Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau
Được Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết từ tháng 5/1965, bản Di chúc thực sự là kết tinh trí tuệ và tình cảm của Bác; là những lời di huấn thiêng liêng nhất Người muốn gửi lại toàn dân tộc trước lúc đi xa. Nội dung Di chúc đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng như xây dựng Đảng; bồi dưỡng thế hệ cách mạng; giáo dục đạo đức, truyền thống… qua đó thể hiện tầm nhìn chiến lược, toàn diện và khả năng dự đoán thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Di chúc là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Bác với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng. Trong đó, Người đặc biệt nhấn mạnh việc chăm lo, giáo dục đoàn viên, thanh niên. Theo Bác, cách mạng là sự nghiệp lâu dài; vì vậy Đảng phải có lực lượng nòng cốt là đoàn viên, thanh niên. Muốn xây dựng Đảng phải quan tâm giáo dục thế hệ trẻ, đoàn viên, thanh niên; Đảng, Nhà nước và nhân dân cần quan tâm, chăm lo đoàn viên, thanh niên với tư cách là những chủ nhân tương lai của đất nước.
|
|
Trước lúc đi xa, Bác đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với đoàn viên, thanh niên. |
Người viết: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ” (1). Đây là kết quả tổng kết, đúc rút từ chính thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các thời kỳ cách mạng. Lời căn dặn này của Bác trong Di chúc có giá trị định hướng việc giáo dục rèn luyện và phát huy mọi khả năng của đoàn viên, thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Cùng với đó, Người nhấn mạnh: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” (2). Việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau thể hiện trong “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết là bồi dưỡng lý tưởng cộng sản; giáo dục truyền thống yêu nước; bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, đào tạo lực lượng kế tục sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa. Đó là sự quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp cách mạng, vun trồng “cái gốc” để sự nghiệp của các thế hệ đi trước luôn được thế hệ trẻ gìn giữ, phát huy, phát triển. Đồng thời, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc còn thể hiện nhãn quan chính trị sáng suốt, tầm nhìn sâu sắc của Bác đối với vận mệnh của dân tộc; có giá trị cả với hiện tại và tương lai của đất nước.
Giáo dục thanh niên vừa “hồng” vừa “chuyên” theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm khẳng định vị trí vai trò của đoàn viên, thanh niên trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Ngay từ năm 1925, Bác đã khẳng định trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại. Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh” (3). Theo Người, thanh niên là bộ phận trẻ, khỏe, dám nghĩ, dám làm, giàu ý chí, nghị lực và ước mơ; “Thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội… Thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ…” (4). Do vậy, tập hợp, giáo dục, rèn luyện đoàn viên, thanh niên luôn là vấn đề quan trọng của sự nghiệp cách mạng.
Đặc biệt, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cần quan tâm, giáo dục đạo đức cách mạng để đoàn viên, thanh niên “thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên” (5). Thấm nhuần và thực hiện căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 55 năm qua, Đảng ta đã luôn quan tâm chăm lo, xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện các thế hệ đoàn viên, thanh niên. Thanh niên Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, đóng góp quan trọng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và đi lên chủ nghĩa xã hội.
|
|
Bồi dưỡng thế hệ cách mạng là nội dung quan trọng trong “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Hiện nay, trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, thế hệ trẻ Việt Nam đã và đang chứng tỏ bản lĩnh, sức trẻ, sự sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm; luôn trung thành với sự lãnh đạo của Đảng, kiên định lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Đại đa số thanh niên Việt Nam đã ra sức tu dưỡng, học tập và rèn luyện về mọi phương diện, tích cực lao động sản xuất, tiến vào khoa học - công nghệ, để cùng với toàn Đảng, toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhằm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Những phong trào thi đua, như Thanh niên tình nguyện, Thanh niên lập nghiệp, Tuổi trẻ học đường,... được đông đảo đoàn viên, thanh niên, sinh viên và học sinh hưởng ứng đã trở thành động lực cho sự phát triển của các địa phương trong cả nước.
Tuy nhiên, mặt trái nền kinh tế thị trường và âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động đang tác động tiêu cực đến tâm tư, tình cảm, ý chí phấn đấu của đoàn viên thanh niên hiện nay. Một bộ phận đoàn viên, thanh niên vì vậy đã có những biểu hiện phai nhạt niềm tin, lý tưởng, mất phương hướng phấn đấu, không có chí lập thân, lập nghiệp; chạy theo lối sống hưởng thụ, thực dụng; ngại cống hiến, thiếu trách nhiệm với gia đình và xã hội;…
Trước thực trạng trên, tiếp tục thực hiện căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc về bồi dưỡng thế hệ cách mạng, thời gian tới, cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục, bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đoàn viên, thanh niên với nội dung và phương pháp thích hợp làm cơ sở cho nâng cao bản lĩnh chính trị, thức trách nhiệm, giữ vững niềm tin của đoàn viên, thanh niên vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn các cấp trong tập hợp, giáo dục và đưa đoàn viên, thanh niên vào các phong trào hành động cách mạng. Chú trọng nâng cao chất lượng các phong trào thi đua của tuổi trẻ cả nước; nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến gắn với đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Đặc biệt, cần quan tâm xây dựng môi trường xã hội tích cực, tạo cơ hội thuận lợi để đoàn viên, thanh niên phát triển bản thân và cống hiến cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Hoàn thiện hệ thống chính sách, quan tâm, chăm lo toàn diện đời sống vật chất, tinh thần và nhu cầu, lợi ích chính đáng của thanh niên. Đồng thời, chủ động khắc phục tư tưởng hoài nghi, hoang mang, dao động, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng ở một bộ phận giới trẻ hiện nay. Kiên trì xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam có đạo đức cách mạng, có ý thức chấp hành kỷ luật, có văn hóa, lối sống lành mạnh... là lực lượng nòng cốt trong xây dựng đất nước Việt Nam “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn", như mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời./.
Tài liệu tham khảo:
(1), (2), (5). Hồ Chí Minh, toàn tập, Tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 622.
(3): Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 2, tr.144
(4): Hồ Chí Minh, toàn tập, Sđd, tập 13, tr.298, 299.