Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng

08:56 16/10/2024
(ĐCSVN)- Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ban hành Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng - Người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên (20/10/1914 - 20/10/2024). Cổng thông tin điện tử ĐCSVN trân trọng giới thiệu toàn văn bản Đề cương:



del
Anh hùng Lý Tự Trọng (bên phải là ảnh phục chế).


I. KHÁI QUÁT TIỂU SỬ VÀ QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ LÝ TỰ TRỌNG

Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng (hay còn gọi là Lê Văn Trọng), sinh ngày 20/10/1914 tại Bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom, Vương quốc Thái Lan[1](vùng Đông Bắc nước Xiêm, tỉnh Lạc Hòn - địa giới đầu thế kỷ trước) trong gia đình giàu truyền thống yêu nước. Cha của Lý Tự Trọng là ông Lê Hữu Đạt , quê ở làng Kẻ Vẹt (nay là xã Việt Tiến), huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh[2]; mẹ là bà Nguyễn Thị Sờm quê ở Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Thời kỳ này do phải tránh sự truy lùng gắt gao của bọn thực dân Pháp nên hàng chục nghìn đồng bào yêu nước (phần lớn là miền Trung chủ yếu ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…) từng nổi dậy theo Phan Đình Phùng đánh Pháp rồi theo Phan Bội Châu tham gia Việt Nam Quang phục Hội để mưu việc “phục quốc” buộc phải tìm đường vượt núi cao Trường Sơn và băng qua Sông Mẹ (Mê Kông) vừa để cuốc cày kiếm sống vừa để tổ chức lực lượng trở về đánh Pháp trong sự chia sẻ, đùm bọc của nhân dân nước bạn.

Chừng 4,5 tuổi, Lê Văn Trọng được bố mẹ đưa đến ở trong gia đình ông bà Cựu Tuấn[3], một đồng hương, đồng chí thân tín trong “Quang phục quân” (lực lượng vũ trang của Việt Nam Quang phục Hội) để bố mẹ dành thời gian vừa lo việc cuốc cày làm ra lúa gạo vừa lo việc nước xây dựng các đội nghĩa quân.

Lớn lên trong tinh thần và truyền thống yêu nước của cả hai gia đình và bà con Việt kiều, hơn 6 tuổi Lê Văn Trọng được đến trường do các nhà lãnh đạo Việt Nam Quang phục Hội mở ở Bản Mạy. Tại đây, anh được học lịch sử nước Nam, văn thơ yêu nước của Phan Bội Châu và các nhà yêu nước khác cũng như học tiếng Hán, tiếng Thái…

Năm 1925, Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên thành lập ở Quảng Châu - Trung Quốc. Giữa năm 1925, đồng chí Ngô Chính Quốc - thành viên của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đến Thái Lan gặp cụ Đặng Thúc Hứa để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lý Thụy (tức Nguyễn Ái Quốc) về việc lựa chọn một số con em của các gia đình Việt Kiều yêu nước tại đây đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tập, chuẩn bị xây dựng tổ chức thanh niên cộng sản ở Việt Nam, Lê Hữu Trọng là một trong tám thiếu niên được lựa chọn.

Ngay sau khi đến Quảng Châu cũng như suốt thời gian mấy năm được sự chăm sóc ân cần từ nơi ăn, chốn ở, nhất là trong việc rèn luyện, học tập hàng ngày của đồng chí Vương (tức Lý Thụy - Nguyễn Ái Quốc), cả nhóm thiếu niên đã thể hiện tinh thần cố gắng trong mọi việc học tập, sinh hoạt. Nhóm thiếu niên được đồng chí Vương đưa vào nhóm “Thiếu niên tiền phong Việt Nam”, một hình thức tổ chức thanh thiếu niên cộng sản đầu tiên của cách mạng Việt Nam và trực tiếp giáo dục, rèn luyện. Đồng chí Vương thường trao đổi với các đồng chí trong Tổng bộ về Lê Hữu Trọng, một học viên bé nhất trong nhóm nhưng có tư chất thông minh, rất ham học, rất tích cực rèn luyện và có ý thức tổ chức kỷ luật trong cuộc sống hàng ngày. Đồng chí Vương cùng các đồng chí trong Tổng bộ đã dự kiến kế hoạch chọn một số thiếu niên trong đó có Lê Hữu Trọng đưa sang Liên Xô để đào tạo lâu dài. Để đảm bảo cho việc hoạt động bí mật của nhóm, tất cả các thành viên trong nhóm đều được thay đổi sang họ Lý (cùng họ với Lý Thụy - tức Nguyễn Ái Quốc). Lê Hữu Trọng đổi tên thành Lý Tự Trọng, sau đó được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu vào học trung học tại Quảng Châu. Vốn thông minh hoạt bát, mưu trí, qua một thời gian ngắn, Lý Tự Trọng đã thông thạo tiếng Trung và được cử làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Châu.

