|
|
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho rằng việc cắt xén bữa ăn của các VĐV bóng bàn là một bài học lớn đối với ngành Thể dục thể thao (TDTT). |
Trước đó có thông tin phản ánh vận động viên tại một số cơ sở đào tạo bị ăn đói, nghi ngờ có thể bị cắt xén tiền ăn dù mỗi ngày vận động viên được nhận 320.000 đồng từ ngân sách nhà nước.
Theo điều tra của báo Tiền Phong, bữa ăn của nhóm 8 vận động viên đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia đang tập huấn tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình với chi phí 800.000 đồng, nhưng chỉ có đậu rán, cá ba sa kho, nem rán (chả giò), một đĩa củ quả luộc, một bát canh cà chua. Các vận động viên cho biết vì ăn uống không đầy đủ nên thường xuyên phải tự đi mua đồ ăn thêm mới đủ sức tập.
Sự việc được phát hiện đúng lúc đoàn thể thao Việt Nam tham dự ASIAD 19 (Hàng Châu, Trung Quốc) với kết quả không mấy khả quan, xếp thứ 21 trên bảng tổng sắp huy chương ASIAD 19 sau cả Thái Lan (hạng 8), Indonesia (hạng 13), Malaysia (hạng 14), Philippines (hạng 17) và Singapore (hạng 20)- những nước trong khu vực Đông Nam Á.
Với ví dụ điển hình ở Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đối với đội tuyển bóng bàn, phải chăng đây là phần nào lý giải cho chất lượng đang có dấu hiệu tụt dốc của thể thao Việt Nam.
Trước sự bức xúc của dư luận, với vai trò là cơ quan quản lý chịu trách nhiệm cao nhất, Bộ VHTTDL lý giải rằng: Hiện nay, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội không đủ diện tích để tập huấn, khó khăn về cơ sở vật chất. Để đáp ứng yêu cầu tập luyện của các đội tuyển thì phải tập huấn ở Khu Liên hiệp Thể thao quốc gia, tại các Trung tâm Huấn luyện thi đấu thể dục thể thao các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình…
|
|
Phó Cục trưởng Cục TDTT Nguyễn Hồng Minh hứa sẽ làm rõ trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, quản lý toàn diện các đội tuyển bóng bàn. |
Việc chi trả chế độ cho các huấn luyện viên, VĐV được Trung tâm trả vào tài khoản riêng. Đối với đội bóng bàn trẻ, từ tháng 2/2023 thực hiện chi trả theo quy định.
Bộ cho rằng vụ việc cắt xén tiền ăn của đội tuyển bóng bàn trẻ là bài học đắt giá cho ngành TDTT trong công tác phối hợp với các cơ sở tại một số địa phương ngoài Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội để tập huấn cho các đội tuyển. Vụ việc đáng tiếc này là cảnh tỉnh đối với người tham gia công tác huấn luyện đội tuyển trẻ đã không đặt vấn đề chăm lo cho VĐV lên trên hết mà vì lợi ích của cá nhân mình.
Cũng theo Bộ VHTTDL, ngay sau khi nhận được thông tin trên các phương tiện truyền thông, Bộ đã ngay lập tức chỉ đạo Cục Thể dục thể thao phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý vụ việc tiến hành đình chỉ Ban Huấn luyện, đưa đội tuyển bóng bàn trẻ về Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội.Bộ cũng đã chỉ đạo Cục Thể dục thể thao tổng kiểm tra, rà soát lại công tác huấn luyện các đội tuyển để đáp ứng được yêu cầu, quan tâm chăm lo đời sống của huấn luyện viên, VĐV. Bộ yêu cầu trước ngày 20/10/2023 phải thông tin kết quả tới các cơ quan báo chí.
Liên quan đến trách nhiệm của Cục TDTT, Phó Cục trưởng Cục TDTT Nguyễn Hồng Minh cho biết sẽ làm rõ trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, quản lý toàn diện các đội tuyển, làm rõ bản chất vụ việc, sai phạm (nếu có) ở đội tuyển bóng bàn quốc gia.
Đồng thời Cục sẽ làm rõ trách nhiệm của Khu liên hợp thể thao quốc gia trong việc phục vụ ăn nghỉ cho đội tuyển bóng bàn trẻ. Trách nhiệm của Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội trong công tác quản lý về tập huấn, chuyên môn, ăn nghỉ và thực hiện chế độ chính sách Nhà nước đối với VĐV.
Có thể nó việc cắt xén trong khẩu phần ăn hàng ngày của các VĐV là việc nhỏ nhưng tác hại lại vô cùng lớn vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến thể lực và nguồn lực của thể thao Việt Nam. Nhiều người cho rằng vấn đề này có thể đã diễn ra từ lâu và ở nhiều môn thể thao khác chứ không riêng gì bóng bàn. Chính vì vậy thanh lọc môi trường đào tạo VĐV thể thao, đảm bảo chất lượng dinh dưỡng trong đào tạo, đảm bảo thể lực để các VĐV tham gia thi đấu đem lại vinh quang về cho quốc gia là trách nhiệm của các cấp các ngành trong đó trách nhiệm hàng đầu thuộc về cơ quan quản lý là Bộ VHTTDL và Cục TDTT.