Sáng 14/7, Tỉnh ủy Hải Dương tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị.
Đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự có đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động - Thương binh và xã hội; các Tổng cục, Vụ chuyên môn.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng khẳng định, trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta luôn xem con người là nhân tố có tầm quan trọng đặc biệt, quyết định sự thành công của cách mạng. Vì thế, Giáo dục và đào tạo đã được Đảng ta xác định là quốc sách hàng đầu, nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; trực tiếp tham gia vào việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội vững mạnh về mọi mặt; góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Ngay sau khi Nghị quyết 29-NQ/TW, Chương trình hành động của Chính phủ được ban hành, Tỉnh ủy Hải Dương đã xây dựng, triển khai Chương trình hành động với quan điểm xuyên suốt "coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu"; "đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển"; đã nghiêm túc chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Tỉnh đã ban hành, hoàn thiện nhiều chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách và dành nhiều nguồn lực ưu tiên phát triển phát triển giáo dục, trọng tâm là xây dựng cơ sở vật chất trường học, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên, đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các bậc học.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tỉnh Hải Dương đã đạt được những kết quả rất tích cực. Việc quán triệt, học tập, tuyên truyền và triển khai Nghị quyết được lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, của đội ngũ cán bộ đảng viên và Nhân dân về yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được nâng lên. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng, hiệu quả; đáp ứng ngày càng tốt hơn mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu học tập của nhân dân. Hệ thống giáo dục, đào tạo được xây dựng theo hướng giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, gắn với xây dựng xã hội học tập. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng, với cơ cấu ngày càng hợp lý. Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đào tạo được quan tâm đầu tư, từng bước theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Chất lượng phổ cập giáo dục ngày càng được nâng cao. Kết quả thi tốt nghiệp THPT được duy trì, ổn định; Chất lượng giáo dục toàn diện và kết quả giáo dục mũi nhọn luôn ở vị trí top đầu trong cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Cơ sở vật chất nhiều nhà trường còn thiếu thốn, chưa đáp ứng theo yêu cầu, nhất là so với các quy định mới của Trung ương. Cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng thừa thiếu cục bộ tại địa phương. Việc thực hiện chính sách đối với đội ngũ nhà giáo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Vai trò quản lý nhà nước, phối hợp trong công tác quy hoạch, xây dựng trường lớp, dự báo tăng dân số gắn với sự phát triển giáo dục còn hạn chế. Hiệu quả, tỷ lệ phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh còn thấp. Việc hợp tác liên doanh, liên kết đào tạo quốc tế trong giáo dục phổ thông, nhất là đào tạo, dạy nghề, giáo dục nghề nghiệp hiệu quả chưa cao. Chất lượng giáo dục toàn diện ở một số nơi, trong đó có cơ sở giáo dục tư thục còn thấp. Đặc biệt là việc ban hành cơ chế, chính sách xã hội hóa, thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa có sức thu hút lớn.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho biết, Xứ Đông xưa là vùng đất có truyền thống văn hiến, hiếu học từ ngàn đời. Trong các triều đại phong kiến, Xứ Đông luôn sinh, dưỡng và duy trì vị trí đầu bảng về số lượng tiến sỹ nho học. Các địa danh nổi tiếng như Phủ Nam Sách; làng tiến sỹ Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang; Các Tiến sỹ nho nhọc nổi tiếng về sự học cũng như cống hiến cho đất nước như: Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thần đồng toán học Vũ Hữu, nữ tiến sỹ đầu tiên và duy nhất thời phong kiến Nguyễn Thị Duệ...
Với tinh thần thẳng thắn, khách quan, khoa học, đồng chí Trần Đức Thắng đề nghị các đồng chí tham dự Hội nghị tập trung phân tích, đánh giá, thảo luận để làm rõ những nội dung, những việc đã làm được, chưa làm được; phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay, mô hình đổi mới sáng tạo. Đặc biệt cần đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, qua đó phát huy tốt những ưu điểm, kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, bất cập, khó khăn. Đồng thời, phát hiện những vấn đề mới, thực tiễn đặt ra đề xuất với Đảng, nhà nước, các bộ, ngành Trung ương chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay để triển khai thực hiện tốt hơn nữa việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tiếp theo.
