Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Thiêng liêng hai tiếng “Gia đình”

08:05 28/06/2023
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

   

(ĐCSVN) - Gia đình chính là nơi có cha, có mẹ, có ông, có bà…, có những người thân yêu nhất đã nuôi dưỡng, chở che để ta khôn lớn thành người... Chính vì vậy, gia đình mãi là chốn bình yên và thiêng liêng nhất, là “tổ ấm” cho ta thêm sức mạnh và là “pháo đài” để ta chống lại những tệ nạn và cám dỗ của đời thường…

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. (Nguồn: Triển lãm về gia đình) 

Xây dựng gia đình hạnh phúc tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo và đề cao vai trò của gia đình trong xã hội. Người căn dặn “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt... Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Đã là người trong gia đình thì phải luôn yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, “chị ngã em nâng”, “Anh em như thể tay chân/Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”… Không những thế, theo Bác, mỗi người đều có 2 gia đình, đó là gia đình nhỏ của riêng mình, là tổ ấm để sớm tối đi về, còn gia đình lớn chính là Tổ quốc, nơi ấy, mọi người phải cùng có trách nhiệm vun đắp, dựng xây, để gia đình lớn ấy luôn luôn được: Độc lập, tự do, hạnh phúc.

Nhận thức vai trò to lớn của gia đình, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo, xây dựng, phát triển gia đình ấm no, tự do, phồn vinh, hạnh phúc, đảm bảo tiến bộ và văn minh. Trong văn kiện các kỳ Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII... hầu như đều nhắc đến và nhấn mạnh vai trò của gia đình đối với sự hình thành nhân cách của mỗi con người, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Mới đây nhất, Chỉ thị số 06-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới" ban hành ngày 24/6/2021 cũng đã khẳng định "Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước".

Với vai trò là “tế bào của xã hội”, gia đình không chỉ là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, mà gia đình còn có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển xã hội, góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hóa dân tộc; là nơi giữ gìn, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con người Việt Nam; là “pháo đài” chống lại tệ nạn xã hội; tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Nếu như nước được ví là “cái nhà to” thì nhà chính là “nước nhỏ”. Điều đó có nghĩa là sự hưng thịnh của mỗi quốc gia, dân tộc đều phụ thuộc vào sự tồn tại của mỗi một gia đình. Mỗi gia đình tốt là xã hội tốt, mỗi gia đình giàu mạnh là góp phần cho xã hội phồn vinh…

Với nguồn gốc “con rồng, cháu tiên” cùng được sinh ra từ mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân, được giáo dục từ truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “anh em như thể tay chân”, “chị ngã em nâng”…., xuất phát từ những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, bao đời nay, gia đình truyền thống Việt Nam được hình thành và phát triển, gắn kết một cách bền chặt là do tình nghĩa và trách nhiệm giữa các thành viên, với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp như: Kính trên nhường dưới, hòa thuận, thủy chung, nghĩa tình, hy sinh cho con, tôn trọng, hiếu lễ với ông bà, cha mẹ, anh em, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động... Có lẽ chính vì thế nên gia đình luôn được ví là “tổ ấm”, là bến đỗ bình yên cho mỗi thành viên, là nơi mà ngọn lửa yêu thương luôn ngự trị và sưởi ấm cho mỗi người.

Thế nhưng, trong thời kỳ hội nhập và phát triển, gia đình truyền thống Việt Nam đang có nhiều biến chuyển. Cuộc sống hiện đại, con người bị cuốn vào vòng xoáy của công việc nên nhiều khi không dành thời gian đúng mức cho gia đình. Cũng vì thế, trong gia đình, sợi dây gắn kết giữa các thành viên ngày càng lỏng lẻo. Việc tìm tiếng nói chung cũng ngày càng khó khăn. Khoảng cách giữa các thế hệ ông bà, cha mẹ và con cái ngày càng rộng hơn. Vợ chồng nếu không biết "giữ lửa" tình cảm cũng rất dễ bị nguội lạnh.

