Đây là sự chống phá hết sức nguy hiểm, tấn công trực diện vào nền tảng tư tưởng của Đảng nhằm mục đích phủ nhận quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm lu mờ những thành tựu Việt Nam đạt được trong công cuộc đổi mới dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng. Trước thực tiễn đó, đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc là nhiệm vụ mang tính cấp thiết, không chỉ tiếp tục khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới là Di sản vô cùng quý báu đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, mà còn trực tiếp góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Quang cảnh hội thảo khoa học “Nghiên cứu, vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Quân đội nhân dân, nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân từ năm 1986 đến nay - thực trạng và bài học kinh nghiệm” do Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) tổ chức, tháng 4-2024. Ảnh: Duy Hưng
Giá trị không thể phủ nhận
Theo Hồ Chí Minh, đổi mới là bản chất của cách mạng, của phát triển. Trong tác phẩm “Đường Cách mệnh”, Người chỉ rõ: “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”[1]. Nói về công cuộc kiến thiết đất nước sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, Người nhấn mạnh, đó là cuộc chiến đấu chống lại những cái gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Triết lý đổi mới, chân lý đổi mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh là ích nước, lợi dân: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”[2].
Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đổi mới không phải là phủ định sạch trơn, mà là sự kế thừa và phát triển; cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ, cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý, cái gì cũ mà tốt thì phát triển thêm, cái gì mới mà hay thì phải làm. Bên cạnh đó, sức mạnh của đổi mới phải là từ nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn rằng: “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”[3]; phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại theo tinh thần cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, Việt Nam sẵn sàng là bạn của các nước dân chủ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn suy nghĩ, tìm tòi, đổi mới trong công việc, không cứng nhắc, bảo thủ, đóng khung mà rất linh hoạt, mềm dẻo khi xử lý, giải quyết từng vấn đề, sự việc cụ thể. Phong cách làm việc của Người không chấp nhận tư duy lối mòn, kinh nghiệm chủ quan, mà hướng tới sự mới mẻ, hiệu quả để ngày càng đạt kết quả tốt hơn. Theo Hồ Chí Minh, đổi mới phải xuất phát từ nhu cầu khách quan của thực tiễn, phù hợp với điều kiện thực tiễn và giải quyết hiệu quả những đòi hỏi của thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan niệm thực tiễn là xuất phát điểm của tư duy, hành động; là sự kiểm chứng chân lý khoa học. Người căn dặn: “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc đấu tranh, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính”[4]. Chính vì thế mà tìm tòi, sáng tạo cái mới phải luôn gắn với thực tiễn, chú trọng tổng kết thực tiễn, lấy hiệu quả thực tiễn làm thước đo tính đúng đắn của đổi mới.
Thực tiễn cho thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới có giá trị lý luận và thực tiễn rất sâu sắc. Thế nhưng, các thế lực thù địch, đặc biệt là những thành phần “xạo ngôn” đã lập luận theo lối ngụy biện nhằm phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới, hoặc cho rằng đó là “làm mới tư tưởng” để “lòe bịp thiên hạ”. Chúng xuyên tạc rằng tư tưởng Hồ Chí Minh là “di sản nhập ngoại”, “rỗng tuếch” và “cũ rích”, bởi Hồ Chí Minh chỉ nói “vài ba luận điệu cách mạng” của thế kỷ XX thì không thể có tư duy đổi mới...
Các thế lực thù địch đâu hiểu được rằng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng đổi mới là tư tưởng cách mạng, khoa học trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, kết hợp với tinh hoa văn hóa dân tộc, nhân loại, phản ánh và giải quyết những nhu cầu khách quan của thực tiễn đất nước; đạo đức đổi mới là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của dân tộc, Tổ quốc lên trên hết, trước hết, đổi mới vì một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh; phong cách đổi mới là kiên định, sáng tạo, dân chủ, thực tiễn, hiệu quả, nói đi đôi với làm, làm thiết thực, mang lại kết quả thực tế cho nhân dân, cho đất nước. Đó chính là những giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới và là cơ sở nền tảng để Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam. Như vậy, tự giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới đã là lý luận sắc bén, bác bỏ mọi luận điệu bóp méo của các thế lực thù địch.
Soi sáng sự nghiệp cách mạng Việt Nam
Trong cuộc khủng hoảng và đổ vỡ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu cuối thế kỷ XX, trong khi nhiều lãnh tụ cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa bị công kích thì Chủ tịch Hồ Chí Minh lại được loài người tiến bộ trên thế giới tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất. Giữa lúc nhiều nước xã hội chủ nghĩa có trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao hơn Việt Nam tiến hành “Cải tổ” không thành công thì công cuộc đổi mới ở Việt Nam lại đạt được thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Câu hỏi ở đây là: Vì sao có thực tế vĩ đại đó? Câu trả lời là: Đó là bởi tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới đã soi sáng, dẫn đường cho cách mạng Việt Nam. Thực tế đã cho thấy, dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có định hướng và quyết tâm để vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, trở ngại, dũng cảm nhìn vào sự thật để sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm của chính mình, từ đó đề ra đường lối đổi mới kịp thời, đúng đắn, sáng suốt nhất.
Thực tiễn đã minh chứng, tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới có giá trị bền vững, lâu dài và là niềm tin lớn lao đối với sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nói cách khác, trong sự nghiệp đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhận thức đúng đắn, nhất quán, quán triệt, vận dụng sáng tạo và bảo vệ bản chất khoa học, cách mạng, nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới trong lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đây chính là nhân tố quyết định, làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam thời kỳ đổi mới. Trước Đổi mới (năm 1986), Việt Nam vốn là một nước nghèo, lại bị chiến tranh tàn phá rất nặng nề, để lại những hậu quả hết sức to lớn cả về người, về của và môi trường sinh thái. Trên cơ sở vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và tăng trưởng liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt gần 40 năm qua với mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm. Quy mô tổng sản phẩm nội địa (GDP) không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt khoảng 430 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người tăng 58 lần, lên mức khoảng 4.300 USD năm 2023. Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 (khoảng 7.500 USD)[5].
*
* *
Những thành tựu to lớn của đất nước trong gần 40 năm qua là minh chứng cho việc kiên định tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới và con đường đổi mới ở Việt Nam là đúng đắn, là tất yếu khách quan và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. “Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”[6]. Đó cũng chính là minh chứng sinh động và thuyết phục nhất khẳng định giá trị vĩ đại, sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới; đồng thời, tự nó phản bác và đập tan những luận điệu xuyên tạc, bóp méo tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới, đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là linh hồn, ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong suốt hơn nửa thế kỷ qua”[7]; “Thế giới sẽ còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sống mãi”[8]. Hay như học giả Rơnêđibet (Mỹ) đánh giá: “Những ai muốn biết thế nào là con người chân chính, đâu là vẻ đẹp của thế giới, đâu là sự thắng lợi của lý tưởng trên trái đất này, đâu là mùa xuân, thì phải tìm hiểu về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tìm hiểu cuộc sống mẫu mực của người anh hùng này của thời đại chúng ta”[9].
Nguồn: Báo Hànộimới điện tử
Link:https://hanoimoi.vn/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-doi-moi-di-san-ven-nguyen-gia-tri-664447.html
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 2, tr.284.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr.65.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 15, tr.617.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr.273.
[5] Báo Nhân Dân, ngày 1-2-2024.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.33.
[7] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.99.
[8] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thế giới còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr.3.
[9] Chương trình KX.02 “Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đề tài KX.02.09 (1993), Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay (qua sách báo nước ngoài), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I - Viện Thông tin khoa học xã hội thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, tr.102.