Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Chỉ thị số 48-CT/TU ngày 12/11/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Hà Tĩnh.
|
|
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Đình Hải và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Trần Văn Kỳ chủ trì phiên tiếp công dân tháng 10/2024 (Nguồn ảnh: baohatinh.vn)
|
Theo Chỉ thị, trong những năm qua, công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo được cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt được những kết quả tích cực. Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài từng bước được giải quyết dứt điểm; số vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh cơ bản được giải quyết kịp thời tại cơ sở, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh có thời điểm, có nơi vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Việc duy trì tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cấp ủy các cấp, nhất là cơ sở có nơi chưa thường xuyên; việc tiếp nhận, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chưa đảm bảo quy trình, quy định; tiến độ giải quyết một số vụ việc còn chậm,….
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo, các kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người dân; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với hệ thống chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các đảng đoàn, ban cán sự đảng; các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
1. Tiếp tục tăng cường phổ biến, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo, trọng tâm là: Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Luật Tiếp công dân năm 2013, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành; các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt việc tiếp nhận, phân loại và giải quyết khiếu nại, tố cáo bảo đảm kịp thời, đúng quy định, nhất là những nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến nhân sự Đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và nhân sự bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031; kịp thời thụ lý, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh thuộc thẩm quyền, đặc biệt là các vụ việc đã có chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng, người có thẩm quyền. Tổ chức thi hành triệt để các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo đã có hiệu lực, không để tồn đọng, kéo dài.
3. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác tiếp công dân, tình hình khiếu nại, tố cáo trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách; thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp công dân định kỳ và đột xuất nhằm kịp thời nắm bắt thông tin và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của người dân khi mới phát sinh từ cơ sở. Lấy hiệu quả của công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo làm một trong những tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị.
Tăng cường trách nhiệm nêu gương, sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kịp thời đối thoại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Lãnh đạo, chỉ đạo nắm chắc tình hình, đấu tranh, ngăn chặn, không để các thế lực phản động, chống đối, lợi dụng kích động, lôi kéo người dân khiếu nại, tố cáo gây mất an ninh trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước. Không để tình trạng công dân trên địa bàn mình quản lý liên kết khiếu nại, khiếu kiện đông người, vượt cấp.
4. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng cấp tỉnh với cấp huyện, giữa các cơ quan cùng cấp trong tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ người tố cáo, nhất là trong phối hợp xử lý, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài hoặc vụ việc có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương. Chủ động phối hợp cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền, phát huy tốt vai trò của các cơ quan báo chí trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo; chú trọng thanh tra, kiểm tra, giám sát trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan hành chính Nhà nước; thanh tra đột xuất đối với địa phương, đơn vị phát sinh nhiều đơn thư vượt cấp, để xảy ra khiếu kiện phức tạp. Thực hiện công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát và rà soát vụ việc theo quy định. Tự kiểm tra, rà soát các vụ việc tồn đọng, phức tạp trên địa bàn để tập trung giải quyết, trường hợp vượt thẩm quyền phải báo cáo, tham mưu các cơ quan chức năng xem xét, chỉ đạo xử lý theo quy định.
6. Đẩy mạnh công tác hòa giải, đối thoại gắn với công tác dân vận chính quyền và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Tăng cường, đổi mới hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ người tố cáo; phát huy vai trò giám sát của cơ quan chức năng và người dân trong việc thực hiện kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, giám sát. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tăng cường phối hợp với chính quyền cùng cấp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ người tố cáo, làm tốt vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, đoàn viên. Tạo điều kiện để Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tham gia tích cực, có hiệu quả trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí, tư vấn, giải đáp pháp luật cho người dân.
7. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, xây dựng cơ bản, tài chính, chính sách xã hội...; công khai, minh bạch thông tin, đặc biệt là quá trình thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án; xem xét giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Gắn thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo với việc thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân góp ý, giám sát đối với hoạt động quản lý Nhà nước và thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân.
8. Tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, kỹ năng, nghiệp vụ và thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ theo quy định cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đầu tư trang thiết bị, điều kiện làm việc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác, sử dụng hiệu quả phần mềm Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo quy định.
9. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân cố tình né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại, tố cáo; không thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, để xảy ra vi phạm trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; các cá nhân, tổ chức có hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, quyền khiếu nại, tố cáo để thực hiện động cơ cá nhân, chính trị vi phạm pháp luật;…
10. Tổ chức thực hiện: Các đảng đoàn, ban cán sự đảng; các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy xây dựng chương trình, kế hoạch và đề ra các giải pháp cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm tình hình của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.
Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, các ban Đảng, Ủy ban kiểm tra, Văn phòng Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Chỉ thị này được quán triệt đến các tổ chức đảng, đảng viên và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân./.