Tháng 4/1927, Tưởng Giới Thạch tiến hành phản cách mạng ở Thượng Hải, Trung Quốc và giết hại hàng ngàn đảng viên đảng cộng sản, công nhân cách mạng, đồng thời tuyên bố thành lập “Chính phủ quốc dân” đại diện cho quyền lợi của đại địa chủ, đại tư sản mại bản Trung Quốc. Khi khởi nghĩa Quảng Châu nổ ra, các đồng chí Việt Nam[4] đang học tập tại trụ sở của Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu và Trường Quân sự Hoàng phố trong đó có Lý Tự Trọng tham gia trong các lực lượng cách mạng. Sau khởi nghĩa thất bại, nhóm thanh niên Việt Nam bị bắt giam, một số chiến sĩ, cán bộ của Hội tạm lánh về nước.

Đến giữa năm 1929, tình hình cách mạng có chuyển biến mới. Các tổ chức cộng sản ở Việt Nam lần lượt ra đời. Lý Tự Trọng được cử về nước hoạt động tại Sài Gòn - Chợ Lớn, tham gia tổ chức các cuộc mít tinh tại Sài Gòn, Hội nghị công nhân Đông Dương, đồng thời đảm nhận nhiệm vụ liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ. Lý Tự Trọng được giao nhiệm vụ đặc biệt, vận động tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản. Với bí danh là Nguyễn Huy, Lý Tự Trọng xin làm công nhân hãng than tại Sài Gòn.

Năm 1930, khi Trung ương Đảng về đóng trụ sở tại Sài Gòn, Lý Tự Trọng được làm việc với đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự. Lúc bấy giờ nhiệm vụ của Lý Tự Trọng vừa làm liên lạc giữa cơ sở Đảng trên tàu quốc tế với Xứ ủy Nam kỳ, vừa làm nhiệm vụ liên lạc giữa Xứ ủy Nam kỳ với các cấp bộ đảng ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Trung ương Đảng giao nhiệm vụ cho Lý Tự Trọng nghiên cứu tình hình thanh niên ở Sài Gòn - Chợ Lớn để chuẩn bị cho việc thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản.

Ngày 08/02/1931, nhân dịp kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức buổi tuyên truyền với nội dung kêu gọi liên minh công - nông, yêu cầu tăng lương, giảm giờ làm. Đồng chí Phan Bôi (bí danh là Quảng) lúc này phụ trách tuyên truyền của xứ ủy, được phân công làm trưởng ban tổ chức, Lý Tự Trọng được phân công làm nhiệm vụ bảo vệ. Khi quần chúng xem đá bóng ở sân bóng C.I.A xong, vừa đổ ra đường, đồng chí Phan Bôi đứng lên diễn thuyết, bọn cảnh sát ập đến, tên mật thám Legrand nhảy vào bắt đồng chí Phan Bôi. Không còn cách nào khác để cứu đồng chí mình, Lý Tự Trọng đã rút súng bắn tên mật thám gục xuống. Trước sự kiện chấn động đó, thực dân Pháp đã ra sức truy lùng và bắt sống được anh.

