Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - Bài 2: Nhận diện âm mưu, thủ đoạn

12:54 22/11/2024
Thời gian qua, công tác phòng, chống các luận điệu xuyên tạc, núp bóng văn học, nghệ thuật để truyền bá cái xấu, cái ác, cái phản giá trị, phản nhân văn được thực hiện đồng bộ, kiên trì, lâu dài bằng nhiều giải pháp với sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Đặc biệt, trách nhiệm của văn nghệ sĩ Thủ đô trong xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật ngày càng được nâng cao.

Nhiều khó khăn, thách thức

Sau 16 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, lĩnh vực văn học, nghệ thuật đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng trưởng thành lớn mạnh; các loại hình nghệ thuật phong phú, đa dạng với chất lượng ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ của công chúng.

Những sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật đã góp phần bồi đắp tư tưởng, tình cảm, đạo đức, nhân cách, lối sống tốt đẹp cho con người, tạo nền tảng tinh thần, động lực và sức mạnh nội sinh, góp phần vào quá trình phát triển bền vững đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, văn học, nghệ thuật cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động trong chiến lược “diễn biến hòa bình”.

 

Hoạt động văn hóa trên không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Theo NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học, nghệ thuật Hà Nội: “Chúng xác định đây là một trong những mục đích quan trọng nhằm làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng. Các đối tượng này không những lợi dụng ưu thế, sức mạnh của loại hình văn hóa có tính chất đặc thù để từ đó làm lệch lạc nhận thức của người dân về vai trò của Đảng, Nhà nước, chế độ và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Mục tiêu, ý đồ và tham vọng của các đối tượng chống phá tuy không thay đổi nhưng biện pháp và cách thức tổ chức thực hiện ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Một số âm mưu, thủ đoạn và chiêu bài, cách thức mà thế lực thù địch thường lợi dụng, núp bóng dưới những tác phẩm văn học, nghệ thuật để đả kích, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ nổi lên thời gian qua là việc phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Theo các chuyên gia, để thực hiện mục tiêu này, các thế lực không ngừng tuyên truyền, dụ dỗ một số văn nghệ sĩ thiếu bản lĩnh chính trị, tư tưởng dao động, vốn sống và kinh nghiệm viết chưa nhiều, viết lên những tác phẩm kém chất lượng với cái nhìn phiến diện, hoài nghi về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân đã lựa chọn. Không chỉ bị kích động, xúi giục từ các thế lực thù địch mà trong quá trình sáng tạo, một số nghệ sĩ biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Cụ thể từ những vấn đề nhỏ, liên quan đến cá nhân, các tác giả đẩy câu chuyện, sự việc đi xa hơn thành vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do khiến cộng đồng trong nước và nước ngoài hiểu sai về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với văn nghệ sĩ cũng như sự phát triển lành mạnh của nền văn học, nghệ thuật nước nhà.

"Những thành tựu văn học, nghệ thuật mà chúng ta đã đạt được trong những năm qua chưa thật tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Chất lượng chưa hài hòa với số lượng; chưa có nhiều tác phẩm tạo được sự thu hút, sự quan tâm rộng lớn của công chúng và có sức lan toả làm rung động lòng người. Còn ít những tác phẩm đỉnh cao, những văn nghệ sĩ lớn.

Đứng trước những thời cơ và thách thức, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển mạnh mẽ hơn nữa nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi"; xây dựng con người Việt Nam mới, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững đất nước. - Trích bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam ngày 25/7/2023."

Từ chỗ bất đồng quan điểm, tiếp nhận dễ dãi các trào lưu, khuynh hướng văn nghệ tiêu cực, thậm chí suy đồi, một số cây bút tiến hành thử nghiệm, đổi mới cách viết và phong cách sáng tác bằng cách đi ngược lại tôn chỉ, mục đích, chức năng cao quý của nghệ thuật và sứ mệnh, thiên chức của nhà văn.

