Những nỗ lực và thành tựu bảo đảm, thúc đẩy quyền con người của Việt Nam là điều không thể phủ nhận, được thế giới ghi nhận, đánh giá cao. Song, nhân quyền lại luôn là vấn đề mà các thế lực thù địch, phản động, chống đối lại tìm mọi cách để lợi dụng như một thứ vũ khí, cái cớ nhằm chống phá nước ta.
Nhận diện thủ đoạn cùng những “khuôn mặt đen”
Dân chủ, nhân quyền là giá trị thiêng liêng mà Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới luôn nỗ lực bảo đảm và thúc đẩy. Thế nhưng, đây cũng là vấn đề mà các thế lực thù địch, phản động tìm cách lợi dụng để can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước ta. Theo đó, chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tuyên truyền, xuyên tạc làm rối loạn tình hình chính trị, trật tự - an ninh ở trong nước là những chiêu bài mà các thế lực thù địch, chống phá thông qua các tổ chức quốc tế tự xưng về nhân quyền, các phương tiện truyền thông thiếu thiện chí, các trang mạng xã hội xuyên biên giới… lợi dụng với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc.
Các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc, chống phá và phủ nhận thành tựu quyền con người ở Việt Nam
Trước hết, các thế lực chống đối, phản động thường tập trung vu cáo, xuyên tạc, bóp méo tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Chúng biến không thành có, biến có thành không, biến hiện tượng thành bản chất, biến ngẫu nhiên thành tất nhiên, biến cá biệt thành phổ biến… để vu cáo, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền. Chúng dựng lên chuyện rằng vấn đề nghiêm trọng nhất ở Việt Nam là hạn chế các quyền tự do, bao gồm tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do biểu đạt... Chúng tập trung tuyên truyền Việt Nam không có tự do báo chí, công dân không có quyền tự do biểu đạt chính kiến; không có tự do tôn giáo, tín ngưỡng, không cho tự do hành đạo, đàn áp tôn giáo, tìm cách vừa chia rẽ các tôn giáo vừa chống lại chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước.
Chúng triệt để khai thác các vấn đề nhạy cảm, phức tạp như tham nhũng, khiếu kiện, đình công, phân hóa xã hội, tội phạm, tệ nạn xã hội… để vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền. Bên cạnh đó, lợi dụng những bất cập còn tồn tại trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân các vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh để xuyên tạc Việt Nam không quan tâm đến các dân tộc thiểu số, có sự phân biệt đối xử... nhằm gây nghi kỵ, chia rẽ giữa các dân tộc và khối đại đoàn kết toàn dân. Thậm chí, một số đối tượng vi phạm pháp luật, những đối tượng lợi dụng quyền tự do, dân chủ, mạng xã hội để chống phá chế độ, xâm hại lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân… bị các cơ quan chức năng điều tra, xử lý thì được bọn chúng khoác cho cái danh hiệu mỹ miều như “chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền” để rồi rêu rao là bị chính quyền đàn áp.
Từ việc xuyên tạc, nói xấu Việt Nam về vấn đề nhân quyền, chúng tuyên truyền, cổ xúy, thêu dệt cho những giá trị nhân quyền phương Tây, kêu gọi “phong trào bảo vệ tự do tôn giáo”, áp đặt các “chuẩn mực” về “tự do”, “dân chủ”... đối với Việt Nam. Chúng tìm cách áp đặt các giá trị dân chủ, nhân quyền kiểu phương Tây vào Việt Nam, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trước tiên trong nội bộ Đảng, Nhà nước.
Qua thực tế, có thể nhìn nhận rõ, các thế lực thù địch xuyên tạc, phủ nhận thành tựu về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam hiện nay gồm: Những kẻ thù địch, phản động người Việt ở nước ngoài; các phần tử phản động, bất mãn, cơ hội chính trị ở trong nước; những cá nhân người Việt ở trong nước bị các thế lực thù địch tại nước ngoài mua chuộc, lợi dụng, núp bóng “ngọn cờ dân chủ”, “nhân quyền” các lực lượng cực hữu, một số nghị sĩ cực đoan tại một số nước phương Tây… tham gia các hoạt động, việc làm chống phá nền tảng tư tưởng và chế độ chính trị - xã hội tại Việt Nam.
Ngoài ra, còn có những người theo các trào lưu tư tưởng và đường lối chính trị trái ngược với giá trị của chủ nghĩa xã hội tại các nước phương Tây; những kẻ cơ hội chủ nghĩa, suy thoái về tư tưởng, chính trị tại Việt Nam; cũng như một số tổ chức phi chính phủ, phương tiện truyền thông phương Tây do thiếu thông tin về thực tế cũng như những thành quả nhân quyền ở Việt Nam nên còn có những ý kiến thiếu thiện trí đối với Việt Nam trong vấn đề dân chủ, nhân quyền.
Xây dựng sức đề kháng mạnh, hiệu quả
Hiện nay, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường tác động sâu sắc tới nước ta nên dân chủ, nhân quyền vẫn là chiêu bài, các thế lực thù địch, phản động bên ngoài và các phần tử chống phá, bất mãn, cơ hội chính trị trong nước tìm cách lợi dụng một cách triệt để, núp bóng dưới nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, thâm độc nhằm gây mất ổn định, can thiệp vào nội bộ chính trị, xã hội ở Việt Nam. Thực chất cái gọi là “dân chủ, nhân quyền” mà các thế lực chống đối đang rêu rao ầm ĩ nói cho cùng là nhằm mục đích phủ nhận con đường, mục tiêu độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn, phủ nhận nền tảng tư tưởng và vai trò lãnh đạo của Đảng và đây là âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước ta, phá hoại những thành quả phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của Việt Nam.
Việc nhận diện các thế lực thù địch, phản động; vạch trần bản chất, thủ đoạn mà chúng dùng những “chiêu bài” khoác áo dân chủ, nhân quyền nhằm chống phá chế độ và đất nước Việt Nam trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khẳng định thành quả mà chúng ta giành được, đồng thời góp phần bảo vệ quyền con người ở nước ta. Điều cũng khẳng định không có một thế lực, tổ chức hay cá nhân nào dù lớn mạnh thế nào cũng không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ và càng không thể gây sức ép với Việt Nam bằng những nhận xét, đánh giá về tình hình tự do dân chủ, nhân quyền một cách không khách quan, thiếu trách nhiệm.
Trước những âm mưu, thủ đoạn tinh vi, thâm độc của các thế lực thù địch, chống đối lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá, mỗi người chúng ta phải đề cao cảnh giác để phát hiện, phòng chống, ngăn chặn kịp thời và hiệu quả. Trước hết, cần xác định nhân quyền là một vấn đề nhạy cảm, phức tạp mà các thế lực thù địch, phản động lợi dụng nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta, nhân dân ta, thực hiện các âm mưu xuyên suốt trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Vì vậy, chúng ta cần thường xuyên nắm chắc tình hình, dự báo kịp thời mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của chúng. Từ đó, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong triển khai công tác phòng chống, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền chống phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, chống phá chế độ, Nhà nước ta.
Trong đó, cần thiết phải nhận diện thấy rõ những âm mưu lợi dụng dân chủ, nhân quyền thông qua việc tìm hiểu những đặc điểm, ngôn từ, cách diễn đạt, nguồn địa chỉ thông tin, video clip, trước mỗi thông tin cần so sánh kiểm chứng đúng - sai, thật - giả bằng nhiều kênh thông tin khác nhau, xác định đường liên kết tên miền của Việt Nam hay nước ngoài những tổ chức trong nước hay là các tổ chức phản động, lưu vong dựng chuyện nhằm những mưu đồ đen tối của chúng. Từ đó, có những nhìn nhận chính xác được thông tin, bản chất vấn đề, nhất là mạng xã hội mà các thế lực thù địch, phản động dùng làm phương tiện triển khai “vũ khí nhân quyền”. Đồng thời, theo điều kiện và khả năng thực tế cần tích cực tham gia đóng góp công sức vào quá trình phát triển của đất nước; chủ động đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động.
Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người hiệu quả trên thực tế, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần nắm vững chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về quyền con người, các quy định pháp luật liên quan. Muốn vậy, cần tạo sự chuyển biến trong nhận thức về quyền con người qua các kênh tuyên truyền và giáo dục. Qua đó, những âm mưu, thủ đoạn và hoạt động lợi dụng, xuyên tạc của các thế lực thù địch về thành tựu bảo đảm quyền con người, xâm phạm đến quyền con người, đến lợi ích của nhân dân Việt Nam dễ được nhận diện và có căn cứ để đấu tranh, phản bác hiệu quả, góp phần bảo vệ chế độ, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.
Đi đôi với việc đấu tranh phản bác, chúng ta cần tiếp đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo; hiện thực hóa định hướng coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là trung tâm của mọi chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Đây là điều hết sức quan trọng bởi làm cho người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc là một trong những minh chứng sinh động, thuyết phục nhất bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, vô căn cứ của các thế lực thù địch về thành tựu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.
(Còn nữa)
Theo ANTĐ