Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thông tin tình hình kinh tế - xã hội cho cán bộ được quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2025 - 2030 (Ảnh: Phước Lộc)
Mỗi quốc gia sẽ lựa chọn mô hình phát triển kinh tế theo những cách khác nhau, tùy vào nguồn gốc lịch sử và điều kiện cụ thể. Tuy nhiên, từ những lý thuyết kinh tế và các dữ liệu dẫn chứng từ các nước trên thế giới, có thể khẳng định lập luận trên là hoàn toàn sai trái và thiếu căn cứ khoa học.
Thứ nhất, nguồn gốc KTTT cho thấy nhận định đồng nhất về KTTT và chủ nghĩa tư bản là không đúng
Trong nền KTTT, các cá nhân và doanh nghiệp thực hiện các hoạt động mua bán và trao đổi hàng hóa dựa trên lợi ích (lợi nhuận) của bản thân. KTTT là một thành tựu chung của nhân loại, đó không phải là một sản phẩm riêng biệt chỉ có tư bản chủ nghĩa mới áp dụng. Điều này được chứng minh bằng sự xuất hiện của nhiều hình thái KTTT ở nhiều phương thức sản xuất khác nhau. Đặc điểm phân biệt giữa các hình thái này dựa trên sự can thiệp của Nhà nước đối với thị trường ở mức độ và cách thức khác nhau. Đơn cử như thể chế KTTT xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, ở Đức với KTTT xã hội, các nước tư bản Bắc Âu phát triển theo thể chế KTTT nhà nước phúc lợi, hay như ở Hàn Quốc là thể chế kinh tế hỗn hợp... Như vậy, có thể nhận thấy, tùy vào điều kiện và thể chế mà mỗi quốc gia có thể lựa chọn mô hình kinh tế khác nhau, không nhất định KTTT chỉ có ở chủ nghĩa tư bản và ngược lại.
Thứ hai, bản chất KTTT tự do ở các nước tư bản vẫn tiềm ẩn những khuyết tật, hạn chế
Trong nội tại KTTT tự do, các nhà kinh tế học tư bản đã nhận thấy những khuyết tật của nó, hay theo định nghĩa khác chính là “thất bại thị trường” luôn tồn tại. Các thất bại thị trường bao gồm: độc quyền, ngoại tác tiêu cực, hàng hóa công và thông tin bất cân xứng.
(1) Độc quyền và hệ quả phân hóa giàu nghèo trầm trọng. Ở Mỹ, trong quá trình hình thành quốc gia vào đầu thế kỷ 20, nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân độc quyền đã xuất hiện và chi phối nền kinh tế, có thể kể đến như: Công ty Thép của Andrew Carnegie (nay là US Steel), Công ty Standard Oil của John D.Rockefeller và Công ty Thuốc lá Hoa Kỳ. Gần đây nhất là việc 4 ông lớn trong ngành công nghệ của Mỹ bao gồm: Apple, Facebook, Google và Amazon đã phải điều trần trước Quốc hội về những cáo buộc liên quan đến hành vi độc quyền.
Trong quyển sách nổi tiếng xuất bản năm 2013 mang tên “Tư bản thế kỷ 21” của kinh tế gia Thomas Piketty đã có một kết luận quan trọng rằng: Mỹ được xem là nước bình đẳng nhất và tài năng, thì ngày nay là nước bất bình đẳng nhất (1% người Mỹ ôm hết 20% toàn bộ thu nhập hàng năm, 10% tiếp theo nhận 50%, còn 90% người lao động Mỹ còn lại chia nhau chỉ vỏn vẹn 50% tổng thu nhập của nước mình). Công trình nghiên cứu đầy thuyết phục của Piketty đã cho thấy rằng, nếu các quốc gia tiếp tục phát triển theo KTTT tự do thì sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập sẽ ngày càng trở nên trầm trọng.
(2) Ngoại tác tiêu cực, hệ quả về môi trường và biến đổi khí hậu: Sự phát triển công nghiệp hóa là cần thiết trong quá trình xây dựng đất nước, tuy nhiên, việc chú trọng phát triển thiếu cân đối đã gây ra những hệ quả tiêu cực đến môi trường và ảnh hưởng đến chất lượng sống của toàn xã hội. Đến thế kỷ 20, lượng khí thải toàn cầu vẫn do Châu Âu và Hoa Kỳ thống trị.
Năm 1900, hơn 90% lượng khí thải được tạo ra ở Châu Âu hoặc Mỹ; thậm chí đến năm 1950, chúng đã chiếm tới hơn 85% lượng khí thải mỗi năm. Ngày nay, những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu đã xảy ra trên khắp thế giới, làm thiệt hại không những về kinh tế mà còn ảnh hưởng sự sống của loài người. Nếu tiếp tục để KTTT phát triển tự do mà không có sự can thiệp, điều tiết từ Nhà nước thì hiểm họa về sự diệt vong là không thể tránh khỏi.