Sau khi bị thực dân Pháp bắt, Lý Tự Trọng bị đưa đi tra tấn và giam giữ lần lượt tại hai nơi là bốt Catinat và Khám lớn Sài Gòn. Dù bị tra tấn vô cùng dã man nhưng địch không khai thác được thông tin gì từ anh, chỉ nói tên anh là Nguyễn Huy. Giam cầm tra tấn ở Khám lớn Sài Gòn một thời gian không thu được kết quả, bọn chúng đưa anh ra xử án. Run sợ trước phong trào cách mạng, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương đã mở một phiên tòa đại hình để xử một chiến sĩ cộng sản Việt Nam chưa đầy 17 tuổi. Lý Tự Trọng đã bị kết án tử hình. Trong những ngày cuối cùng ở xà lim án chém, Lý Tự Trọng vẫn lạc quan yêu đời, tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng. Mặc dù bị xiềng xích nhưng hàng ngày anh vẫn tập thể dục, đọc Truyện Kiều, động viên các bạn trẻ nêu cao ý chí cách mạng. Khí phách hiên ngang của anh đã làm cho bọn cai ngục phải khâm phục và kinh ngạc, chúng gọi anh là “Ông Nhỏ”, “thật là con người gang thép”.

Tối ngày 20/11/1931, bọn cai ngục lặng lẽ đưa máy chém đến sát cửa Khám lớn. Lúc này, toàn khám náo động, tiếng đập cửa ầm ầm, tiếng la hét, tiếng hô khẩu hiệu của hàng nghìn tù nhân kể cả thường phạm vang ra ngoài: “Đả đảo thực dân xử tử anh Trọng”, “Đả đảo thực dân giết hại Nguyễn Huy”, “Trả tự do cho Lý Tự Trọng”. Bọn thực dân ra lệnh báo động, bao vây Khám lớn, cho lính xông vào các nhà giam trói tay, cùm chân tù nhân, nhưng tiếng thét vẫn cứ dồn dập vang lên. Cửa xà lim tử hình mở ra, một lũ lính lăm lăm tay súng vây quanh Lý Tự Trọng. Anh bình tĩnh, ung dung bước đi, miệng hô lớn: “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!” “Việt Nam, Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm!”.

Tù nhân trong các nhà giam đồng loạt hô theo. Lát sau, từ cổng Khám lớn Sài Gòn vẳng lại: “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian! Vùng lên, vùng lên...”.

Đó là lời chào của Lý Tự Trọng gửi lại cho đồng bào, đồng chí chúng ta.

Sự hi sinh anh dũng của anh trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là lời hiệu triệu cho các thế hệ thanh niên Việt Nam đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

II. TINH THẦN CÁCH MẠNG, LÝ TƯỞNG KIÊN ĐỊNH VÀ SỰ HY SINH ANH DŨNG CỦA ĐỒNG CHÍ LÝ TỰ TRỌNG - TẤM GƯƠNG SÁNG CHO THẾ HỆ TRẺ NOI THEO

1. Đồng chí Lý Tự Trọng - Người thanh niên yêu nước, bản lĩnh, khát khao lý tưởng và tràn đầy nhiệt huyết cách mạng

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước cùng với truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần cách mạng quê hương Hà Tĩnh đã góp phần bồi đắp cho người thanh niên lòng yêu quê hương, đất nước; thấu hiểu được nỗi thống khổ, bất công của các tầng lớp nhân dân lao động dưới ách áp bức, bóc lột của chính quyền thực dân, phong kiến, căm ghét bọn cướp nước và bè lũ tay sai, đã hun đúc ý chí và tinh thần học hỏi, vươn lên tìm con đường cứu nước của đồng chí Lý Tự Trọng.

Thời gian học tập ở tại Trường sơ học của cụ Tú Đặng, Lý Tự Trọng đã bộc lộ là một thiếu niên chăm chỉ, ham học hỏi, mong muốn lớn lên đóng góp cho quê hương, đất nước. Bước ngoặt cuộc đời Lý Tự Trọng là được lựa chọn sang Quảng Châu học tập và được đồng chí Nguyễn Ái Quốc đưa vào nhóm “Thiếu niên tiền phong Việt Nam”. Tại đây, Lý Tự Trọng được các đồng chí trong Tổng bộ hướng dẫn và hiểu được tại sao phải làm cách mạng đánh thực dân Pháp xâm lược, vì sao phải lập Hội; Chủ nghĩa cộng sản là gì. Thời gian học tập ở Đại học Trung Sơn, Quảng Châu, Lý Tự Trọng đã thông thạo tiếng Trung và được cử làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Châu. Vốn thông minh hoạt bát, mưu trí, Lý Tự Trọng đã góp phần tích cực vào việc liên lạc giữa Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội với đảng bạn và cán bộ cách mạng Việt Nam hoạt động tại Trung Quốc, đồng thời tổ chức việc chuyển thư, tài liệu của Đảng về nước.

