Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết bản Di chúc từ ngày 15/5/1965, nhân dịp Bác 75 tuổi, đến ngày 10/5/1969, sau nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, bản Di chúc được hoàn thành. Bản Di chúc có nhiều nội dung. Sau phần mở đầu là các nội dung quan trọng: “Trước hết nói về Đảng”, tiếp là “đoàn viên và thanh niên”, “nhân dân lao động”, “về phong trào cộng sản thế giới” và sau cùng là về việc riêng.
Trong phần “Trước hết nói về Đảng”, Người viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”. Người tâm huyết căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Vì vậy, xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là nền tảng cho mọi thành công. Đoàn kết, thống nhất không chỉ là vấn đề sinh tử của từng tổ chức Đảng các cấp mà còn là sinh mệnh của toàn Đảng, là vấn đề sống còn của cách mạng. Như vậy, có thể thấy đoàn kết, thống nhất trong Đảng không chỉ là mối quan tâm lớn hàng đầu mà còn là sự trăn trở của Người nghĩ về mai sau.
Để thực hiện đoàn kết, thống nhất trong Đảng, Hồ Chí Minh yêu cầu phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng, là trách nhiệm của mỗi đảng viên (ĐV). Người căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình”, mọi ý kiến, suy nghĩ của mỗi ĐV đều phải được bày tỏ, lắng nghe; mọi quyết định của tổ chức đều phải được bàn bạc, thảo luận một cách dân chủ. Để đoàn kết, thống nhất trong Đảng đòi hỏi cán bộ (CB), ĐV phải: “Thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra: Giáo dục, thuyết phục; tự phê bình và phê bình “có lý, có tình” là phương pháp xây dựng khối đoàn kết tốt nhất. Làm sao để người tự phê bình có thể hoàn toàn yên tâm và tin tưởng ở tập thể, tổ chức của mình; nơi bản thân có thể bộc bạch từ chính lương tâm và trách nhiệm của mình để tự hoàn thiện mình. Ngược lại, người được phê bình thì nhận thấy ở đồng chí mình những lời góp ý chân tình vì sự tiến bộ của bản thân người đó.
Để có sự đoàn kết thật sự, không chỉ cần thực hiện đúng nguyên tắc sinh hoạt Đảng mà còn cần tình thương yêu, sự đồng cảm và chia sẻ với nhau. Năm 1966, Người bổ sung vào bản thảo Di chúc cụm từ “phải có tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau”. Để có sự đoàn kết, thống nhất thật sự thì bên cạnh tinh thần, lý trí, mỗi CBĐV phải có tình yêu thương đồng chí, có lòng nhân ái, nhân hậu. Trong thực hành công việc không chỉ đặt ra yêu cầu hoàn thành công việc mà còn phải có sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau cùng hoàn thành công việc.
Bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, trước những tác động của kinh tế thị trường, một bộ phận CBĐV, kể cả CB cấp cao có xu hướng chạy theo chủ nghĩa cá nhân; một số tổ chức Đảng có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, chưa tôn trọng và thực hiện chưa đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc tự phê bình và phê bình có nơi trở nên hình thức, lợi dụng để đấu đá, hạ bệ lẫn nhau. Bên cạnh đó, những biểu hiện cơ hội chủ nghĩa, “lợi ích nhóm”, tính cục bộ địa phương có nơi xuất hiện và phá hoại sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Có nơi, chính người đứng đầu chịu trách nhiệm trước cấp ủy Đảng cấp trên và cấp mình về sự đoàn kết, thống nhất nội bộ lại chưa thật sự gương mẫu, chưa thấm nhuần ý thức xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong nội bộ. Chính vì vậy, việc lựa chọn người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, có vai trò tiên phong, gương mẫu là rất quan trọng. Người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền phải thật sự công bằng, công tâm trong xử lý công việc, phải thực sự là trung tâm quy tụ, đoàn kết của tổ chức Đảng, tập thể cơ quan, đơn vị.
Trong thời điểm đất nước đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới nhưng cũng đầy những thử thách lớn lao, những thành tựu mà toàn Đảng, toàn dân đã đạt gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước chính là kết quả của sự đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, là minh chứng khẳng định sự trưởng thành và vững mạnh của Đảng. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, bên cạnh những thành tựu đã đạt, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, phức tạp. Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách, bằng nhiều âm mưu thâm độc, xảo quyệt, kích động chia rẽ nội bộ, gây mất đoàn kết trong Đảng. Chính vì vậy, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng từ Trung ương đến cơ sở là điều tất yếu và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Thấm nhuần những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, 55 năm kể từ ngày Người đi xa, Đảng ta càng ý thức sâu sắc ý nghĩa to lớn của việc xây dựng đoàn kết, thống nhất trong Đảng, xem đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ sống còn của Đảng, của dân tộc. Đặc biệt, trong thời kỳ mới càng đòi hỏi Đảng ta phải tăng cường chỉnh đốn Đảng, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình để làm tròn nhiệm vụ lịch sử trước giai cấp và dân tộc. Mỗi CBĐV cần quán triệt nghiên cứu, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng, củng cố sự đoàn kết trong Đảng có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn trong giai đoạn cách mạng hiện nay và mai sau./.
Huyền Linh
Tài liệu tham khảo:
1 - Những lời dạy của Bác Hồ về tự phê bình và phê bình (Hồ Chí Minh, toàn tập, t.4, Nxb CTQG, H, 2002, tr. 165-166 và t.6, tr 209-212).
2 - Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
3 - Các chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
4 - Sổ tay tuyên truyền 40 năm thực hiện Di chúc của Hồ Chủ tịch.
5 - Tài liệu vụ án Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu (05/9/1950).
Nguồn: Báo Long An