Tuy nhiên, trước những vấn đề chính trị lớn của đất nước như trước thềm đại hội Ðảng thì sự chống phá của các thế lực thù địch lại tăng cường mạnh mẽ cả tần suất và tính chất nguy hiểm, khôn lường. Vì vậy, việc đập tan “cơn bão độc” của các thế lực thù địch, với phương châm “ba dự báo, bốn nhận diện, năm giải pháp đấu tranh” là cần thiết, cấp bách, góp phần bảo vệ Ðảng, hệ thống chính trị và Nhân dân.
Tranh: Kiều Loan
Nhận diện tâm điểm “cơn bão độc” hoành hành
Các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị chống Việt Nam trên nhiều phương diện, đa mặt trận với những thủ đoạn tinh vi, tráo trợn khác nhau. Tuy nhiên, trước thềm đại hội Ðảng các cấp trên địa bàn tỉnh Cà Mau, chúng ta có thể nhận diện một số lĩnh vực mà chúng tập trung tấn công mạnh mẽ nhất.
Một là, đường lối, quan điểm, nhân sự của Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Cà Mau tiếp tục là tâm điểm.
Ðiều này được các lãnh đạo Ðảng rất quan tâm đối với tỉnh Cà Mau, nhân chuyến thăm, chúc tết Giáp Thìn 2024, đồng chí Phan Ðình Trạc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, nhấn mạnh: “... kịp thời phát hiện, ngăn chặn mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”, nhằm đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo sự ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, tiền đề căn cốt cho Cà Mau vươn mình xa hơn.
Mặt khác, những vấn đề còn hạn chế, yếu kém về chất lượng ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; năng lực lãnh đạo của một số cấp uỷ còn yếu và thiếu sót; công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội còn chậm..., đây là những khó khăn, hạn chế thứ yếu, nhưng là nội dung mà kẻ thù thường viện cớ diễn dẫn để xuyên tạc, bôi đen, kích động đấu tranh, chống phá nhằm hạ thấp năng lực, uy tín của các cấp uỷ đảng, dẫn dắt sự phá hoại nền tảng tư tưởng của Ðảng.
Hai là, xuyên tạc những vấn đề liên quan đến vùng đất, con người Cà Mau.
Nam Bộ là phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc đã được khẳng định chủ quyền: “Nam Bộ không đơn thuần chỉ là vấn đề chủ quyền lãnh thổ mà cao hơn thế, còn là vùng đất của những giá trị thiêng liêng”(*). Thế nhưng, những vấn đề dân tộc, tôn giáo, vùng đất, con người Cà Mau luôn bị các thế lực thù địch lợi dụng, bôi đen lịch sử, xuyên tạc thực tiễn, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Ba là, lợi dụng, sử dụng yếu tố "địa chính trị" để chống phá, can thiệp và lật đổ.
Cà Mau là điểm cực Nam của Tổ quốc, có ba mặt giáp biển, các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng, khai thác để chống phá. Lịch sử đã chứng kiến thực dân Pháp chọn Hòn Khoai làm cứ điểm để xâm lược khu vực Nam Bộ; Kế hoạch phản gián CM12 đập tan âm mưu lật đổ chế độ của kẻ cầm đầu Lê Quốc Tuý, Mai Văn Hạnh; gần đây các loại tội phạm thường sử dụng tuyến đường biển để hoạt động như mua bán dầu trái phép; bắt tàu cá đòi tiền chuộc; dùng tàu cá đưa người nhập cảnh, xuất cảnh trái phép và các hoạt động tội phạm khác diễn biến rất phức tạp...
Bốn là, sử dụng thuyết “nắn dòng dư luận” để chóng phá.
Mục tiêu, bản chất của kẻ thù không thay đổi, nhưng thủ đoạn, biện pháp rất xảo quyệt, gần đây chúng thường sử dụng thuyết “nắn dòng dư luận" hoặc gọi là chủ nghĩa chiết trung, thuật nguỵ biện nhằm làm lũng đoạn thông tin, hướng dư luận sai lệch, gây hoang mang, hoài nghi, cổ xuý cho những cái xấu, tiêu cực, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân vào cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền địa phương...
Giải pháp đập tan “cơn bão độc” của kẻ thù
Thứ nhất là, nhóm giải pháp về nhận thức.
Nâng cao nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền và Nhân dân trong thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu mà nhiệm kỳ đại hội đặt ra, đồng thời chuẩn bị điều kiện cần và đủ cho đại hội nhiệm kỳ mới gắn với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng thật vững chắc là nhiệm vụ quan trọng, nhất là tập trung cao điểm trước thềm đại hội đảng bộ các cấp.
Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng phải kiên định về nguyên tắc, nhưng linh hoạt về phương pháp, gắn với bối cảnh thực tiễn cụ thể của địa phương, với việc dự báo và nhận diện đúng tình huống có thể xảy ra, xây dựng thế trận lòng dân, an ninh chính trị vững mạnh, sẵn sàng đập tan “cơn bão độc” khi mới “hội tụ không khí hình thành áp thấp” là nhiệm vụ có tính chiến lược trọng yếu, thường xuyên.
Trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng cần sử dụng những luận cứ khoa học gắn với tổng kết thực tiễn, chống tư duy giáo điều kiểu cũ, nghĩa là áp dụng máy móc, rập khuôn cái đã có nhưng không phù hợp với thực tế; mặt khác, phải chống cả tư duy giáo điều kiểu mới, nghĩa là vận dụng nửa vời, cắt xén, lắp ghép thiếu khoa học, xa rời thực tế.
Thứ hai là, nhóm giải pháp về xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị.
Tiếp tục làm giàu tri thức khoa học, đạo đức người cộng sản, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên, vì theo Hồ Chí Minh: “... tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hoá, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”; xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực cho hoạt động lãnh đạo của một tổ chức, vừa đấu tranh có hiệu quả trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng.
Ðể công tác xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị gắn với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, cần làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác dự báo, nắm tình hình, diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, nhằm phát hiện sớm, kịp thời uốn nắn, giải quyết có hiệu quả những khuyết điểm, yếu kém từ chính bên trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, nhằm tạo sự đồng thuận, đoàn kết, phát huy vai trò của cá nhân, tập thể trong xây dựng các tổ chức trong sạch, vững mạnh.
Làm tốt công tác an ninh chính trị ở cơ sở, nhất là an ninh ở những khu vực biên giới, trọng yếu, khu vực đông đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm nhiều hơn đối với dân tộc Khmer, lấy sự “an dân và lòng dân” làm sức mạnh và thước đo cho sự lãnh đạo đúng đắn của cấp uỷ, tổ chức đảng, sự quản lý có hiệu quả của chính quyền ở tỉnh Cà Mau...
Thứ ba là, nhóm giải pháp về công tác cán bộ.
Ðại hội Ðảng bộ các cấp, nhất là công tác nhân sự cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc nội dung, phương châm, phương pháp, nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn được nêu trong bài phát biểu chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên làm việc đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Ðại hội XIV của Ðảng, kiên quyết không để lọt cán bộ, đảng viên tiêu chuẩn chuyên môn yếu; đạo đức thì kém; tư tưởng không kiên định; tổ chức thiếu chặt chẽ và nhất là chủ nghĩa “vụ lợi” vào bộ máy của Ðảng. Ðồng thời cũng không để việc xử lý cán bộ vi phạm làm ảnh hưởng đến công tác nhân sự của đại hội, ngăn chặn không để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc công tác cán bộ của Ðảng,
Thứ tư là, nhóm giải pháp về tuyên truyền, cổ động.
Ða dạng hoá hình thức tuyên truyền, trước hết làm tốt việc tuyên truyền bộ sách về “Vùng đất Nam Bộ quá trình hình thành và phát triển” thuộc Ðề án khoa học cấp Nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ do Giáo sư Phan Huy Lê làm Chủ nhiệm, xuất bản năm 2016 vào đời sống xã hội, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là dân tộc Khmer hiểu sâu sắc về nguồn gốc, lịch sử, chủ quyền, lãnh thổ thống nhất của vùng đất Nam Bộ, tạo nên “sức mạnh nội sinh” trong bản thân mỗi người và “sức đề kháng” với các quan điểm xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ những giá trị thiêng liêng, hồn cốt của dân tộc.
Công tác tuyên truyền, cổ động phải bám sát vào nhiệm vụ chính trị của địa phương, những yêu cầu đặt ra trước thềm đại hội Ðảng, đồng thời chủ động nắm bắt tình cảm, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhằm định hướng dư luận, tích hợp, nhân lên những giá trị chung, giá trị văn hoá, con người Cà Mau, tạo thành sức mạnh truyền thông và đặt trên nền tảng số để tối ưu hoá hiệu quả.
Thứ năm là, nhóm giải pháp về hạ tầng kỹ thuật.
Tăng cường đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ kỹ thuật, lực lượng an ninh mạng, chú trọng, nâng cao công tác lý luận, tư tưởng. Ðịnh hướng tới cần có đội ngũ chuyên gia mạnh về công nghệ, vừa giỏi về mặt lý luận và trung thành trong bảo vệ bí mật Nhà nước, để chính ngay đội ngũ này có “trái tim nóng, cái đầu lạnh và bàn tay vàng” trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, kiên quyết phá vỡ sự dàn dựng, quanh co, lặp đi lặp lại hằng ngày trên “chiến dịch truyền thông” của kẻ địch...
Tóm lại, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục và lâu dài, nên không được lơ là, mất cảnh giác, tự mãn với những kết quả, ưu điểm đạt được, cần phải kiên quyết, kiên trì, vừa “xây” vừa “chống”, với “ba dự báo, bốn nhận diện, năm giải pháp đấu tranh”, kỳ vọng sẽ góp phần gợi mở những vấn đề quan tâm trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng trước thềm đại hội Ðảng bộ các cấp trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
(*). Phan Huy Lê (2016): Bộ sách Vùng đất Nam Bộ quá trình hình thành và phát triển, Nxb.Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
Theo CMO