Phát súng của Lý Tự Trọng để cứu đồng chí Phan Bôi, người phụ trách tuyên truyền của Xứ ủy đang đứng diễn thuyết trước công chúng đã làm rung chuyển Sài Gòn. Thực dân Pháp không nghĩ một thanh niên mới 17 tuổi lại dám liều mình bắn chết mật thám LeGrand ngay trước công chúng.

Trong những ngày cuối cùng ở xà lim án chém, Lý Tự Trọng vẫn lạc quan yêu đời, tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng. Thực dân Pháp đã không dám xử công khai Lý Tự Trọng. Lợi dụng lúc rạng sáng ngày 21/11/1931, chúng đã hèn hạ dựng máy chém ở ngay khám lớn Sài Gòn giết anh trong im lặng[5]. Tinh thần cách mạng bất khuất của Lý Tự Trọng đã làm cho kẻ thù vô cùng khiếp sợ, góp phần động viên cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng trong cả nước lúc bấy giờ. Cuộc đời của Lý Tự Trọng tuy ngắn ngủi nhưng tinh thần cách mạng của anh trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ thanh niên noi theo. Tinh thần và chí khí người thanh niên Lý Tự Trọng đã trở thành biểu tượng sáng ngời, thiêng liêng, cao đẹp trong lòng các thế hệ đoàn viên thanh niên. Câu nói bất hủ của anh “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng không thể có con đường nào khác…” trở thành lý tưởng sống và kim chỉ nam hành động cho các thế hệ thanh niên Việt Nam trong mọi thời kỳ.

2. Đồng chí Lý Tự Trọng - Người đoàn viên thanh niên cộng sản kiên trung - Tấm gương mẫu mực về chí khí chiến đấu, kiên trung với con đường cách mạng

Những ngày bị bắt, thực dân Pháp đã tra tấn vô cùng dã man để Lý Tự Trọng khai báo những manh mối, thông tin bí mật của Đảng, của cách mạng. Nhưng những đòn roi, thủ đoạn tàn bạo của bọn thực dân đã không thể quật ngã người chiến sĩ cách mạng kiên cường. Tinh thần bất khuất, lòng gan dạ, dũng cảm của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi đã khiến một số tên mật thám từ căm giận đến sửng sốt, ngạc nhiên và khâm phục. Trong thời gian bị giam cầm, Lý Tự Trọng còn động viên, khích lệ đồng đội trong tù vững tin để tiếp tục chiến đấu cho độc lập, tự do của dân tộc.

Đứng trước cái chết, Lý Tự Trọng không hề run sợ, anh đã chủ động biến phiên tòa của đế quốc thành một diễn đàn của người chiến sĩ cộng sản. Khi Luật sư bào chữa xin bọn thực dân “mở lượng khoan hồng” vì Lý Tự Trọng chưa đến tuổi trưởng thành, “hành động thiếu suy nghĩ”, anh đã gạt phắt và dõng dạc nói:“Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi trưởng thành thật, nhưng tôi đã đủ trí khôn để hiểu con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”. Khi Bộ trưởng thuộc địa Pháp trực tiếp gặp Lý Tự Trọng và thốt ra những giọng điệu: “Tuổi thanh niên ngông cuồng, nước Pháp sẵn sàng tha thứ cho anh. Đối với những người thông minh, Chính phủ bao giờ cũng nâng đỡ, chỉ cần anh thật thà hối cải. Nếu muốn anh có thể sang Pháp học để trở về giúp đất nước, tha hồ quyền cao chức trọng, vợ đẹp con khôn, ăn mặc sung sướng”. Đáp lại, Lý Tự Trọng đã dõng dạc: “Ta sinh ra không phải để ăn thứ cơm ấy”. Những câu nói mang đầy “chất thép” ấy đã thể hiện niềm tin, tinh thần lạc quan vào con đường cách mạng giải phóng dân tộc và quyết chiến đấu với giặc tới cùng của người chiến sĩ cộng sản trẻ Lý Tự Trọng.

III. TUỔI TRẺ HỌC TẬP VÀ NOI THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG SÁNG NGỜI CỦA ĐỒNG CHÍ LÝ TỰ TRỌNG

Noi gương và tiếp bước Lý Tự Trọng, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã đoàn kết một lòng dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng góp phần làm nên cuộc cách mạng tháng Tám 1945, thành lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, lớp lớp thanh niên Việt Nam đã nối tiếp nhau lên đường với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại, giành độc lập tự do cho Tổ quốc và thống nhất đất nước. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến ấy đã xuất hiện nhiều tấm gương tuổi trẻ kiên cường dũng cảm, tiêu biểu như: Trần Văn Ơn, Võ Thị Sáu, La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Chiên, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện… hàng triệu đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong”. Từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân với những chiến công xuất sắc như: Bảy dũng sỹ Điện Ngọc - Quảng Nam anh dũng đánh trả một tiểu đoàn địch; Tạ Thị Kiều tay không đoạt bốt giặc; Lê Thị Hồng Gấm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng không chịu đầu hàng giặc; câu nói bất hủ của người thợ điện trẻ tuổi Nguyễn Văn Trỗi “Còn giặc Mỹ thì không có hạnh phúc” đã gây xúc động cho tuổi trẻ và nhân dân tiến bộ khắp năm châu; lời hô của anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” đã trở thành hiệu lệnh thúc giục quân và dân ta xông lên tiêu diệt quân thù… Ngay trên quê hương Hà Tĩnh, sự hy sinh anh dũng của 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong tại Ngã Ba Đồng Lộc đã xây nên tượng đài chiến thắng bất diệt, biểu tượng cho tinh thần quả cảm của những cô gái mãi mãi tuổi hai mươi. Tất cả đều mang trong trong mình bao ước mơ, hoài bão tươi đẹp, yêu cuộc sống và khát khao được cống hiến, được chiến đấu, sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân, không tiếc máu xương nơi chiến trường đạn bom khốc liệt bởi họ mang trong mình lý tưởng cách mạng cao đẹp: độc lập dân tộc, thống nhất non sông đất nước.

Hòa bình lập lại, bước vào thời kỳ đất nước đổi mới, lớp lớp thanh niên đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn. Con đường cách mạng của các thế hệ tiền bối và đồng chí Lý Tự Trọng đã và đang soi đường, dẫn lối cho thế hệ trẻ hôm nay xung kích, tình nguyện, đi đầu trên mọi lĩnh vực. Trong những năm qua, các các cấp bộ Đoàn, Hội đã nhiều sáng kiến, phát động nhiều cuộc vận động, nhiều phong trào thi đua có ý nghĩa thiết thực. Mỗi cuộc vận động, mỗi phong trào đều tạo môi trường lành mạnh, tác động tích cực tới nhận thức và hành động của tuổi trẻ. Đặc biệt, dù trong môi trường, lĩnh vực nào, các thế hệ tương lai của đất nước cũng xác định rõ mục tiêu, lý tưởng, quyết chí vươn lên; phát huy tinh thần, ý chí tự lực tự cường trong học tập, rèn luyện, sáng tạo trong lao động. Công tác tuyên truyền, giáo dục tiếp tục có nhiều đổi mới về cả nội dung và phương thức, nhất là ứng dụng chuyển đổi số trong tổ chức hoạt động giáo dục; tăng cường lấy thông tin tích cực đẩy lùi tiêu cực; tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp với nhiều nội dung ý nghĩa, cách làm mới hiệu quả. Các phong trào hành động cách mạng “Thanh niên tình nguyện”,“Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” và các Chương trình đồng hành với thanh niên trong học tập; trong khởi nghiệp, lập nghiệp; trong rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần đã được xác định phù hợp với đặc điểm, trình độ, năng lực, thế mạnh của thanh niên; đáp ứng được những nhu cầu, mong mỏi của tuổi trẻ, qua đó phát huy được vai trò xung kích, tình nguyện, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời tạo môi trường, điều kiện để thanh, thiếu niên trưởng thành, phát triển toàn diện. Từ các phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều những tập thể, cá nhân tiêu biểu đi đầu trong các lĩnh vực học tập, lao động sản xuất, sáng tạo khoa học công nghệ, bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tổ chức Đoàn ngày càng được củng cố. Số lượng, chất lượng đoàn viên ngày càng được nâng cao. Đội ngũ cán bộ Đoàn đông đảo, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đã và đang trở thành nguồn cán bộ kế cận tin cậy của Đảng, chính quyền và đoàn thể ở các cấp.

Trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, điều này đòi hỏi tuổi trẻ Việt Nam hôm nay tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo, trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong hội nhập quốc tế, chuyển đổi số quốc gia, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mỗi đoàn viên thanh niên phải tự giác, tích cực tham gia học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, bồi đắp lý tưởng cách mạng trong sáng; tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, khoa học, kỹ thuật, tay nghề; làm chủ khoa học công nghệ hiện đại; tích cực tham gia xây dựng môi trường xã hội lành mạnh; xung kích đi đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; chủ động tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế.

***

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng, tri ân công lao to lớn, ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất, tấm gương hy sinh quên mình vì nước, vì dân của người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên và các thế hệ tiền bối đã cống hiến trọn đời cho cách mạng, thế hệ trẻ hôm nay nguyện noi gương anh quyết tâm học tập, lao động xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp. Hơn bao giờ hết, câu nói “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”càng thôi thúc tuổi trẻ cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện, đi đầu trong cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, đấu tranh không khoan nhượng với những hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội; tin tưởng, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, thế hệ thanh niên Việt Nam noi gương anh Lý Tự Trọng, nguyện viết tiếp trang sử vàng chói lọi của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, của dân tộc Việt Nam anh hùng đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.

 Ban Tuyên giáo Trung ương - Tỉnh ủy Hà Tĩnh - Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

 

 [1] Nay là Bản Na Chok, xã Nong Yat, huyện Mueang NakhonPhanom. Xiêm là phiên âm tiếng Việt của Siam - tên gọi của đất nước Thái Lan trước năm 1939. Từ năm 1945, Thái Lan lại đổi tên thành Xiêm. Đến năm 1949, Xiêm lại được đổi thành Thái Lan như hiện nay (Theo sách Chân dung Anh hùng Lý Tự Trọng qua những tư liệu lịch sử - Dương Trọng Phúc)

[2] Trước là xã Việt Xuyên, đến năm 2019 theo Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh, các xã Phù Việt, Việt Xuyên, Thạch Tiến đã được sáp nhập toàn bộ diện tích dân số thành xã Việt Tiến như ngày nay.

[3] Ông Cựu Tuấn còn được biết đến với những tên gọi khác như: Nguyễn Huy Tuấn, Hà Huy Tuấn, Nguyễn Cựu Tuấn, Nguyễn Ông Cựu, Ngô Trí Tuấn, Lý Cựu, Lý Tuấn, Lý Dụ. Ông tham gia phong trào Cần Vương dưới sự lãnh đạo của Phan Đình Phùng, bị thực dân Pháp đàn áp, ông cùng những người đồng hương lánh sang Xiêm. Tại vùng đông bắc Xiêm, ông là người đã khai hoang lập “trại cày” giúp bà con người Việt. Ông Cựu Tuấn là đồng hương, đồng chí của ông Lê Hữu Đạt - cha của Lý Tự Trọng. Ông đã nhận Lý Tự Trọng làm con nuôi khi tròn 3 tuổi.

[4] Các đồng chí đó là: Hồ Tùng Mậu, Lê Thiết Hùng, Lê Hồng Sơn, Phùng Chí Kiên, Nguyễn Sơn, Lý Phương Đức, Lý Phương Thuận, Lý Trí Thông, Lý Tự Trọng,…tham gia trong các lực lượng cách mạng với vai trò khác nhau.

[5] Cũng có một số tài liệu, bài báo cho rằng đồng chí Lý Tự Trọng bị xử tử hình vào rạng sáng ngày 20/11/1931

Tag:

File đính kèm