Tầm vóc cách mạng của đường lối đổi mới
Năm 1986, cải tổ diễn ra ở Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu. Cũng thời điểm 1986, Việt Nam tiến hành đổi mới với quyết định lịch sử từ Đại hội VI của Đảng. Đón kịp và tận dụng thời cơ, dũng cảm vượt qua thách thức, đó là quyết định đúng đắn, sáng suốt và bản lĩnh của Đảng ta trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp và tình hình trong nước lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế-xã hội.
Cải tổ thất bại do mất phương hướng chính trị và vấp phải những sai lầm về nguyên tắc, quan điểm, đường lối và chính sách, vì thế chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ. Hệ thống XHCN thế giới tan rã. CNXH và phong trào cách mạng lâm vào thoái trào, dù là tạm thời. Trật tự thế giới thay đổi. Lịch sử ở trong một khúc quanh đầy thử thách. Các thế lực thù địch, chống cộng, chống CNXH với những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc tinh vi, thâm độc và áp dụng những thủ đoạn phá hoại trắng trợn đã không ngớt rêu rao về “sự cáo chung của ý thức hệ cộng sản” (Chủ nghĩa Mác-Lênin), về sự “kết thúc CNXH”; rằng, lựa chọn CNXH là một sai lầm, là đi vào ngõ cụt, bế tắc, dẫn đến nghèo khổ, lạc hậu, chỉ có đi theo còn đường và mô hình phương Tây mới đem lại tự do, văn minh, sự giàu có, thịnh vượng và hạnh phúc (!).
Trong những năm đầu đổi mới, các nước phương Tây vẫn tiếp tục bao vây, cấm vận Việt Nam, kích động các phần tử bất mãn, chống đối tấn công vào sự lãnh đạo cầm quyền của Đảng ta. Chúng ra sức cổ xúy cho chủ nghĩa tự do mới, kinh tế thị trường tự do, đa nguyên, đa đảng, coi đó là cần thiết để có dân chủ, tự do. Chúng toan tính rằng, muốn xóa bỏ CNXH và Đảng Cộng sản Việt Nam thì bằng mọi cách phải hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh, reo rắc hoài nghi trong các tầng lớp dân chúng, nhất là đối tượng thanh niên, trí thức, văn nghệ sĩ, làm xói mòn niềm tin ý thức hệ, đi theo lối sống thực dụng, tôn thờ đồng tiền và các lợi ích vật chất, kích động chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Đó là những độc tố có sức phá hủy từ bên trong để chính chúng ta tập nhiễm thì sẽ tự phá hủy cơ đồ sự nghiệp của mình.
Cùng với sớm nhận rõ âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” nguy hại của các thế lực thù địch, phản động để giữ vững thế chủ động trong cuộc chiến không có tiếng súng này, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Lần đầu tiên Đảng đã thẳng thắn nêu ra 27 biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đề ra hàng loạt giải pháp nhằm làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, giữ vững phương hướng chính trị, không phạm sai lầm về quan điểm, đường lối để đưa phong trào cách mạng tiếp tục tiến lên.
|
Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh minh họa / TTXVN |
Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền một cách chính danh, chính đáng và xứng đáng với ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, bằng trí tuệ khoa học được vũ trang bởi lý luận tiên phong của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, bởi kinh nghiệm phong phú tích lũy được trong lịch sử đấu tranh cách mạng, bởi bản lĩnh chính trị được tôi luyện từ thực tiễn và nhất là có sự gắn bó máu thịt với nhân dân, có sức mạnh từ lòng dân. Theo đúng bí quyết của Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn: Được dân tin, dân yêu, dân ủng hộ, dân giúp đỡ và dân bảo vệ thì cách mạng sẽ thành công.
Tiến hành đổi mới, Đảng ta cân nhắc tỉnh táo, sáng suốt khi xác định tiền đề, điều kiện tiên quyết để đổi mới là ổn định chính trị-xã hội. Đó là ổn định tích cực, đem lại lợi ích cho dân, trước hết là lợi ích kinh tế. Dân cảm nhận và dân thụ hưởng trực tiếp lợi ích đó bằng việc làm, thu nhập để nâng cao đời sống, từ đó dân ủng hộ và đồng hành với Đảng, cùng đổi mới. Mất ổn định, xã hội rối loạn, lòng dân không yên thì không một chương trình đổi mới nào có thể thực hiện được.