(3) Hàng hóa công và sự ích kỷ của thị trường tự do. Trong KTTT tự do, mỗi cá nhân và doanh nghiệp chỉ hành động theo lợi ích cá nhân. Vì vậy, đối với các lĩnh vực không mang lại lợi nhuận sẽ không được đầu tư phát triển. Hay nói cách khác, những lĩnh vực mang lại lợi ích chung cho toàn xã hội sẽ không có khu vực tư nhân kinh doanh. Một trong những ví dụ điển hình nhất cho lập luận này chính là cuộc khủng hoảng dịch vụ y tế công cộng trong thời kỳ xảy ra dịch bệnh Covid-19 tại Mỹ.
Sau hàng thập kỷ phát triển dịch vụ y tế như một lĩnh vực kinh doanh siêu “lợi nhuận”, hệ thống y tế của nước Mỹ đa số thuộc quyền sở hữu của các tập đoàn tư nhân. Vì vậy, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hệ thống này không chấp nhận thua lỗ để cứu sống người bệnh - đặc biệt là đối với tầng lớp nghèo khổ, vô gia cư. Điều này lý giải một phần lý do tại sao cường quốc số 1 thế giới là quốc gia có số lượng người chết nhiều nhất vì dịch Covid-19, với hơn 900.000 người thiệt mạng.
Như vậy, bằng chính những dữ liệu thực tế và công trình nghiên cứu của các kinh tế gia tư bản đã cho thấy, sự mâu thuẫn giữa thực tại và lập luận sai trái của các thế lực thù địch về sự hoàn hảo của KTTT theo kiểu tự do.
Thứ ba, quan điểm KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam
Để làm rõ hơn về khái niệm KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong KTTT ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”. Điều đó có nghĩa là: không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Về xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam đã khắc phục được khuyết tật mà KTTT tự do không thể hóa giải. Đối với tình trạng độc quyền, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn có dấu hiệu thao túng, chi phối thị trường đã được điều tra và xử lý triệt để theo đúng quy định pháp luật. Có thể kể đến các vụ án lớn như: Tập đoàn FLC, Công ty Tân Hiệp Phát, Công ty Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát...
Đối với vấn đề ngoại tác tiêu cực, mặc dù là quốc gia đang trong quá trình phát triển nhưng Việt Nam đã có những cam kết “vượt trội” so với các nước đã phát triển trên thế giới. Tại Hội nghị lần thứ 28 của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 28), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết với cộng đồng thế giới, Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Sự cam kết đó thể hiện mục tiêu của nền KTTT ở nước ta không phải đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu, mà thay vào đó là bảo vệ môi trường sống cho con người, không chỉ ở Việt Nam mà toàn thế giới.
Đối với vấn đề hàng hóa công, cụ thể là dịch vụ y tế công cộng. Việt Nam được quốc tế đánh giá là quốc gia ứng phó có hiệu quả với đại dịch Covid-19 với một nguồn lực vô cùng hạn chế. Điều này có được là nhờ vào mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với chăm lo sức khỏe Nhân dân, niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ trong thời kỳ chống dịch.
Nông dân huyện Lấp Vò chuẩn bị mùa vụ mới (Ảnh: Đăng Khoa)
Bên cạnh đó, đối với các việc tự nguyện tham gia các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã về đích sớm nhất 5 trong tổng số 8 mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs), chúng ta đã xây dựng được Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp điều kiện và ưu tiên phát triển của đất nước. Việt Nam đang trở thành hình mẫu trong việc tiên phong cam kết và thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên Hợp Quốc, được quốc tế đánh giá cao.
Bằng những lý thuyết và dữ liệu minh chứng từ các nước tư bản, thông qua việc so sánh đối chiếu với những thành tựu của Việt Nam, có thể nhận định rằng, thể chế KTTT theo kiểu tự do tại các nước tư bản vẫn còn nhiều khuyết tật không thể hóa giải. Để có một nền kinh tế phát triển ở mức cao nhưng vẫn đảm bảo các chỉ tiêu về chất lượng sống của Nhân dân, cần thiết phải có sự định hướng và điều chỉnh của Nhà nước. Những thành tựu của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực đã chứng minh rằng, KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa là đường lối đúng đắn của Đảng. Các quan điểm, lập luận xuyên tạc về tính xã hội chủ nghĩa trong nền KTTT là vô căn cứ và thiếu tính khoa học, không dựa trên những dữ liệu khách quan từ thực tiễn.
Trọng Nghĩa
Theo ĐTO