thấy, phần lớn thuộc về những tác phẩm có đề tài chủ yếu là “gai góc” “nóng” “nhạy cảm” phản ánh các vấn đề tiêu cực, những mảng tối trong xã hội. Các mảng đề tài này dường như vẫn chiếm ưu thế, thậm chí nó như một xu hướng được các tác giả cũng như độc giả, các giám khảo “ưu tiên” hơn những nhóm đề tài khác thì phải. Có vẻ ít những tác phẩm báo chí phản ánh về những yếu tố tích cực, những mảng sáng, những mô hình phát triển kinh tế-xã hội, nêu gương người tốt, việc tốt… được đầu tư, quan tâm đúng tầm vóc.
Phải chăng, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội đang diễn ra có chiều hướng gia tăng và phức tạp đã vô tình tạo ra nhiều tác phẩm báo chí mảng đề tài đấu tranh với tiêu cực là tất yếu. Hay những giải thưởng báo chí của các tổ chức những năm gần đây đã truyền cảm hứng cho các tác giả đi sâu khai thác mảng đề tài này... Rất khó để giải đáp một cách rõ ràng đâu là nguyên do… Trong khi đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái tiêu cực chưa bao giờ là bình yên, phẳng lặng và nó luôn là chủ đề nóng thu hút các nhà báo dấn thân.
Có thời điểm, thông tin có tính chất tiêu cực tràn ngập trên báo chí, truyền thông. Nào là quan chức nọ, cán bộ kia bị xử lý kỷ luật do có nhiều sai phạm, tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật… những câu chuyện ở tỉnh A, tổ chức B, việc C… người ta lạm dụng chức vụ, quyền hạn, vi phạm tập trung dân chủ dẫn đến nhiều sai phạm nghiêm trọng đến mức phải xử lý kỷ luật, khởi tố, bắt giam…, những tin tức kiểu này vô tình tạo ra bức tranh màu xám bao trùm dư luận.
Phải khẳng định, báo chí đã góp phần không nhỏ trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tệ quan liêu, lãng phí…, không ít các vụ việc tiêu cực đã được báo chí phanh phui, đưa ra công luận… Nhưng bất cập nảy sinh cũng không ít, nhiều hoạt động báo chí chưa đúng với tôn chỉ mục đích, tiêu cực trong hoạt động báo chí… Theo đó, không chỉ doanh nghiệp mà nhiều cán bộ chân chính cũng có tâm lí rất e ngại với giới báo chí, thậm chí cá biệt có những cán bộ, quan chức phải bạt hồn, khiếp vía với những phóng viên chính thức và phi chính thức lợi dụng việc chống tiêu cực để hù dọa… ép các đối tượng liên quan phải mua chuộc, đưa tiền…, hệ lụy kéo theo không ít phóng viên bị bắt giam vì tội tống tiền…
Với vai trò đặc biệt của mình, báo chí có nhiệm vụ đi tiên phong, phát hiện, phản ánh, phê phán những vấn đề tiêu cực, những cái bảo thủ, trì trệ lạc hậu, kiên quyết đấu tranh với cái xấu, không dung túng, không khoan nhượng, không thỏa hiệp với tiêu cực, nhằm làm minh bạch tất cả thông tin cho Nhân dân biết, đây chính là hoạt động của báo chí chân chính, từ đó góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta.
Có câu “ngọn cờ nào phong trào ấy”. Tuy nhiên, để đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực thì báo chí cũng nên tăng cường tuyên truyền, nêu gương nhiều hơn về những điển hình người tốt, việc tốt, những yếu tố tích cực, những mảng sáng về phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội… Quan trọng hơn là mang ánh sáng trong lành tỏa ra cộng đồng, đẩy lùi, thu hẹp và xóa dần bóng tối, nhằm lan tỏa những thứ tốt đẹp đang diễn ra trong cộng đồng để bức tranh xã hội có nhiều màu sắc tích cực hơn, ý nghĩa hơn.
Nên chăng, Hội nhà báo Việt Nam, các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương cần khuyến khích, đầu tư, động viên, dành nhiều giải thưởng hơn cho những tác phẩm báo chí mảng đề tài phản ánh, tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt thay vì để mảng đề tài đấu tranh với tiêu cực chiếm ưu thế. Tuyên dương, khen thưởng nói chung luôn là nguồn động viên, khích lệ to lớn cho tổ chức, cá nhân cũng như bất kỳ lĩnh vực gì, việc gì…, nó không chỉ là phần thưởng có giá trị về vật chất, tinh thần dành cho đối tượng được khen thưởng, nó còn là nguồn động lực chính tạo ra các hoạt động thi đua sáng tạo, lao động sản xuất…trong cộng đồng xã hội.
Người tốt, việc tốt phải được tuyên truyền nhiều hơn, biểu dương, khen thưởng, khích lệ động viên nhiều hơn để tăng cường "nhân cái đẹp, dẹp cái xấu", "lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực". Đấu tranh, lên án, bài trừ cái xấu là cần thiết, nhưng báo chí, truyền thông nếu tập trung quá nhiều cho việc phản ánh những cái xấu, cái tiêu cực thì vô tình đã để cho cái xấu, cái tiêu cực phủ bóng dư luận, lấn át cái tích cực, cái tốt đẹp vẫn đang diễn ra hằng ngày trong xã hội./.
[1] Hồ Chí Minh - Toàn tập 14, Nxb CTQG, H. 2011, tr.540
[2] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 284
[3] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H.1996, tr. 263