Hạn chế chỗ mạnh về binh lực, hỏa lực của địch
Nếu về binh lực, ta có ưu thế tương đối so với địch, thì về hỏa lực, chúng hơn hẳn ta về số lượng đạn pháo, về xe tăng và máy bay. Địch có điều kiện phát huy hỏa lực trong chiến đấu ban ngày và trên cánh đồng bằng phẳng.
Ta đã tập trung binh lực, hỏa lực vào từng cụm mục tiêu, lần lượt diệt từng trung tâm đề kháng, bảo đảm chắc thắng trong từng trận. Ta đã tổ chức trận địa vững chắc để đánh địch phản kích, đã chế áp trận địa pháo binh địch và phát huy có hiệu quả hỏa lực phòng không..., nên không những đã hạn chế khả năng phản kích của địch mà còn hạn chế uy lực phi pháo của chúng, buộc địch phải đơn độc đối phó với ta trong từng cứ điểm và cụm cứ điểm. Chủ trương xây dựng trận địa bao vây và tiến công dài hàng trăm ki-lô-mét quanh tập đoàn cứ điểm đã tạo điều kiện cho quân ta bám trụ và chiến đấu dài ngày mà vẫn hạn chế được thương vong ở mức thấp nhất trước uy lực phi pháo của địch.
Vô hiệu hóa tính vững chắc của công sự phòng ngự địch
Địch tin vào công sự kiên cố, vào hệ thống đường hào kết hợp với bãi mìn và dây thép gai có chiều sâu đến hàng trăm mét vây quanh từng cứ điểm và cụm cứ điểm, nhất là các trung tâm đề kháng ngoại vi Him Lam và Độc Lập.
Sự xuất hiện trọng pháo của ta là một bất ngờ lớn đối với địch. Số lượng đạn pháo không nhiều nhưng ta đã biết kết hợp pháo lớn với pháo nhỏ, pháo bố trí cố định trong các trận địa hiểm hóc với pháo mang vác đi cùng bộ binh để diệt từng lô cốt, từng ụ súng, kết hợp trận địa thật với trận địa giả để lừa địch, thu hút hỏa lực phi pháo của chúng; kết hợp pháo với bộc phá, nổ tung từng đoạn hàng rào thép gai, kết hợp hỏa lực với việc phát triển mạng lưới chiến hào luồn sát cứ điểm địch từ nhiều hướng, tạo điều kiện cho các phân đội nhỏ đánh lấn diệt từng mục tiêu, các tổ bắn tỉa diệt từng tên địch ra khỏi công sự. Cách đánh sáng tạo của ta, kết hợp các hình thức hoạt động, các loại hỏa khí... làm cho không một công sự kiên cố nào chịu đựng nổi, kể cả hầm ngầm trên đồi A1.
Máy bay địch bị quân ta bắn rơi dưới chân đồi Him Lam. Ảnh tư liệu
Từ hạn chế đi đến triệt hẳn nguồn tiếp tế và tăng viện của địch
Nếu địch đặt nhiều hy vọng vào cầu hàng không, coi đó là ưu thế tuyệt đối so với ta về mặt tiếp tế và tăng viện thì ngay từ đầu, ta đã sớm phát hiện chỗ yếu cơ bản của chúng là tập đoàn cứ điểm bị hoàn toàn cô lập, xa các căn cứ không quân ở đồng bằng. Sinh mạng hàng vạn tên địch hoàn toàn phụ thuộc vào cái "cuống nhau" nối Điện Biên Phủ với miền xuôi. Ta đã tìm mọi biện pháp biến cầu hàng không thành chỗ yếu chí mạng của địch.
Trong khi lực lượng vũ trang ở Đồng bằng Bắc Bộ đánh mạnh giao thông và tập kích các căn cứ không quân thì trên cánh đồng Mường Thanh, chiếc thòng lọng chiến hào ngày càng áp sát các vị trí địch, tạo điều kiện cho pháo phòng không thu hẹp bầu trời và hạ máy bay địch. Trên mặt đất, sân bay bị hỏa lực các cỡ uy hiếp, rồi bị quân ta chiếm hẳn.
