Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Trưng cầu ý dân và những vấn đề đặt ra - BÀI 1

19:56 25/11/2024
Luật Trưng cầu ý dân được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25-11-2015 tại Kỳ họp thứ 10 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 nhưng đến nay chưa tổ chức trưng cầu ý dân, điều này đã gây ra nhiều luồng dư luận khác nhau, cả tích cực, tiêu cực.

Cổng Thông tin điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu loạt bài (3 bài) của tác giả Thúy Hạnh bàn về “Trưng cầu ý dân và những vấn đề đặt ra” đăng tải trên Tạp chí Xây dựng Đảng. Loạt bài góp phần làm rõ căn nguyên tại sao nước ta chưa tổ chức trưng cầu ý dân, qua đó nâng cao nhận thức về tư tưởng và hành động, giúp cử tri yên tâm, nâng cao bản lĩnh chính trị, tin vào sự lãnh đạo của Đảng và pháp luật Nhà nước XHCN Việt Nam.

 

Kỳ họp thứ tám, Quốc hội Khóa XV quyết định nhiều vấn đề quan trọng.

BÀI 1: TRƯNG CẦU Ý DÂN, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRỰC TIẾP

Bất cứ một quốc gia, một nhà nước nào, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, của xã hội một cách dân chủ, công khai và minh bạch luôn là một mục tiêu lớn, xuyên suốt, nhằm làm động lực cho phát triển con người, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…. Đây là vấn đề có xu thế toàn cầu, được nhiều quốc gia quan tâm. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế và quỹ đạo ấy, trong đó việc xây dựng và cho ra đời Luật Trưng cầu ý dân là một tiến bộ trong tiến trình thực hiện mục tiêu nhân dân làm chủ.

Những vấn đề cơ bản về trưng cầu ý dân

Trong thế giới đương đại, nhất là từ đầu thế kỷ 21 đến nay, việc trưng cầu ý dân được nhiều quốc gia thực hiện nhằm các mục đích khác nhau.

Từ năm 2016 đến nay, thế giới đã ghi nhận hàng loạt các cuộc trưng cầu ý dân ở nhiều quốc gia, điển hình nhất là việc cử tri Vương quốc Anh đồng ý rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) hồi tháng 6-2016; cuộc trưng cầu ý dân về thỏa thuận hòa bình lịch sử vừa được ký kết giữa chính phủ và lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) hồi tháng 10-2016; cuộc trưng cầu ý dân tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 4-2017 hay như các cuộc trưng cầu ý dân diễn ra tại Niu Di-lân, Pháp, Hà Lan, I-ta-li-a… Những cuộc trưng cầu ý dân này đã thúc đẩy làn sóng quan tâm đến nền dân chủ trực tiếp ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vậy nên hiểu về trưng cầu ý dân là như thế nào?

Trong các xã hội dân chủ hiện đại, trưng cầu ý dân là một chế định hiến pháp tồn tại trong nhiều hệ thống chính trị khác nhau ở các châu lục. Cho đến nay, theo thống kê đã có 101 nước trên tổng số 190 nước có quy định về trưng cầu ý dân.

Theo cuốn Đại từ điển Tiếng việt do Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hồ Chí Minh tái bản lần thứ 13 thì “Trưng cầu được hiểu là đưa ra hỏi ý kiến của số đông một cách có tổ chức để thêm căn cứ khi đưa ra quyết định vấn đề gì”. Trưng cầu ý dân là hỏi ý kiến nhân dân bằng cách tổ chức bỏ phiếu để nhân dân trực tiếp quyết định.

Theo Từ điển Tiếng Việt thì Trưng cầu ý dân là cuộc hỏi ý kiến của toàn thể dân chúng về một vấn đề chính trị hay pháp luật bằng cách tổ chức bỏ thăm.

