|
|
Người dân Khu đô thị Thanh Hà đứng chờ nước sạch từ xe bồn. |
Nước sạch là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống người dân. Nhưng trong những ngày gần đây tại Khu đô thị Thanh Hà thuộc huyện Thanh Oai và quận Hà Đông, thành phố (TP) Hà Nội xảy ra việc mất nước, thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt, gây xáo trộn cuộc sống người dân và tạo sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.
Đến sáng 18/10, sau 4 ngày khổ sở vì thiếu nước sạch, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND TP bằng mọi biện pháp nhanh nhất cấp nước sinh hoạt trở lại cho cư dân tại khu đô thị Thanh Hà. Đồng chí chỉ đạo có giải pháp bảo đảm ổn định lâu dài cho người dân tại đây.
Tuy nhiên, đến chiều 20/10, sau 2 ngày kể từ khi có chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, nước sạch vẫn chỉ được cấp nhỏ giọt, người dân phải huy động toàn bộ xô chậu trong nhà để tích trữ nước.
Điều đáng buồn là cảnh thiếu nước sạch không chỉ xuất hiện ở khu đô thị Thanh Hà mà lan rộng ra khu vực phố Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm) và nhiều khu dân cư ở quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, huyện Hoài Đức.
Tình trạng ngay Thủ đô nhưng vẫn không đủ nước sạch sinh hoạt không phải xảy ra lần đầu. Ở một số chung cư, khu dân cư trên địa bàn TP Hà Nội, việc mất nước sạch cục bộ, chất lượng nước “có vấn đề” vẫn thi thoảng xảy ra, tái diễn nhiều năm nay. Gần đây nhất, vào dịp hè năm nay, các quận/huyện như: Hai Bà Trưng, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức… cũng xảy ra tình trạng thiếu nước trầm trọng.
Việc thiếu nước sạch của Hà Nội từ nhiều năm nay đã được cảnh báo, nước sạch thực tế càng thiếu hơn khi mà giếng ngầm được thành phố yêu cầu ngừng sử dụng. Thành phố cũng đã nói nhiều, họp nhiều, gợi mở nhiều... nhưng vấn đề này đến nay vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Và nay, khi vụ việc này xảy ra lại thêm một lần nữa vấn đề lại được đem ra “mổ xẻ”.
Hiện việc cung cấp nước sạch của Hà Nội cơ bản phụ thuộc vào các nhà máy nước mặt. Trong khi đó, nhiều năm qua, Hà Nội chưa có thêm một nhà máy nước nào đi vào hoạt động. Việc cung cấp nước sạch phụ thuộc vào Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội; Nhà máy Nước mặt sông Đuống; Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Đông, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà…
Và điều đáng nói là việc thi công các nhà máy nước sạch lại đang không đảm bảo tiến độ. Ví dụ như Dự án Nhà máy Nước mặt sông Hồng được bắt đầu xây dựng năm 2015, có kế hoạch đưa vào sử dụng từ quý I/2021 với công suất thiết kế giai đoạn một là 300.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Do chậm tiến độ, UBND TP Hà Nội phải gia hạn cho phép dự án hoàn thành vào quý IV/2024...
Chưa hết, dự án cấp nước sông Đà giai đoạn II do Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) làm chủ đầu tư cấp nước cho Hà Nội cũng đang chậm tiến độ. Việc đầu tư xây dựng mới Nhà máy nước Xuân Mai sử dụng nguồn nước mặt sông Đà cũng chưa hẹn ngày về đích...
Trong khi đó, như chúng ta đều biết, tốc độ đô thị hóa của Thủ đô ngày càng nhanh, nhiều khu đô thị, khu dân cư mới ven đô “mọc” lên ngày càng nhiều, nhất là ở khu vực một số huyện chuẩn bị lên quận. Điều này đã kéo theo nhu cầu về các dịch vụ của cư dân tăng lên, trong đó có những vấn đề rất thiết yếu như điện, đường, trường học, nước sạch… Và do chưa được quan tâm đúng mức nên đã dẫn đến những bức xúc không đáng có đã từng xảy ra liên quan đến việc thiếu nước, thiếu điện, thiếu chỗ học…
Theo dự báo, việc thiếu nước sạch của Hà Nội có thể sẽ không được cải thiện vào năm 2024 nếu các nhà máy nước sạch kể trên chưa hoàn thành. Giải pháp trước mắt được Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra, yêu cầu các đơn vị cấp nước bảo đảm duy trì, vận hành tối đa công suất các nhà máy nước, trạm cấp nước; phân bổ, điều tiết nguồn nước bảo đảm hài hòa giữa nguồn cấp và nhu cầu cũng như khả năng tiếp cận của từng khu vực. Thường xuyên tuần tra, kiểm tra, phát hiện và sẵn sàng, kịp thời sửa chữa, khắc phục các sự cố rò rỉ, vỡ ống, đặc biệt là tuyến truyền dẫn nước sạch sông Đà số 1 hiện có.... Hà Nội đề nghị mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc sử dụng nước sạch, tránh lãng phí...
Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội đề ra phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% người dân được tiếp cận nước sạch. Để mục tiêu này về đích, thành phố đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để tăng tốc “phủ sóng” nguồn nước sạch nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Một trong những giải pháp được thành phố cùng các địa phương liên quan đang thực hiện là đẩy nhanh thực hiện các dự án nước sạch. Trên tinh thần này, với địa phương đã giao nhà đầu tư, thành phố chỉ đạo đơn vị cấp nước tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ dự án đã giao; đồng thời thực hiện điều chỉnh, thu hồi dự án chậm hoặc không triển khai để kêu gọi nhà đầu tư khác.
Đặc biệt, với những xã chưa có nhà đầu tư, thành phố giao đơn vị đang triển khai dịch vụ cấp nước trong khu vực mở rộng phát triển mạng cấp nước; đồng thời địa phương triển khai dự án bằng nguồn vốn ngân sách, trong đó đề xuất cách thức quản lý, vận hành sau đầu tư...
Cùng với đó, Thành phố đang đầu tư đẩy nhanh một số dự án như: nâng công suất Nhà máy Bắc Thăng Long, nghiên cứu xây dựng giai đoạn 2 Nhà máy nước sông Đuống...
Theo một số chuyên gia, để giải quyết tận gốc vấn đề này, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Muốn thế, Hà Nội cần có những chính sách như ưu đãi về đất như miễn tiền sử dụng đất. Bên cạnh đó, giá nước phải được tính đúng, tính đủ các chi phí và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, khách hàng và nhà nước…
Và để nhanh chóng khắc phục được tình trạng hàng ngàn cư dân xoay xở với nỗi khổ thiếu nước, Hà Nội phải xác định rõ “địa chỉ trách nhiệm” ở từng nấc, từng khâu, từng tập thể, từng cá nhân, tránh tình trạng trách nhiệm "chạy vòng". Có như vậy mới giải được bài toán thiếu nước, cứ “đến hẹn lại lên”.../.