Vùng đất ngày càng bị mạng chiến hào tầng tầng lớp lớp không ngừng thu hẹp. Cuối cùng, trên cánh đồng hơn 100km², không còn đất để kẻ địch thả dù tiếp tế và thả quân tăng viện. Phong trào đoạt dù tiếp tế và phong trào bắn tỉa diệt từng tên địch ra nhặt dù hoặc ra sông Nậm Rốm lấy nước, càng dồn địch vào cảnh khốn quẫn: Lực lượng tiêu hao, pháo thiếu đạn, không được bổ sung; lính thiếu lương ăn nước uống, không được tiếp tế, trang bị hỏng không được thay thế, thương binh không được vận chuyển đi, mà cũng chẳng đủ thuốc cứu chữa...
Từ chỗ hy vọng sống đầy đủ nhờ cầu hàng không, dần dần địch bị quân ta dồn vào cảnh thiếu thốn mọi bề, tinh thần suy sụp nhanh chóng và không còn con đường nào khác là phải đầu hàng khi ta mở đợt công kích cuối cùng.
Làm thất bại mọi ý đồ giải tỏa và tháo chạy của địch
Từ kinh nghiệm tháng 8-1953, địch hy vọng khi cần có thể rút quân ra khỏi Điện Biên Phủ cũng dễ dàng như rút khỏi Nà Sản, hoặc bằng đường bộ, hoặc bằng đường không.
Nhưng ngay từ tháng 12-1953, khi kế hoạch tháo chạy mang tên “Xenophon” được dự kiến, thì vòng vây từ xa của ta đã sớm hình thành, trong đó có chốt của Trung đoàn 36 ở Pom Lót, chặn đường địch chạy sang hướng Thượng Lào. Tháng 1-1954, vòng vây của ta đã sát gần trong quá trình chuẩn bị chiến dịch. Tháng 2 “Hành lang chiến lược” dọc sông Nậm Hu nối Điện Biên Phủ với Luang Prabang bị Đại đoàn 308 phá sập. Tháng 3, sau khi các cụm cứ điểm ở phía Bắc bị tiêu diệt, hai phân khu trung tâm và Hồng Cúm dần dần bị vây chặt đến mức địch ở vào thế trong không ra được, ngoài không vào được.
Từ giữa tháng 4, từng vị trí còn lại cũng như toàn tập đoàn cứ điểm đã bị thắt chặt bằng một thòng lọng nhiều tầng, nhiều lớp. Ta áp sát địch tới mức nếu kế hoạch ném bom giải tỏa mang tên “Diều hâu” của Không quân Mỹ được thực hiện thì sẽ là một hành động mạo hiểm đối với bọn Pháp trong các vị trí còn lại. Các kế hoạch tháo chạy được Bộ Tham mưu Pháp vạch ra sau đó, như: Albatros cuối tháng 4, Condor - đầu tháng 5 cũng trở thành ảo tưởng.
Chiều 7-5-1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh tư liệu TTXVN
Chiều 7-5, gần một vạn tên địch còn sống sót và Bộ chỉ huy của chúng đã phải đầu hàng. Cuộc đấu trí cuối cùng giữa ta và địch đã định đoạt số phận của kế hoạch Navarre ngay trên cánh đồng Mường Thanh.
Kết quả cuộc đấu trí là kết quả của phương pháp khác nhau về đánh giá tình hình, phán đoán đúng sai chủ trương chiến lược của đối phương và khả năng vận dụng cụ thể, nghệ thuật chỉ đạo chỉ huy tác chiến chiến lược, chiến dịch của mỗi bên. Với kết quả đó, mảnh đất Điện Biên Phủ - vốn ít người biết đến - đã trở thành niềm tự hào của dân tộc ta và cũng là niềm tự hào chung của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.
Nguồn: Báo Quân đội nhân dân điện tử
Link:https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/chien-thang-dien-bien-phu-moc-son-lich-su/dien-bien-chien-dich/dien-bien-phu-nhung-nuoc-co-quyet-dinh-tren-canh-dong-muong-thanh-773057