KỲ 1: Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị
Xây dựng Đảng về chính trị được Đảng ta đặt lên hàng đầu trong các mục tiêu trọng tâm của công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Các mục tiêu này có mối quan hệ mật thiết, gắn bó, tác động qua lại và đan xen với nhau trong công tác xây dựng Đảng.
Hội thảo khoa học “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp” vào ngày 15/12/2023 (Ảnh: Ngân Nguyễn)
Chú trọng xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị
Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp luôn luôn kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và tuyệt đối chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy.
Công tác xây dựng Đảng về chính trị được Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm luôn được các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tiếp tục coi trọng và triển khai thực hiện nghiêm túc. Toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; đường lối đổi mới vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; bảo vệ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; bảo vệ Hiến pháp và pháp luật được thực hiện nghiêm túc, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh.
Các cấp ủy, tổ chức đảng nắm vững chủ trương, đường lối, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp vào thực tiễn địa phương, đơn vị; lựa chọn đúng các vấn đề để khơi dậy tiềm năng, lợi thế và khai thác hiệu quả các nguồn lực xã hội, xác định đúng những vướng mắc có tác động lớn để tập trung xử lý; kiên trì thực hiện những chủ trương, giải pháp đúng đắn đã được kiểm nghiệm từ thực tiễn, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, điều chỉnh, bổ sung chủ trương, giải pháp khi tình thế thay đổi. Tập trung giải quyết những vấn đề yếu kém, vướng mắc kéo dài, cản trở sự phát triển của tỉnh; rèn luyện phong cách làm việc khoa học của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; huy động sức mạnh của toàn xã hội trên địa bàn tỉnh để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra.
Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng thông qua đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới. Điển hình, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình hành động số 57-CTr/TU ngày 28/4/2023 về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; Kế hoạch số 195-KH/TU ngày 3/10/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh, với chủ đề “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”; triển khai thực hiện Chuyên đề năm 2023 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng Đảng, hệ thống chính trị tỉnh Đồng Tháp trong sạch, vững mạnh”. Tỉnh đã quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành văn bản và triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng; trong đó, chú trọng khâu khảo sát, phân tích tình hình thực tế và bám sát thực tiễn, đánh giá khả năng, nguồn lực của địa phương, đơn vị trong tổ chức thực hiện. Đối với những văn bản quan trọng, tác động sâu rộng, trước khi ban hành, tỉnh đều lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và mở rộng lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân khi cần thiết; tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện, không để xảy ra tình trạng nghị quyết, chủ trương chậm triển khai thực hiện, chậm đi vào cuộc sống và thiếu linh hoạt.
Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; nêu cao tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân; thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát quyền lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường giữ vững kỷ luật, kỷ cương và nguyên tắc của Đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm; tuyệt đối chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy.
Năng lực dự báo và ứng phó những vấn đề phát sinh trong thực tiễn; năng lực cụ thể hóa và tổ chức thực hiện, khắc phục yếu kém, hạn chế, né tránh trách nhiệm trong công tác lãnh đạo thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng ngày càng được nâng cao. Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác xây dựng Đảng; ban hành các chương trình, nghị quyết, kết luận tập trung vào những vấn đề trọng yếu, có tác động lớn, bảo đảm tính khoa học, khả thi và điều chỉnh, bổ sung các giải pháp phù hợp để triển khai kịp thời, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Quang cảnh Hội nghị học tập Chuyên đề năm 2023 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng Đảng, hệ thống chính trị tỉnh Đồng Tháp trong sạch, vững mạnh” (Ảnh: Phước Lộc)
Kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh tiếp tục kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng. Giữ vững nguyên tắc của Đảng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị.
Đổi mới việc học tập, quán triệt kết hợp với thảo luận để làm rõ hơn và sâu sắc hơn từng nội dung nghị quyết, chỉ thị của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao chất lượng cụ thể hóa, triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh tại địa phương, đơn vị. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng.
Nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản thực hiện nghị quyết, chương trình của cấp trên, nhất là các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy. Khắc phục tình trạng ban hành văn bản chậm so với yêu cầu; nội dung chung chung, không cụ thể, sao chép, rập khuôn hoặc chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính khả thi, thiếu nguồn lực tổ chức thực hiện, không rõ trách nhiệm, mang tính đối phó. Quá trình xây dựng văn bản phải chú trọng khâu khảo sát, phân tích tình hình thực tế và bám sát thực tiễn, đánh giá khả năng, nguồn lực của địa phương, đơn vị trong tổ chức thực hiện. Đối với những văn bản quan trọng, tác động sâu rộng, trước khi ban hành cần lấy ý kiến của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và mở rộng lấy ý kiến Nhân dân khi cần thiết.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện, chú trọng đánh giá sự tác động của các nghị quyết, văn bản đã ban hành; không để xảy ra tình trạng nghị quyết, chủ trương chậm triển khai thực hiện, chậm đi vào cuộc sống; thiếu linh hoạt, thiếu chủ động, cấp dưới trông chờ chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên. Đổi mới cách thức thông tin, báo cáo kết quả thực hiện của địa phương, đơn vị. Các cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên lãnh đạo, định hướng những vấn đề lớn, mới, phức tạp, nhạy cảm trong quá trình tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng.
Kỳ 2: Chú trọng công tác xây dựng Đảng về tư tưởng
Phú Nghĩa
Nguồn: Báo Đồng Tháp