Từ nhận thức đó, Đảng lựa chọn mắt xích xung yếu là kinh tế, phải tập trung đổi mới kinh tế, phát triển sản xuất, khắc phục lạm phát đang “phi mã” (hơn 770%) để từng bước ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy tăng trưởng. Phải trên cơ sở đổi mới kinh tế có hiệu quả, có thành công bước đầu để dân tin mà đổi mới chính trị, trước hết là hệ thống chính trị một cách thận trọng, có nguyên tắc. Từ thực tiễn đổi mới đã xuất hiện những tín hiệu thành công, sau này Đảng ta nhấn mạnh, đổi mới đồng bộ kinh tế và chính trị.
Hai đột phá lớn của Đảng ta về lý luận và thực tiễn là phát triển kinh tế thị trường và xây dựng nhà nước pháp quyền. Đó là thành tựu chung của nhân loại đạt được trong thời đại tư sản chứ không phải của riêng giai cấp tư sản. Đó là đòi hỏi tất yếu để phát triển, là động lực để giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất. Đó cũng là tác nhân kinh tế và chính trị cần thiết để xây dựng nền dân chủ hiện đại mà CNXH có thể và cần phải áp dụng, nhất là những nước quá độ lên CNXH, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam. Đây là trù tính chính xác của Đảng về nhận thức lý luận và quyết sách chính trị của Đảng ta.
Một trong những thành công nổi bật của đổi mới ở nước ta là giải quyết thành công cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội, dù phải mất một thập kỷ (1986-1996), không để xảy ra khủng hoảng chính trị, khi đi vào đổi mới hệ thống chính trị và chính trị nói chung mà nhiều nước đã vấp phải, kết cục là đổ vỡ thể chế, đảng mất vai trò cầm quyền. Đảng ta đi tiên phong trong đổi mới, tự ý thức được yêu cầu hệ trọng, phải đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng để thúc đẩy đổi mới toàn xã hội.
Đảng ta đã sớm nhận thức và hành động theo yêu cầu đó. Lãnh đạo trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, thực hiện dân chủ hóa xã hội, có nhà nước pháp quyền đặt ra cho Đảng ta yêu cầu phải nhận thức và hành động đúng quy luật, ở đây là các quy luật của kinh tế thị trường, lại duy nhất một đảng cầm quyền nên phải bảo đảm phát huy dân chủ, phải xử lý mọi vấn đề trong lãnh đạo, cầm quyền sao cho hợp hiến, hợp pháp, không vi hiến mà trái lại còn tuân thủ pháp luật, tôn trọng nhà nước và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, chủ trương xây dựng cơ chế bảo hiến, chú trọng kiểm soát quyền lực, không để quyền lực do dân ủy thác bị tha hóa.
Hai lĩnh vực rường cột của phát triển đất nước là kinh tế và chính trị. Đảng ta đã đạt được phát kiến lớn là kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN, khẳng định quyền lực tập trung thống nhất ở nhân dân, không phân chia quyền lực theo “tam quyền phân lập”, thực hiện phân công và phối hợp giữa các thiết chế lập pháp, hành pháp, tư pháp để thực hiện sự ủy quyền của dân và phục vụ quyền và lợi ích của nhân dân.
Cương lĩnh 1991 và cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 của Đảng thực sự là ngọn cờ tập hợp và dẫn dắt dân tộc ta vững bước đi theo con đường đã chọn: Độc lập dân tộc và CNXH, thể hiện sự vững vàng về lập trường, quan điểm, về phương hướng, đường lối chính trị đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta, trung thành một cách sáng tạo với lý tưởng, mục tiêu XHCN của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, đổi mới của Việt Nam thực sự mang tầm vóc của một cuộc cách mạng.
Giá trị bền vững của hệ tư tưởng của Đảng
Kẻ thù của những người cách mạng, của các đảng chân chính cách mạng thường kích động xã hội, thậm chí dùng cả những thủ đoạn mị dân khi cho rằng Chủ nghĩa Mác đã lỗi thời, cách xa thời nay hàng thế kỷ, không còn phù hợp trong xã hội mà dòng chảy thông tin đang cuồn cuộn như bão táp. Chủ nghĩa tư bản hiện đại đã khác xa với những điều phê phán, phủ định của Mác-Ăngghen. Chủ nghĩa Lênin cũng không còn giá trị khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ. Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng từ đó mà hết vai trò vì cũng chỉ là bản sao từ Mác-Lênin.
