Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Hoàn thiện quy định pháp lý để tăng cường kiểm soát hoạt động thương mại điện tử

21:10 12/11/2024
Thương mại điện tử hiện đã trở thành xu hướng tất yếu tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Do đó cùng với sự chủ động nắm bắt thời cơ, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để góp phần thúc đẩy loại hình kinh doanh mới này thì cũng cần kịp thời xử lý những bất cập, tiêu cực mới nảy sinh đe dọa sự phát triển lành mạnh của thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của người tiêu dùng.

  

Ảnh minh họa. (Nguồn: mof.gov.vn)

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, năm 2023, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 25%, đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia phát triển nhanh nhất Đông Á và trong top 10 toàn cầu về tốc độ tăng trưởng. Báo cáo từ nền tảng Metric cho biết trong 9 tháng đầu năm 2024, thương mại điện tử Việt Nam duy trì đà tăng trưởng mạnh, với tổng doanh số đạt 227.700 tỷ đồng, tăng 37,66% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, doanh số quý IV/2024 trên 5 sàn lớn (Shopee, Lazada, Sendo, Tiki và TikTok Shop) có thể đạt 80.600 tỷ đồng, tăng lần lượt 10%, 20%, và 35% trong ba tháng cuối năm so với 2023.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng nóng này cũng mang lại nhiều thách thức. Đặc biệt, việc Temu - một nền tảng thương mại điện tử nước ngoài - hoạt động tại Việt Nam dù chưa có giấy phép đã tạo lo ngại. Temu áp dụng chính sách giá rẻ và tiếp thị liên kết, thu hút nhiều người tiêu dùng nhưng chưa tuân thủ đầy đủ các quy định pháp lý của Việt Nam. Theo quy định, các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới có giao dịch lớn tại Việt Nam cần đăng ký với Bộ Công thương, đảm bảo bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn thông tin.

Thực tế cho thấy, hàng giá rẻ từ các sàn xuyên biên giới đang cạnh tranh mạnh với sản phẩm nội địa, đe dọa các doanh nghiệp nhỏ. Đồng thời, nhiều nền tảng không đăng ký chính thức tại Việt Nam, dẫn đến tình trạng thất thu thuế và cạnh tranh không lành mạnh. Trước tình hình này, Bộ Công thương đã đưa ra nhiều biện pháp, bao gồm đề xuất luật chuyên ngành về thương mại điện tử và hợp tác với các cơ quan khác nhằm kiểm soát hàng hóa nhập khẩu qua thương mại điện tử chưa tuân thủ quy định pháp luật.

Cùng với đó, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đã tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao nhận thức cộng đồng về rủi ro khi mua hàng trên các nền tảng không được kiểm soát. Trong năm 2023, các sàn thương mại điện tử đã gỡ bỏ hàng ngàn sản phẩm vi phạm, và trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều sản phẩm vi phạm an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ cũng đã bị loại bỏ.

Việt Nam cam kết tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển lành mạnh, nhưng cũng sẽ xử lý nghiêm các vi phạm, bảo vệ sản xuất nội địa và quyền lợi người tiêu dùng. Người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo khi giao dịch, ưu tiên các nền tảng uy tín và phản ánh kịp thời các vi phạm đến cơ quan chức năng.

Nguồn: Báo Nhân dân điện tử

Link:https://nhandan.vn/bo-sung-quy-dinh-phap-ly-de-kiem-soat-tot-hoat-dong-thuong-mai-dien-tu-post843091.html

Tag:

File đính kèm