Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam

10:48 05/08/2023
(ĐCSVN) - Nếu chớp được thời cơ xuất khẩu gạo hiện nay, chúng ta sẽ mở rộng được thị phần gạo của Việt Nam trên các thị trường truyền thống và mở ra các thị trường mới. Điều này tạo tiền đề rất tốt cho những vụ sản xuất tiếp theo và những năm tới trong việc tạo đà cho kim ngạch xuất khẩu lúa gạo.

leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung (Ảnh: B.T)

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hoàng Trung đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên liên quan đến tình hình xuất nhập khẩu lúa gạo đang thu hút sự quan tâm của xã hội thời gian qua.

Phóng viên (PV): Thưa Thứ trưởng, trong thời gian qua, một số nước trên thế giới tăng cường tích trữ gạo, một số nước có lệnh cấm xuất khẩu. Về phía Bộ NN&PTNT có đánh giá như thế nào về tình hình lúa gạo thế giới hiện nay cũng như cơ hội cho lúa gạo Việt Nam?

Thứ trưởng Hoàng Trung: Trước hết phải khẳng định rằng, trong thời gian vừa qua, rất nhiều biến động liên quan đến việc điều chỉnh chính sách của một số nước. Từ việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, Nga cũng là 1 trong trong những nước cùng với UAE, Ấn Độ đã có điều chỉnh cấm xuất khẩu gạo.

Trước tình hình đó, về phía Bộ NN&PTNT đã cân nhắc, đánh giá rất kỹ, tìm hiểu vì sao các nước lại có điều chỉnh.

Với việc điều chỉnh như vậy có tác động đến thị trường gạo trên toàn thế giới. Về góc độ Bộ NN&PTNT, Bộ đã đánh giá, nhận định lại và nắm rất chắc tình hình tổ chức sản xuất lúa gạo của chúng ta. Có thể nói là rất mừng, tới thời điểm này, tổng diện tích mà chúng ta sản xuất lúa gạo là 7,1 triệu ha, về sản lượng dao động từ 43 - 43,5 triệu tấn. Với kế hoạch đặt ra hàng năm như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được sản lượng theo kế hoạch cũng như là các kế hoạch cân đối trong vấn đề tiêu thụ trong nước.

Khi tính toán và cân đối tổng thể thì tiêu thụ trong nước chúng ta vào khoảng 30 triệu tấn, trong đó, gồm khoảng 15 triệu tấn phục vụ cho tiêu dùng cho gần 100 triệu dân; 9,5 triệu tấn phục vụ cho chế biến; 1 triệu tấn phục vụ cho làm giống; 2,5 triệu tấn phục vụ cho dự trữ quốc gia. Sau khi cân đối, phải nói là yên tâm, chúng ta còn 14 - 15 triệu tấn lúa, tức là khoảng 7 - 7,5 triệu tấn gạo để phục vụ cho xuất khẩu.

Trước tình hình như vậy, với sản lượng và cách thức tổ chức của mình, chúng ta yên tâm, ngoài vấn đề đảm bảo an ninh lương thực ra thì việc phục vụ cho xuất khẩu là việc tiếp tục đẩy mạnh.

Với tình hình như hiện nay, khẳng định rằng các doanh nghiệp của Việt Nam có nhiều lợi thế. Giá gạo đang lên, vì vậy, chúng ta chủ động sẽ có lợi thế hơn trong việc thương thảo và ký hợp đồng. Khi doanh nghiệp có giá gạo tốt hơn, không những lợi nhuận của người dân cao hơn mà quan trọng là chớp được thời cơ này, chúng ta sẽ mở rộng được thị phần gạo của chúng ta trên các thị trường truyền thống và mở ra các thị trường mới.

Như vậy chúng ta sẽ có tiền đề rất là tốt để những vụ tiếp theo và những năm tới có đà kim ngạch xuất khẩu lúa gạo tốt hơn.

PV: Bối cảnh hiện nay sẽ mở ra thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam, vậy Bộ NN&PTNT sẽ những có định hướng, giải pháp như thế nào để chớp được thời cơ này, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Hoàng Trung: Trước tiên, chúng ta phải tuân thủ Công điện số 610 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, chỉ đạo rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành, các hiệp hội ngành hàng và đặc biệt là việc tổ chức sản xuất của các địa phương.

Việc tổ chức sản xuất tốt và có 1 sản lượng nhất định là điều kiện tiên quyết để có kế hoạch và góp phần giúp doanh nghiệp có lợi thế trong việc ký kết hợp đồng, mang lại lợi nhuận cao hơn.

leftcenterrightdel
 Gạo Việt Nam có nhiều tiềm năng tại Asean (nguồn ảnh: baochinhphu.vn)

Để làm tốt việc này, Bộ NN&PTNT đã tham mưu cho Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ. Vừa rồi, Bộ NN&PTNT đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ để ra Chỉ thị mới về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới. Trong đó, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung vào một số công việc. Thứ nhất là bám sát tình hình thực tế, đặc biệt là tình hình thời tiết gắn chặt với thông báo của cơ quan khí tượng thủy văn về mưa, hạn, mặn để có điều chỉnh khung thời vụ, cơ cấu giống phù hợp.

Thứ hai, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra giám sát bảo đảm lúa không bị dịch bệnh, không để giảm sản lượng do dịch bệnh gây ra.

Thứ ba, Bộ đã giao cho Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ Thực vật, Cục Thủy lợi thành lập đoàn đi kiểm tra thực tế, khảo sát để kiểm tra tình hình hạn, mặn¸ để làm việc với các địa phương nhằm tăng thêm diện tích của vụ Thu Đông. Chúng ta phải căn cứ vào thực tế xem tăng bao nhiêu là hợp lý và phù hợp với điều kiện của các địa phương để vào vụ Thu Đông tới có thêm sản lượng. Nếu chúng ta đạt được thêm diện tích 50 nghìn ha lúa Thu Đông thì chúng ta còn thu thêm được 100 triệu USD. Đồng thời, vừa là để góp phần cung ứng lương thực ra cho khu vực, thế giới, vừa mang lại thu nhập cho người dân.

Thứ tư, vụ Đông Xuân, hiện nay Bộ cũng rất quan tâm, ngay sau khi vụ Thu Đông kết thúc đã chỉ đạo rất rõ về mặt kỹ thuật. Đó là bám sát tình hình hạn mặn, khung thời vụ, xuống giống tập trung đầu tháng 10, vụ Thu Đông tận dụng thu hoạch càng sớm càng tốt. Tháng 10 xuống giống và kết thúc khung thời vụ vào 31/12 đối với vụ Đông Xuân, vừa né được hạn, mặn vừa né rầy trong vấn đề phòng chống sâu bệnh.

Bộ yêu cầu các Cục chuyên ngành của Bộ như: Cục Bảo vệ Thực vật, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tiếp tục xử lý các rào cản kỹ thuật để xử lý những vấn đề vướng mắc trong xuất khẩu gạo. Đồng thời, mở rộng thêm các thị trường mới khác để đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào 1 thị trường, góp phần giúp việc cung cấp sản lượng gạo của chúng ta ra thị trường các nước trong khu vực và thế giới bền vững hơn.

PV: Để xuất khẩu gạo thuận lợi về mặt lâu dài, Thứ trưởng cho biết các giải pháp sẽ thực hiện để đạt được điều này?

Thứ trưởng Hoàng Trung: Trước hết là phải tập trung bám sát tình hình thực tế, ở đây là kế hoạch sản xuất của từng địa phương và điều kiện thời tiết, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch hợp lý nhất. Chúng ta đảm bảo diện tích trồng lúa vừa đáp ứng an ninh lương thực, vừa đáp ứng cho xuất khẩu.

Thứ nữa, hiện nay Bộ đang chỉ đạo các đơn vị có liên quan cố gắng tập trung hoàn thiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính. Đây là 1 trong những đề án mà Bộ, Chính phủ rất quan tâm. Vì nếu làm tốt đề án này, đây sẽ là vấn đề sau này có thể nhân rộng ra cho các khu vực có chuyên canh như Đồng bằng sông Cửu Long hoặc Đồng bằng sông Hồng.

Khi đã nói đến lúa chất lượng cao, giảm phát thải thì đây là xu thế tất yếu chúng ta phải làm. Điều này mang lại giá thành tốt hơn, hiệu quả hơn. Qua đây chứng minh với thế giới chúng ta đang thực hiện đúng cam kết của COP26, cũng như bảo đảm những sản phẩm lúa gạo ra các thị trường đạt chất lượng tốt, vừa là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng gạo tốt, thơm ngon, đáp ứng yêu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.

Ngoài những việc trên, Bộ chỉ đạo các đơn vị, trước tình hình biến đổi khí hậu, ngoài vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn, nhiều điều kiện thời tiết bất lợi, chúng ta cố gắng nghiên cứu cho ra những giống lúa có khả năng thích ứng với những điều kiện đó, để bảo đảm trong các điều kiện bất thuận, chúng ta vẫn duy trì được diện tích và sản lượng. Như vậy mới có nguồn cung đáp ứng các hợp đồng mà chúng ta ký kết và cũng tạo dựng niềm tin của ngành hàng lúa gạo Việt Nam đối với thế giới.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!./.

 

B.T (ghi)

Tag:

File đính kèm