Thời đại công nghệ số, không thiếu những gia đình hiện nay thay vì vợ chồng gặp gỡ, tâm sự, trao đổi, chia sẻ trực tiếp với nhau, lại dùng đến phương tiện hỗ trợ là các thiết bị điện tử thông minh với những cú điện thoại hay dòng tin nhắn ngắn ngủi, vô cảm. Không có sự chia sẻ, không tìm được tiếng nói chung, tình cảm ngày một phai nhạt… đẩy nhiều gia đình đến tình trạng ly hôn, ly thân. Nhiều gia đình cố tình duy trì nhưng chỉ như cái “vỏ”, trong đó cốt lõi của gia đình không còn.

Không chỉ có vậy, dưới tác động của những mặt trái thời kỳ hội nhập, sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một số thành viên trong gia đình ngày một gia tăng. Trong xã hội hiện đại, các biểu hiện tiêu cực trong gia đình cũng vì thế mà ngày càng nhiều, đặc biệt là bạo lực gia đình đang trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội. Nhiều năm qua, tình trạng này diễn ra không chỉ ở nông thôn, miền núi, mà còn xuất hiện ngày càng nhiều ở khu vực thành thị. Những câu chuyện về mâu thuẫn vợ chồng; con cái ngược đãi cha mẹ; bố mẹ xâm hại, đánh đập con cái hay anh, em ruột thịt chém, giết lẫn nhau…. không còn hiếm trên các mặt báo. Ðiều đáng nói, bạo lực gia đình hiện nay có nhiều biến đổi về hình thức và mức độ nghiêm trọng hơn.

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng cũng làm cho cấu trúc gia đình có sự vận động, thay đổi, các giá trị cốt lõi về gia đình có nguy cơ bị mai một dần. Gia đình đương đại xuất hiện nhiều vấn đề mới mà trước kia chưa từng có. Đặc biệt xuất hiện ngày càng nhiều và đa dạng các mô hình về gia đình. Mô hình gia đình truyền thống ngũ đại đồng đường, tứ đại đồng đường, tam đại đồng đường ngày càng ít đi. Các gia đình hạt nhân chỉ có vợ chồng con cái ngày càng tăng lên. Đặc biệt trong xã hội hiện đại đang xuất hiện ngày càng nhiều các gia đình đơn thân, gia đình không con, gia đình cùng giới, kết hôn với người nước ngoài… Trong đó, loại hình gia đình đơn thân đang có xu hướng phát triển như một phong trào đáng báo động. Đáng ngại nhất là những người mẹ đơn thân không chỉ do hoàn cảnh xô đẩy, bất đắc dĩ phải lựa chọn cuộc sống như vậy mà hiện nay, đặc biệt là ở thành thị, nhiều phụ nữ thành đạt cũng lựa chọn lối sống này. Một phần vì họ tự tin vào bản thân, một phần vì họ mất niềm tin vào gia đình, vào bạn đời...

Làm gì để xây dựng gia đình “ấm no, hạnh phúc”?

Gia đình quyết định sự tồn tại, vận động và phát triển của mỗi con người, mỗi xã hội, mỗi quốc gia, dân tộc. Gia đình cũng là "pháo đài" chống lại các tệ nạn xã hội, nuôi dạy con người trưởng thành. Xây dựng gia đình là vấn đề hệ trọng của dân tộc, cần phải có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội… Để xây dựng gia đình với những giá trị ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, là thành trì vững chắc, thực sự là tổ ấm, là nơi mọi người cảm thấy thật sự thoải mái, hạnh phúc mỗi khi trở về, mỗi người phải có ý thức xây dựng, vun đắp cho gia đình của chính mình những giá trị tốt đẹp nhất cả về vật chất và tinh thần. Muốn vậy, trước tiên mỗi thành viên trong gia đình phải là những con người chuẩn mực, sống có trách nhiệm, luôn chung thủy, yêu thương, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau, tạo nên sự kết nối bền chặt giữa các thành viên trong gia đình.