Đó là những đánh giá võ đoán, chủ quan, những suy diễn hời hợt ẩn giấu những tâm địa đen tối, chỉ cổ vũ cho những kẻ chống đối và lừa bịp được một số người kém hiểu biết. Về thực chất, đó là sự xuyên tạc lịch sử và xúc phạm văn hóa nhân loại, bởi Mác, Ăngghen, Lênin, Hồ Chí Minh là đại biểu cho tinh hoa trí tuệ của thời đại mình, là những lãnh tụ kiệt xuất và danh nhân văn hóa đã khai sáng, khai trí, khai tâm cho loài người tiến bộ, cho các dân tộc đấu tranh để thực hiện những giá trị cao quý, tôn vinh phẩm giá con người, hướng cuộc đời tới chân-thiện-mỹ.
Chủ nghĩa Mác-Lênin với hệ thống các giá trị bền vững mãi mãi còn tỏa sáng, soi đường đi cho nhân loại trong cuộc hành trình từ “vương quốc của tất yếu đến vương quốc của tự do”. Luận điểm của Mác-Ăngghen trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (năm 1848) nói rằng, “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” chính là khẳng định bản chất nhân văn của CNXH và chủ nghĩa cộng sản. Lênin không chỉ đề xướng Chính sách kinh tế mới (NEP), trở thành nhà cách tân vĩ đại đầu tiên của CNXH hiện thực trong lịch sử mà còn đưa ra dự báo đầy tính hiện đại rằng, sớm muộn, trước sau thì tất cả các dân tộc sẽ đi tới CNXH. Bản chất quốc tế của CNXH vẫn bao hàm những đặc điểm lịch sử, văn hóa, những sắc thái riêng của từng dân tộc. Điều đó có nghĩa là, bản chất, mục tiêu của CNXH là một cái chung phổ biến, những con đường và mô hình xây dựng CNXH là phong phú, đa dạng. Đó là văn hóa thống nhất, bao hàm những khác biệt.
Hồ Chí Minh từ thực tiễn Việt Nam gắn liền với thực tiễn thế giới, đã từng xác định, xây dựng CNXH là xây dựng một xã hội văn hóa cao, thấm nhuần quan điểm phát triển, sao cho “đời sống vật chất ngày càng tăng, đời sống tinh thần ngày một tốt, xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ”.
Bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn đó của Chủ nghĩa Mác-Lênin, CNXH khoa học đã từng được đề cập trong di sản tư tưởng của các nhà kinh điển mác xít. Đặc biệt là Hồ Chí Minh, người suốt đời phấn đấu cho Tổ quốc, dân tộc, nhân dân và nhân loại, theo đuổi đến cùng hệ giá trị Độc lập-Tự do-Hạnh phúc.
Đổi mới của Việt Nam với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử không chỉ đem lại lợi ích thiết thân cho mỗi người, mỗi gia đình và cả cộng đồng, mà còn củng cố niềm tin và tự hào của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đổi mới của Việt Nam được dư luận quốc tế và thế giới đánh giá cao. Đó là sự trung thực, xác tín của lịch sử về giá trị, sức sống của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh từ thực tiễn, kinh nghiệm và bài học của Việt Nam trong đổi mới và hội nhập quốc tế.
Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh “Phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”. Đó thực sự là một khái quát lý luận của Đảng, là thông điệp phát triển, là đường lối, chính sách phát triển mà Đảng ta đã truyền tới đông đảo nhân dân ta và bạn bè, đối tác trên thế giới, tràn đầy niềm tin và hy vọng.
(còn nữa)
GS, TS HOÀNG CHÍ BẢO
Nguồn: qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/phong-chong-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/kien-tri-kien-dinh-bao-ve-duong-loi-chinh-tri-cua-dang-cong-san-viet-nam-bai-2-thuc-tien-doi-moi-cua-viet-nam-khang-dinh-gia-tri-suc-song-duong-loi-chinh-tri-cua-dang-771405