Mù Cang Chải là 1 trong 74 huyện nghèo của cả nước và là một trong hai huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái. Nằm cách trung tâm tỉnh trên 180km về phía Tây với địa giới hành chính gồm 13 xã, 1 thị trấn, Mù Cang Chải có 12 dân tộc cùng sinh sống, dân tộc Mông chiếm hơn 91%/tổng dân số của huyện với hơn 70.000 người.
Trước đây, cùng với cơ sở hạ tầng nông thôn từ điện - đường - trường - trạm còn nhiều khó khăn, thiếu thốn thì trình độ, nhận thức của nhân dân cũng còn hạn chế, nhất là phương thức sản xuất chủ yếu vẫn theo lối tự cung tự cấp, đời sống vẫn còn bị ảnh hưởng bởi tư duy du canh du cư, phát nương, làm rẫy cùng một số hủ tục... khiến đói, nghèo và lạc hậu cứ mãi đeo bám bà con.
Năm 2019, ngay sau khi được điều động giữ chức Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải, đồng chí Nông Việt Yên đã đi khảo sát, tìm hiểu thực tế hoàn cảnh đời sống người dân trong toàn huyện, nhất là các bản vùng sâu, vùng xa nơi 100% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số.
Thấy đời sống người dân nhiều bản còn khó khăn như: giao thông không thuận lợi, chưa có điện lưới quốc gia, sóng điện thoại, ăn ở chưa bảo đảm vệ sinh, thiếu kỹ thuật sản xuất... nên tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều gia đình đói giáp hạt, lại càng thôi thúc Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên tìm cách để tháo gỡ giúp người dân.
Sau những trăn trở, suy nghĩ và đưa ra thảo luận với sự đồng thuận cao, Huyện ủy Mù Cang Chải đã quyết định xây dựng Kế hoạch số 186-KH/HU ngày 10/6/2019 về triển khai mô hình "Ngày cuối tuần cùng dân” để giúp nhân dân nâng cao đời sống.
Đồng chí Nông Việt Yên - Bí thư Huyện uỷ Mù Cang Chải cho biết: "Theo quy định, ngày cuối tuần là ngày nghỉ dành cho cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên thực tế bà con còn khó khăn quá nên đã là cán bộ thì cần suy nghĩ làm sao để giúp dân bớt khổ. Bởi vậy, một tháng có 8 ngày nghỉ cuối tuần thì mỗi cán bộ, công chức, viên chức cố gắng dành hai ngày để đến với dân, giúp dân cũng không phải là nhiều. Ngoài ra, mô hình "Ngày cuối tuần cùng dân” cũng được xem là thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, nếu biết tận dụng thời gian để tiếp cận, vận động người dân, giúp bà con sớm thoát khỏi khó khăn thì còn mang lại nhiều lợi ích lớn khác về cả chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng”.
Với đặc thù của huyện miền núi đặc biệt khó khăn, người dân Mù Cang Chải không chỉ nghèo về vật chất, cơ sở hạ tầng nông thôn mà nghèo cả về kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, phát triển kinh tế cũng như sự kết nối giữa chủ trương, chính sách với người dân và tâm tư nguyện vọng người dân đến với các cấp, các ngành... Mô hình "Ngày cuối tuần cùng dân” ra đời đã tạo cơ hội kết nối thông tin đa chiều, phá vỡ lối mòn tư duy cũ của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, mang lại động lực mới giúp Mù Cang Chải chuyển mình đổi thay nhanh chóng.
|
Rồi việc mỗi cán bộ, công chức, viên chức phụ trách cơ sở đã dành 2 ngày cuối tuần mỗi tháng, đến các bản làng giúp người dân làm đường giao thông nông thôn, sửa chữa nhà cho hộ nghèo, dọn vệ sinh môi trường, hướng dẫn người dân ăn ở hợp vệ sinh, chăn nuôi, phát triển kinh tế, xóa bỏ những tập tục lạc hậu... đã nhanh chóng mang lại hiệu ứng tích cực và được tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong toàn huyện đồng thuận hưởng ứng, lan toả mạnh mẽ.
Hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên với chức năng, nhiệm vụ của mình hàng tháng luôn chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể đến với dân bao nhiêu buổi, làm những việc gì, ở đâu... đã tạo thành nề nếp, tư duy chủ động, linh hoạt trong công việc.
Phù hợp thực tiễn, lan toả mạnh mẽ
Khi mới thực hiện, mô hình cũng vấp phải những ý kiến chưa đồng thuận của một số cán bộ, đảng viên, bởi họ cho rằng ngày cuối tuần là ngày nghỉ, nếu yêu cầu họ dành 2 ngày cuối tuần mỗi tháng đi giúp dân là vi phạm Bộ luật Lao động.
