Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Quyền lực và sự tha hóa

17:18 13/07/2023
(ĐCSVN) - Lạm dụng quyền lực, biến quyền lực công thành ý chí cá nhân để trục lợi đang là hiện tượng diễn ra tại vụ án “chuyến bay giải cứu”. Do đó, phải “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” để nó không bị lạm dụng, bị thao túng, bị tha hóa…

leftcenterrightdel
Các bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu”. (Ảnh: VTC.vn)

Sáng 11/7, Tòa án Nhân dân (TAND) TP Hà Nội chính thức mở phiên tòa sơ thẩm xét xử các cựu quan chức của 5 bộ và hai cựu phó chủ tịch Hà Nội, Quảng Nam khi cấp phép chuyến bay, cấp địa điểm cách ly công dân về nước trong đại dịch COVID-19.

Trước đó, cơ quan điều tra của Bộ Công an kết luận điều tra, đề nghị truy tố các bị can về 5 hành vi phạm tội gồm: Đưa hối lộ; nhận hối lộ; môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Vụ án “chuyến bay giải cứu” thật sự “nổi sóng” khi 54 bị cáo phải hầu tòa, có tới 21 bị cáo là cựu cán bộ, lãnh đạo bị cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn để 515 lần nhận hối lộ 165 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nhận hối lộ nhiều nhất với 253 lần nhận, tổng cộng 42,6 tỷ đồng trong 11 tháng. Số tiền đưa nhận hối lộ đặc biệt lớn khiến một số ý kiến cho rằng đây là “phiên tòa thế kỷ”.

Số bị can so với một số vụ án khác không phải là quá cao nhưng số lượng cựu quan chức phải ra trước “vành móng ngựa” chiếm gần một nửa là chưa hề tiền lệ. Đáng chú ý, vụ án có tới 2 cựu thứ trưởng, 2 cựu phó chủ tịch cấp tỉnh và một số cán bộ của Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Công an… đủ cho thấy mức độ nghiêm trọng của vụ án là như thế nào.

Có thể nói, việc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử “chuyến bay giải cứu” cùng hàng loạt các đại án như Việt Á, đăng kiểm,… trong thời gian sắp tới là một sự mất mát, đau xót lớn nhưng là điều cần làm và nên làm trong bối cảnh hiện nay.

Đây là minh chứng cụ thể nhất trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực không hề có vùng cấm, không hề có ngoại lệ dù người vi phạm là ai, đang giữ vị trí nào. Đây cũng là một tiếng chuông dài cảnh tỉnh đối với những người trong các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như trong các hoạt động kinh tế nói chung của đất nước, kể cả doanh nghiệp Nhà nước cũng như doanh nghiệp tư nhân.

Một số chuyên gia về công tác xây dựng Đảng cho rằng, xây dựng Đảng trước hết phải xây dựng sự đoàn kết rộng lớn, tư tưởng chính trị, trong đó then chốt của then chốt chính là đội ngũ cán bộ. Do đó, việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước mắt có thể tác động đến một bộ phận dẫn đến tâm lý lo sợ, nhất là với những cán bộ đã "nhúng chàm" rồi nhưng chưa bị lộ. Tuy nhiên, đấy chỉ là hiệu ứng trước mắt, còn về lâu dài sẽ lập lại trật tự, "tạo đường ray" để đi đúng hướng, đúng đường, hướng tới mục đích chung là xây dựng xã hội Việt Nam phồn thịnh và hạnh phúc. Đây cũng là ý nghĩa bao trùm rất lớn trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, từ những vụ án này, một số ý kiến cho rằng, cùng với đồng bộ các giải pháp để phòng chống tham nhũng như tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ đảng viên; phát hiện, lựa chọn, đào tạo, sử dụng những người có đủ tiêu chuẩn đức và tài, có tâm và tầm; tạo đột phá chế độ tiền lương; tăng cường tính công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của Nhà nước và xã hội; tăng cường hiệu lực, hiệu quả tính pháp chế trong thực thi pháp luật… thì điều quan trọng nhất là phải có cơ chế kiểm soát quyền lực đảm bảo cho đội ngũ cán bộ đảng viên “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng.

Điều này cũng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nhiều lần tại các cuộc họp khác nhau. Tổng Bí thư đã từng lưu ý: Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn.

Do đó, phải “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”  để nó không bị lạm dụng, bị thao túng, bị tha hóa. Kiểm soát quyền lực được đảm bảo bằng các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp với việc phân công quyền lực rõ ràng, rành mạch và không chịu sự lệ thuộc lẫn nhau ngoài khuôn khổ luật định…. Đây cũng chính là biện pháp củng cố vững chắc niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước./.

Thu Hà

Tag:

File đính kèm