“Họ hướng ngòi bút vào việc xét lại lịch sử, giải thiêng và tầm thường hóa hình tượng các nhân vật lịch sử, các vị anh hùng dân tộc. Hiện tượng giễu nhại lịch sử, đưa thêm những tình tiết, câu chuyện, sự kiện mang tính hư cấu, tách biệt với bối cảnh thời đại, xoáy sâu vào góc khuất trong chuyện tình cảm, đời tư của một số nhân vật lịch sử, vô tình đã làm tầm thường hóa những nhân vật đã được các thế hệ người dân Việt Nam tôn kính, ngưỡng mộ, tự hào” - NSND Trần Quốc Chiêm cho hay

Trách nhiệm của văn nghệ sĩ Thủ đô

Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện để văn nghệ sĩ sáng tác được nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng. Nhờ đó, gần 40 năm đổi mới đã có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật phản ánh được những thành quả lớn lao của sự nghiệp đổi mới cùng những băn khoăn, trăn trở, lo âu trước các vấn đề mới của thời cuộc.

Đơn cử, trong đại dịch Covid-19, văn học nghệ thuật đã thể hiện vai trò của mình qua những bài hát, vũ điệu, tranh cổ động, phim ảnh... có tác dụng cổ vũ lớn lao, giúp Nhân dân cả nước lạc quan, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của công cuộc phòng, chống dịch bệnh, khơi dậy tinh thần xả thân vì cộng đồng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cơn hoạn nạn.

Thời gian qua, TP Hà Nội đã rất quan tâm, tạo điều kiện trong hoạt động của văn học, nghệ thuật Thủ đô. Các cơ quan chức năng của TP tổ chức nhiều hoạt động cho văn nghệ sĩ trên địa bàn có nhiều "sân chơi", diễn đàn để bồi đắp tinh thần cách mạng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và sáng tác, quảng bá các tác phẩm có giá trị.

Tiêu biểu như tổ chức Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô; phát động cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; phát động Giải báo chí về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị TP Hà Nội, hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng); triển khai cuộc thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hàng năm... Qua đó, đã kịp thời động viên, khích lệ các văn nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm có chất lượng, hiệu quả tuyên truyền cao.

NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội chia sẻ, từ những năm đầu thành lập đến nay, Nhà hát Kịch Hà Nội luôn ý thức tìm kiếm những kịch bản viết về Hà Nội. Những vở diễn chính kịch của Nhà hát có rất nhiều vở được lấy cảm hứng và đề tài về mọi mặt của Hà Nội. Mỗi tác phẩm chứa đựng hơi thở của Thủ đô Hà Nội, tái hiện chân thực những năm tháng hào hùng đấu tranh giải phóng dân tộc của Thủ đô Hà Nội, những vị anh hùng lịch sử có công với đất nước, thể hiện sự bất khuất, kiên cường và đầy chất thơ của người Hà Nội như vở diễn “Những người con Hà Nội”, “Tình sử ngàn năm”, “Hà thành chính khí”…

Còn theo NSƯT Trần Thanh Hiền - Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, nhiều năm qua, Nhà hát múa rối Thăng Long đã gạn đục khơi trong, tìm nhiều giải pháp để đưa sản phẩm nghệ thuật tới công chúng, giới thiệu các giá trị của nghệ thuật múa rối truyền thống Việt Nam tới khán giả trong nước và quốc tế, tạo nên thương hiệu “Nhà hát sáng đèn 365 ngày trong năm", giữ kỷ lục châu Á. Bên cạnh đó, nhà hát còn lưu diễn thành công trên 40 quốc gia, quảng bá các giá trị đặc sắc của văn hóa, đất nước, con người Việt Nam, tạo dấu ấn đặc biệt trong lòng khán giả thế giới.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, công tác văn học, nghệ thuật trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Đó là có rất ít tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, chưa có nhiều tác phẩm phản ánh tạo sức lan tỏa và cổ vũ lớn lao các điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất. Trên mặt trận tư tưởng còn thiếu vắng các tác phẩm văn học nghệ thuật đấu tranh trực diện với những quan điểm sai trái, thù địch...

(Còn nữa)

Theo Kinhtedothi

Tag:

File đính kèm