Tuy nhiên, qua vận động, giải thích và hơn hết là sau khi đi vào hoạt động, nhận thấy những hiệu quả tích cực mà mô hình mang lại thì tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong toàn huyện đã đồng thuận, ủng hộ lan tỏa mô hình.
Đồng chí Sùng A Di, cán bộ Địa chính - Xây dựng, xã Mồ Dề chia sẻ: "Khi mới thực hiện mô hình "Ngày cuối tuần cùng dân”, ngày thứ Bảy mình lại đi giúp dân, việc gia đình không ai làm nên vợ con cũng kêu lắm. Mình cũng phải giải thích đây là nhiệm vụ chính trị, cũng là để cho người dân thêm gần gũi, cởi mở thì làm việc mới hiệu quả, thực hiện các công việc mới xuôi... Đến hiện nay, không chỉ 2 ngày nghỉ/tháng mà nhiều khi cũng không tính ngày nữa, cứ việc chưa xong là đi cả tuần vì nhân dân”.
Đến nay, không còn chỉ gói gọn ở huyện Mù Cang Chải nữa mà năm 2021, mô hình "Ngày cuối tuần cùng dân” đã được tỉnh Yên Bái nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, tạo ra một loại hình dân vận mới, có sức ảnh hưởng, lan tỏa mạnh mẽ từ các bản làng vùng cao đến nơi phố phường đông đúc.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Sùng A Dê - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Nậm Có khẳng định: Sau 5 năm thực hiện, mô hình thật sự phù hợp với địa phương vùng cao nơi trình độ, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế với nhiều hoạt động vẫn còn phải thực hiện theo kiểu "cầm tay chỉ việc”.
Trước hết, nhờ thực hiện mô hình đã góp phần nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên với nhân dân, tạo sự gần gũi, giúp người dân tự tin, xóa bỏ khoảng cách giữa cán bộ với người dân để người dân cởi mở, trao đổi, sẻ chia để nắm bắt thông tin đa chiều, rồi có những giải pháp để lãnh đạo, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động sát với thực tiễn, tâm tư nguyện vọng của người dân hơn” - Bí thư Dê nói.
Cán bộ và nhân dân xã Lao Chải thực hiện "Ngày cuối tuần cùng dân” đổ bê tông đường giao thông nông thôn.
Cán bộ, đảng viên đi đầu nêu gương
Hình ảnh các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, đảng viên thuộc các ban, ngành, địa phương quần xắn cao, tay cầm cuốc, xẻng nhễ nhại mồ hôi giúp dân làm đường giao thông nông thôn, dọn vệ sinh môi trường, làm nhà cho hộ nghèo, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi trong chuồng, dưới ruộng... đã không còn xa lạ với người dân ở huyện vùng cao Mù Cang Chải trong những năm gần đây. Những việc làm đó có ý nghĩa sâu sắc không chỉ về mặt kinh tế - xã hội mà cả chính trị, an ninh - quốc phòng.
Ông Hờ A Say, bản Là Chí Lư, xã La Pán Tẩn chia sẻ: "Tôi chưa lần nào được nói chuyện trực tiếp với cán bộ huyện nên mỗi lần gặp thì thấy sợ và ngại lắm, không dám nói chuyện vì nghĩ mình chỉ là dân thường, chắc họ không muốn nói chuyện cùng. Thế nhưng lúc đi tham gia "Ngày cuối tuần cùng dân” ở trong bản, thấy cán bộ huyện về cũng cầm cuốc lao động như người dân".
"Rồi chúng tôi được nói chuyện thấy cũng thoải mái, được cán bộ hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình, cuộc sống rồi chúng tôi cũng kể những vấn đề mình đang băn khoăn cho cán bộ nghe và đã được cán bộ trả lời, giải quyết thỏa đáng. Qua đó, chúng tôi rất phấn khởi, tự tin và tự nhủ phải chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, xây dựng đời sống theo nếp văn hóa mới để không phụ sự quan tâm của cán bộ, của Đảng, Nhà nước” - ông Say chia sẻ.
Sau 5 năm triển khai thực hiện mô hình "Ngày cuối tuần cùng dân” trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã có hơn 7.000 lượt lãnh đạo Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, trưởng, phó các ban, ngành của huyện; trên 30.000 lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và trên 70.000 lượt người dân tham gia hàng nghìn phần việc cụ thể.
Có thể nói, việc nêu cao vai trò, trách nhiệm, tinh thần tự giác, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức, thực hiện mô hình gắn với tập trung giải quyết những đề xuất, kiến nghị của nhân dân theo phương châm "làm hết việc chứ không làm hết giờ” đã xây dựng được hình ảnh đẹp về người cán bộ, đảng viên trong lòng nhân dân, được nhân dân tin tưởng.
A Mua
Nguồn: baoyenbai.com.vn