Báo cáo tổng kết do đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương trình bày cho biết, thực hiện Nghị quyết số 29 - NQ/TW, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 53-CTr/TU, đồng thời có 6 văn bản chỉ đạo. HĐND tỉnh ban hành 16 Nghị quyết về cơ chế, chính sách và gắn với giám sát chuyên đề, giám sát thường xuyên. Căn cứ chỉ đạo của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành 40 quyết định, kế hoạch thực hiện nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.
Công tác xây dựng Đảng trong trường học được quan tâm chỉ đạo, chú trọng lãnh đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác phát triển đảng và bồi dưỡng đảng viên đến đối tượng là giáo viên, sinh viên và học sinh THPT. Đội ngũ đảng viên trong các nhà trường ngày càng phát triển và tăng về chất lượng.
Giai đoạn 2013-2023, ngân sách chi cho giáo dục luôn đạt 42% chi thường xuyên toàn tỉnh, chiếm 26% tổng chi ngân sách của tỉnh.
Công tác giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên được quan tâm, chú trọng, triển khai với nhiều hình thức, hoạt động phong phú. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông; Mô hình phòng học thông minh được triển khai thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong phương pháp, hình thức dạy học.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 12/12 huyện, thị xã, thành phố; 235/235 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ở các độ tuổi đều vượt so với các mục tiêu đề ra. Tỷ lệ huy động số trẻ trong độ tuổi đi học tiểu học đạt 100%; tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 98,61%. Hàng năm có khoảng 1.200 học sinh khuyết tật được học hoà nhập (đạt tỷ lệ 82,5%). Tiếp tục duy trì và thực hiện tốt công tác giáo dục bơi cho học sinh, toàn tỉnh hiện có 125 bể bơi, đạt tỷ lệ 49,1% số trường có bể bơi.
Giáo dục trung học đã quan tâm giáo dục toàn diện, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, hình thành và phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu, chủ động vận dụng kiến thức vào giải quyết tình huống thực tiễn, tỉ lệ thanh thiếu niên từ 15-18 tuổi tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 99%. Giai đoạn 2020 - 2022, thứ hạng điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT có chuyển biến tích cực, Hải Dương trong tốp 15 tỉnh có kết quả tốt nhất. Công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia được duy trì và phát triển, giữ vững vị trí tốp 10 các tỉnh, thành phố về thành tích thi học sinh giỏi quốc gia.
Từ năm 2013-2023, đã có tổng số 815 học sinh đạt giải quốc gia, trong đó có 28 giải Nhất, 200 giải Nhì, 277 giải Ba và 310 giải Khuyến khích; có 5 học sinh đạt giải thi Olympic quốc tế và Khu vực, trong đó có 01 Huy chương Vàng, 01 Huy chương Bạc quốc tế; 2 Huy chương Bạc và 01 Huy chương Đồng khu vực. Hải Dương có 43 dự án tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, đạt 3 Giải Nhất, 6 giải Nhì, 7 giải Ba và 9 giải Tư.
Công tác giáo dục quốc phòng, an ninh được chú trọng. Từ năm 2013 đến nay, đã tổ chức giáo dục quốc phòng an ninh cho hơn 18.000 lượt học sinh, sinh viên các trường, trong đó 70% đạt khá giỏi, đảm bảo an toàn tuyệt đối...
Tỉnh chú trọng thực hiện đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan. Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập luôn được các cấp uỷ, chính quyền quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh có 11.070 tổ chức Hội khuyến học với 718.455 hội viên; tổ chức Hội đã phủ khắp 100% các xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố, các cơ quan, đơn vị, trường học. Toàn tỉnh có 449.357 gia đình được công nhận “Gia đình học tập”; 7.674 dòng họ được biểu dương “Dòng họ học tập”; 1.383 cộng đồng được công nhận “Cộng đồng học tập”; 1.094 đơn vị được công nhận là “Đơn vị học tập”; có 235 Trung tâm học tập cộng đồng. Hàng năm, tỉnh tổ chức phát động “Tuần lễ học tập suốt đời”, khuyến khích xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”. Hội Khuyến học các cấp, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đã cấp học bổng, tặng quà và khen thưởng cho hàng nghìn học sinh…
Thực hiện đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng, UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở GDĐT Hải Dương, đảm bảo sự liên thông, tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lí nhà nước về giáo dục và đào tạo. 100% đơn vị trường học đã hoàn thành xây dựng đề án vị trí việc làm. Thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, tạo sự đoàn kết, nhất trí, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quản lý, dạy học.