Hiện nay, dưới tác động của mặt trái cơ chế thị trường, nhất là thời kỳ công nghệ số, cuộc sống bận rộn, việc dành nhiều thời gian để cùng nhau trò chuyện là điều khá khó khăn với nhiều gia đình. Sống trong cùng gia đình nhiều khi vợ chồng, con cái, ông bà gần mặt nhưng lại cách lòng, liên hệ với nhau chủ yếu qua những tin nhắn, hay qua các thiết bị thông minh, ít giao tiếp trực tiếp với nhau, khiến cho sợi dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo. Bên cạnh đó, trong xã hội hiện đại, cha, mẹ thường dành thời gian quá nhiều cho công việc cá nhân mà không chú ý quan tâm, chăm sóc con cái, ông bà... trong gia đình. Điều đó khiến họ dễ bị tủi thân, cô đơn, lạc lõng ngay trong chính căn nhà của mình. Hãy thắp lên ngọn lửa thật sự ấm áp trong tổ ấm của mình qua những bữa cơm gia đình hay những hoạt động cùng nhau…, những điều tưởng như giản dị, bình thường nhưng lại không hề tầm thường trong việc vun đắp hạnh phúc của mỗi gia đình.

Để xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, các thành viên trong gia đình phải luôn gắn bó, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, đối diện khó khăn cùng nhau. Trong cuộc sống của mỗi người bao giờ cũng có niềm vui, nỗi buồn đan xen, sự quan tâm, lời động viên đúng lúc, đúng chỗ của những người thân sẽ là điểm tựa, là động lực tinh thần quan trọng để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Trong xã hội hiện đại, lối sống thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm đối với chính những người thân, gia đình của mình cũng đang là vấn đề cần cảnh tỉnh trong xã hội hiện đại. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, gia đình phải luôn là chỗ dựa vững chắc, là động lực để mỗi thành viên vươn lên trong cuộc sống.

Việc xây dựng gia đình Việt Nam hiện đại bên cạnh tập trung xây dựng những giá trị tinh thần là tổ ấm của mỗi người, cần tập trung xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, mạnh về kinh tế. Thật vậy, nếu mỗi gia đình vững mạnh về kinh tế sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi gia đình, giúp các thành viên trong gia đình có đủ điều kiện để học tập, phát triển toàn diện, thực hiện những ước mơ, dự định của mình.

Bên cạnh đó, để gia đình thực sự phát triển bền vững, là động lực để phát triển xã hội, cần phải duy trì sự tôn trọng và bình đẳng trong mỗi gia đình, đó cũng chính là thể hiện sự văn minh, sự tiến bộ trong mỗi gia đình. Trong xã hội hiện đại, trình độ dân trí, cũng như hiểu biết của mỗi người đã ngày càng được nâng lên, tuy nhiên, do tàn dư của xã hội cũ, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn, điều này rất dễ dẫn đến sự thiếu tôn trọng của người chồng đối với người vợ; hay trong mối quan hệ của cha mẹ với con cái, nhiều bậc cha mẹ luôn áp đặt theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, dẫn đến việc con cái lúc nào cũng cảm thấy bất mãn và tìm cách chống đối, tách biệt khỏi cha mẹ.

Để hiện thực hóa các mục tiêu của Đảng, ước nguyện của Bác Hồ và khát vọng của mỗi người dân, mỗi gia đình được “ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ tất cả các giải pháp, vấn đề mấu chốt vẫn là phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi người dân, mỗi thành viên trong gia đình về vai trò, vị trí của gia đình đối với sự phát triển của mỗi con người cũng như của đất nước, từ đó biến thành những hành động cụ thể, thiết thực để xây dựng, gìn giữ “tổ ấm” của chính mình./.

T.T

Tag: