Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Chấn hưng văn hóa bắt đầu từ việc xây dựng con người

10:34 11/02/2024
(ĐCSVN) - Văn hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, việc giữ gìn, khai thác và phát triển các giá trị văn hóa có nhiều thuận lợi, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Để văn hóa thực sự là “nền tảng tinh thần”,“động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi", chúng ta cần bắt đầu từ việc xây dựng con người!

leftcenterrightdel
 Chấn hưng văn hóa nên bắt đầu từ việc xây dựng con người.

Tại Hội nghị văn hóa Toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết “Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, sau này được in trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Trong bài viết, Tổng Bí thư đã phân tích, làm rõ những thành tựu và hạn chế trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là kể từ đổi mới đến nay. Tổng Bí thư khẳng định: Chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục. Những mặt hạn chế, yếu kém nổi bật được nhắc lại nhiều lần lâu nay là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất. Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa… Những yếu kém, bất cập nêu trên chậm được giải quyết mặc dù đã được nhắc đi, nhắc lại trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng. Sự yếu kém, khuyết điểm này đã gây hệ lụy, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đến xây dựng con người và môi trường văn hóa.

Có lẽ cũng vì thế mà hơn lúc nào hết lúc này chúng ta phải đặt ra câu chuyện về chấn hưng văn hóa. Chấn hưng văn hóa là làm cho các giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc, của đất nước được nâng cao hơn và phát triển mạnh mẽ hơn. Như vậy, đặt vấn đề chấn hưng văn hóa hiện nay là chúng ta muốn nói đến việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao, phát triển các giá trị văn hóa tốt đẹp để tạo động lực phát triển, nâng tầm đất nước, đưa đất nước lên một vị thế mới, đồng thời giải quyết những mặt hạn chế, thách thức của thời đại đang đặt ra hiện nay.

Văn hóa như phù sa bồi đắp dần dần, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai và sự phát triển bền vững. Thế nhưng để chấn hưng văn hóa, chúng ta phải bắt đầu từ đâu?

Qua rất nhiều các hội nghị và các tài liệu, nhiều chuyên gia đã khẳng định, chấn hưng hay phát triển văn hóa chẳng phải thứ gì cao siêu, cũng không phải ở đâu xa, mà cần bắt đầu từ việc xây dựng con người, từ gia đình, trường học đến xã hội.

Chính môi trường văn hóa sẽ tạo ra con người văn hóa, con người văn hóa lại giữ vai trò chủ thể để giải quyết những bài toán căn cơ về phát triển văn hóa, để từ đó hình thành những giá trị chuẩn mực đạo đức, lan tỏa nét đẹp văn hóa đến mỗi người.

Hiện nay, qua báo chí và các trang mạng xã hội, chúng ta thấy ngày càng gia tăng tình trạng bạo lực, tội phạm, tệ nạn xã hội. Đau lòng thay ngay cả những người thân thích ruột thịt cũng sẵn sàng “xuống tay” sát hại nhau, để rồi dẫn đến những kết cục thật thương tâm. Rồi những vụ “đại án” mà thủ phạm lại nằm trong “bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”…

leftcenterrightdel
 PGS.TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Muốn có con người khỏe mạnh về tâm hồn, nhân cách thì trước tiên phải mạnh khỏe về thể xác...

Biết bao nhiêu câu chuyện buồn về văn hóa ứng xử, sự xuống cấp về đạo đức, băng hoại về lối sống, nhân cách… Nhiều người tự đặt câu hỏi phải chăng chúng ta đang ở vào thời kỳ khủng hoảng, phai nhạt, “đứt gãy” các giá trị văn hóa truyền thống vốn có?

Không ít người đổ lỗi cho cơ chế thị trường, rằng chính sự tác động từ những mặt trái của nền kinh tế thị trường đã khiến cho nhiều người, nhất là giới trẻ chạy theo lối sống thực dụng vật chất, đề cao giá trị đồng tiền, những thứ phù phiếm bề nổi, mà coi nhẹ các giá trị thực chất, bên trong, dẫn đến sự xuống cấp đạo đức xã hội. Nếu như chấn hưng văn hóa cốt lõi là xây dựng con người có văn hóa, phát triển toàn diện thì chúng ta cần phải tập trung giáo dục, đào tạo con người văn hóa trong các môi trường: gia đình - nhà trường - xã hội.

Chương trình mục tiêu quốc gia mà Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đang xây dựng trình Chính phủ hiện có 10 nội dung thành phần, trong đó nội dung: Phát triển văn hóa, con người Việt Nam được đưa lên vị trí quan trọng đầu tiên. Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt cũng đã khẳng định, tất cả nội dung thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa đều quan trọng, nhưng ưu tiên đầu tiên là chấn hưng đạo đức, phát triển văn hóa, con người Việt Nam và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh.

Như vậy, để văn hóa thực sự “soi đường cho quốc dân đi” chúng ta phải có một chiến lược về phát triển con người. Chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Đúng như PGS.TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã khẳng định: Toàn bộ mọi thứ trong xã hội đều do con người làm nên. Con người chi phối và quyết định mọi hoạt động trong xã hội. Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là trung tâm của sự phát triển, vì vậy cần phải tập trung xây dựng chiến lược con người. Ngoài việc xây dựng tâm hồn thể chất thì phải chú trọng tới việc xây dựng sức khỏe, thể lực của con người, đặc biệt đối với thế hệ trẻ. Muốn có con người khỏe mạnh về tâm hồn, về nhân cách thì trước tiên phải mạnh khỏe về thể xác, nâng cao thể lực con người, lúc đó ta mới hy vọng con người giải quyết được những vấn đề chiến lược cao cả của đất nước./.

Bài, ảnh: TT

Tag:

File đính kèm