|
|
Hà Nội có gần 1.600 tòa chung cư cũ, xây dựng từ những năm 1960-1980. |
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội có gần 1.600 tòa chung cư cũ, xây dựng từ những năm 1960-1980. Phần lớn số chung cư này đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản người dân.
Theo một số chuyên gia về xây dựng, do hết niên hạn sử dụng, cấu kiện của các tòa nhà bị lún, nứt, nghiêng, cộng với việc hộ dân tự cơi nới, sửa chữa nên nhiều chung cư cũ tiềm ẩn quá nhiều nguy hiểm. Chỉ cần một tác động như động đất, cháy nổ có thể gây sụp đổ các chung cư cũ.
Trước thực trạng này, từ năm 2005, Hà Nội đã lên phương án và bắt đầu cải tạo các khu chung cư cũ. Tuy nhiên, do một số bất cập và sự thay đổi chính sách nên đến nay con số chung cư cũ được cải tạo vẫn rất khiêm tốn, mới có 19 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng (chiếm 1,2% tổng số nhà ở chung cư cũ) và 14 dự án đang triển khai.
Tại kỳ họp thứ 2, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16 năm 2021 đã thông qua Nghị quyết về Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn. Thành phố Hà Nội bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng để kiểm định, rà soát thực trạng chung cư cũ, nhất là đối với chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, chung cư hư hỏng nặng.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, cuối năm 2021, UBND thành phố đã ban hành Ðề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội, với các kế hoạch, tiến độ thực hiện cụ thể. Tuy nhiên, các công việc liên quan đến cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố triển khai còn rất chậm.
UBND thành phố Hà Nội cũng đã thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, khảo sát, kiểm định tổng thể các chung cư cũ; lập quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng chung cư cũ; kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các cũ chung cư. Kế hoạch dự kiến chia 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025, Hà Nội lên kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ, bao gồm 4 khu nhà cấp D - cấp độ nguy hiểm, nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp người dân, gồm: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, nhà của Bộ Tư pháp; 6 khu có tính khả thi để cải tạo là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân. Tuy nhiên, việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ bị "vỡ" tiến độ vì đến nay chưa có bất kỳ khu tập thể cũ nào được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Hiện việc cải tạo chung cư cũ đang được thực hiện theo mô hình người dân đợi chủ đầu tư đến xây dựng, cải tạo lại.
Nguyên nhân của việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội diễn ra chậm do những vướng mắc về cơ chế và thiếu sự đồng thuận của một bộ phận người dân. Trong đó, khó khăn nhất là cân đối lợi ích của 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Một số ít người dân ở khu vực tầng 1 thì không muốn cải tạo, xây mới vì liên quan đến “túi tiền” mà họ thu được từ lợi ích của việc ở tầng 1. Phía doanh nghiệp không mặn mà do lợi ích từ việc cải tạo chung cư cũ không hấp dẫn. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra của Nhà nước là không gia tăng mật độ dân cư, điều chỉnh quy hoạch, nâng chiều cao xây dựng… Vì thế việc cải tạo, xây dựng chung cư cũ của Hà Nội trở thành “đặc sản” khó nhằn.
Gần đây, “bài toán” nan giải này dường như đang dần có lời giải, khi thành phố Hà Nội vừa có một loạt động thái mạnh mẽ, chỉ đạo, kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc. Theo thông tin mới nhất, Hà Nội sẽ chọn quận Ba Đình và 3 khu chung cư cũ ưu tiên triển khai đợt 1 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Trước mắt, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ này, phân công cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương, bảo đảm rõ cá nhân phụ trách, rõ tiến độ từng ngày theo 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề án đã đề ra, như: Quy hoạch chi tiết, lựa chọn nhà đầu tư, họp bàn lấy ý kiến Nhân dân, xác định hệ số k (hệ số khung bồi thường khi triển khai công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ)… Và yêu cầu đặt ra trước hết, là phải tạo bước đột phá về công tác quy hoạch chi tiết từng khu, cụm nhà chung cư.
Ngày 16/4 mới đây, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đi kiểm tra tình hình triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn. Phát biểu tại buổi kiểm tra, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan tạo bước đột phá trong công tác quy hoạch; quy hoạch gắn với giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, nhà đầu tư, nhà nước... để đến năm 2025, Hà Nội khởi công cải tạo, xây dựng lại 1 đến 2 khu chung cư cũ.
Để thực hiện được yêu cầu đó, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Cải tạo chung cư cũ là nhiệm vụ cấp thiết, một trong những nhiệm vụ đầu tiên để tái thiết đô thị, xây dựng Thủ đô ngày càng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Trước những việc khó khăn như vậy, nếu cán bộ được giao nhiệm vụ tâm huyết, quyết tâm cao và có tình yêu đối với Hà Nội thì chắc chắn sẽ tìm ra giải pháp vượt qua, ngược lại, còn hời hợt, vô tâm, vô cảm với công việc thì 5-10 năm nữa vẫn sẽ không có kết quả. “Mỗi đồng chí liên quan đến nhiệm vụ này cùng xác định đây là trách nhiệm với sự an toàn của người dân, để từ đó cố gắng thêm, tận tâm vì hiệu quả công việc, vì mục tiêu thành phố đã đề ra” - Bí thư Hà Nội nói.
Thực tiễn đặt ra, vấn đề cải tạo và xây dựng lại chung cư cũ tại Hà Nội là một nhiệm vụ cấp bách để tái thiết đô thị. Nhưng nó không chỉ mang tính chất đơn thuần kỹ thuật, xây dựng mà còn chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa của những khu dân cư đã tồn tại nhiều năm qua. Đồng thời liên quan mật thiết đến đời sống, tình cảm hằng ngày và sự an toàn, sự phát triển bền vững của cả Thủ đô.
Do đó, các cấp, các ngành trong hàng loạt các động thái mạnh mẽ, chỉ đạo, kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc cũng cần phải chỉ đạo xác định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn và lợi ích của mỗi bên liên quan. Sự đồng thuận, minh bạch và công bằng trong triển khai là chìa khóa để giải quyết những vấn đề phức tạp, khả năng phản ứng từ cộng đồng.
Với tình yêu và quyết tâm dành cho Hà Nội, chúng ta tin tưởng rằng chính quyền và người dân sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn, đạt được mục tiêu cải tạo, xây mới chung cư cũ, giúp Hà Nội trở nên văn minh, hiện đại, an toàn hơn nhưng vẫn giữ được giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, đồng thời đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô…/.