Tiếng Anh, trưng cầu ý dân được viết là “referendum” (số nhiều referendums hoặc referenda). Còn có thuật ngữ khác là “plebiscite” – có nghĩa là cuộc bỏ phiếu toàn dân và thuật ngữ này vẫn được một số quốc gia trên thế giới sử dụng để thay thế cho “referendum”. Tuy nhiên, dù sử dụng thuật ngữ nào tùy thuộc vào bối cảnh của từng quốc gia, nhưng bản chất trưng cầu ý dân chính là một trong những hình thức của dân chủ trực tiếp.

Về cơ bản, trưng cầu ý dân được hiểu là thủ tục cho phép cử tri bỏ phiếu trực tiếp đối với các vấn đề chính trị, hiến pháp hay pháp lý cụ thể và kết quả trưng cầu ý dân có thể ràng buộc về mặt pháp lý, hoặc được sử dụng cho mục đích lấy ý kiến tham vấn. Trưng cầu ý dân diễn ra khi một cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị bỏ phiếu về một vấn đề nào đó, có thể là việc thông qua hiến pháp mới; sửa đổi, bổ sung hiến pháp; thông qua một đạo luật; hoặc đơn giản là một chính sách cụ thể của nhà nước liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia, quyền con người…

Về hình thức, trưng cầu ý dân có hai loại là trưng cầu ý dân bắt buộc và trưng cầu ý dân không bắt buộc. Trong đó, trưng cầu ý dân bắt buộc là cuộc bỏ phiếu của cử tri mà pháp luật quốc gia sở tại quy định bắt buộc phải tổ chức (như trưng cầu ý dân để thông qua cải cách hiến pháp; phê chuẩn các điều ước quốc tế…).

Trưng cầu ý dân không bắt buộc là cuộc bỏ phiếu của cử tri không bắt buộc phải tổ chức theo quy định của pháp luật mà được thực hiện khi có đề nghị của một số chủ thể nhất định. Chủ thể đề xuất tổ chức trưng cầu ý dân có thể là các cơ quan nhà nước hoặc cử tri.

Từ khái niệm trưng cầu ý dân lại xuất hiện “trưng cầu ý dân tại địa phương”. Đó là một loại hình trưng cầu ý dân trong phạm vi một địa phương nhất định. Trong đó, người dân trực tiếp bỏ phiếu đồng ý hoặc không đồng ý về các vấn đề quan trọng tại địa phương được đưa ra trưng cầu.

Ngoài ra, thuật ngữ “trưng cầu ý dân” rất gần nghĩa với một số thuật ngữ khác như “phúc quyết” hoặc “lấy ý kiến nhân dân”. Giữa các thuật ngữ này, có thể so sánh, phân biệt như sau:

- Trưng cầu ý dân và phúc quyết

Về mặt ngôn ngữ, phúc quyết được hiểu là việc đưa ra một vấn đề đã được quyết định ra để biểu quyết. Những vấn đề đưa ra phúc quyết phải là những vấn đề đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua.

Trong khi đó, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân có thể là những vấn đề đã được cơ quan nhà nước thông qua hoặc cũng có thể chưa được thông qua. Trong lịch sử lập pháp của Việt Nam, thuật ngữ phúc quyết đã xuất hiện trong Hiến pháp năm 1946 và trong một số văn bản về tổ chức chính quyền địa phương vào cùng thời điểm đó (ví dụ như Sắc lệnh số 63-SL ngày 22-11-1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa).

- Trưng cầu ý dân và lấy ý kiến nhân dân

Lấy ý kiến nhân dân là việc nhà nước tổ chức để nhân dân đóng góp, tham gia ý kiến của mình về một vấn đề cụ thể đưa ra lấy ý kiến. Như vậy, xét về khía cạnh chung, nội hàm của trưng cầu ý dân hẹp hơn so với nội hàm của lấy ý kiến nhân dân. Điểm khác biệt cơ bản giữa lấy ý kiến nhân dân với trưng cầu ý dân là ở chỗ: Thông qua trưng cầu ý dân người dân trực tiếp quyết định đồng ý hay không đồng ý (bằng cách bỏ phiếu) đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu; còn thông qua ý kiến nhân dân, người dân chỉ đưa ra ý kiến (bằng văn bản hoặc góp ý trực tiếp) để cơ quan nhà nước tham khảo.

Nhìn chung, vị trí và vai trò của trưng cầu ý dân trong đời sống chính trị của mỗi quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, như: Các điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trình độ dân trí, trình độ chính trị, trình độ pháp lý, thói quen thực hiện dân chủ của người dân trong từng nước, phụ thuộc vào sự tác động của các quốc gia khác trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, khi dân chủ càng phát triển thì càng tạo điều kiện mở rộng và phát huy vai trò của trưng cầu ý dân và ngược lại.

Đặc điểm của trưng cầu ý dân

Trưng cầu ý dân với tư cách là một trong các cơ chế dân chủ trực tiếp cung cấp cho cử tri các cơ hội tham gia vào các hoạt động của nhà nước. Với tư cách là một hình thức của dân chủ trực tiếp, hoạt động trưng cầu ý dân có các đặc trưng cụ thể như sau:

Trưng cầu ý dân có thể được quy định trong một bản hiến pháp thành văn, trong một đạo luật chung hay trong một văn bản luật quy định việc trưng cầu ý dân chỉ phục vụ cho việc bỏ phiếu lấy ý kiến về một vấn đề cụ thể nào đó. Những lợi thế của việc quy định trưng cầu dân ý trong hiến pháp hay các văn bản pháp luật như nêu trên là bảo đảm tính minh bạch và có giá trị pháp lý ràng buộc, góp phần vào tính chính đáng của các cuộc trưng cầu ý dân.

Ở châu Âu, đa số các quốc gia quy định việc tổ chức trưng cầu ý dân cấp quốc gia trong hiến pháp (như Ác-mê-ni-a, Ai-len, Lát-vi-a, Thụy Sỹ, v.v..). Tuy nhiên, quy định trong một số hiến pháp về trưng cầu ý dân chỉ đưa ra nguyên tắc chung và phải được cụ thể hóa trong luật để có thể thực hiện trong thực tiễn.

Trưng cầu ý dân có thể do các cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp hoặc người dân đề xướng. Ở một số quốc gia, thủ tục đề xướng được quy định trong hiến pháp, nhưng ở một số quốc gia khác, việc đề xướng trưng cầu ý dân được quy định trong một đạo luật hoặc văn bản điều hành của cơ quan hành pháp.

Kết quả của một cuộc trưng cầu ý dân do các nhà chức trách khởi xướng có thể mang tính tham vấn (không bắt buộc) hoặc có giá trị pháp lý ràng buộc (bắt buộc). Cuộc trưng cầu ý dân về Hiệp ước Hiến pháp EU tại Pháp và Hà Lan năm 2005 đã chứng minh kết quả của trưng cầu ý dân có thể mang tính tham vấn. Tuy nhiên, một chính phủ dân chủ khó có thể bỏ qua kết quả của một cuộc trưng cầu ý dân cho dù nó chỉ mang tính chất tham vấn đi chăng nữa. Bởi kết quả của trưng cầu ý dân sẽ phản ánh nguyện vọng, tâm lý của toàn xã hội về một vấn đề cụ thể nào đó, giúp các cơ quan có thẩm quyền định hướng các chính sách và quyết sách một cách phù hợp.

Tại Việt Nam, Luật Trưng cầu ý dân được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25-11-2015 tại Kỳ họp thứ 10 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2016. Luật Trưng cầu ý dân gồm 8 chương, 52 điều, quy định về việc trưng cầu ý dân; nguyên tắc trưng cầu ý dân; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong trưng cầu ý dân; trình tự, thủ tục quyết định việc trưng cầu ý dân và tổ chức trưng cầu ý dân; kết quả và hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân.

Theo ông Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, Luật Trưng cầu ý dân đã kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia vào công việc của Nhà nước, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

(Còn nữa)

---------------------------

Tài liệu tham khảo:

- Các hình thức dân chủ trực tiếp ở một số nước trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam của TS. Hoàng Thị Thu Thủy - Tạp chí Lập Pháp (tháng 9-2020)

 

Thúy Hạnh

Theo XDĐ

Tag:

File đính kèm