Một số ngành công nghiệp văn hóa ưu tiên
Thành phố Hà Nội có tiềm năng lớn cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trước tiên, Hà Nội là Thủ đô nên có vị trí đặc biệt thuận lợi, nhất là trong giao lưu văn hóa quốc tế. Bên cạnh đó, với hệ thống giao thông phát triển, kết cấu hạ tầng hiện đại, từ khách sạn, nhà hát, sân khấu đến các cơ sở vui chơi, giải trí…, thành phố Hà Nội có nhiều điều kiện để tổ chức các buổi biểu diễn quy mô lớn và các sự kiện văn hóa quốc tế, thu hút nhiều nghệ sĩ từ các nước trên thế giới. Đặc biệt, với bề dày văn hóa và lịch sử độc đáo, Thủ đô có sức hấp dẫn riêng biệt đối với du khách nói chung và các nghệ sĩ quốc tế nói riêng. Những di sản văn hóa, các làng nghề, di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội,… hay nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật nổi tiếng cả trong nước và quốc tế đã từng tổ chức tại đây đã thu hút sự chú ý của các nhà tổ chức sự kiện quốc tế cũng như du khách trong và ngoài nước.
Trên cơ sở xác định rõ những lợi thế so sánh, thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Thủ đô. Ngày 22-2-2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Với nghị quyết này, Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước có nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa, xây dựng chiến lược, kế hoạch rõ ràng, tạo ra môi trường thuận lợi cho việc tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, giải trí. Bên cạnh đó, với thương hiệu “Thành phố sáng tạo”, thành phố Hà Nội đã hình thành được một không khí sáng tạo phù hợp cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Năm 2019, các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô đóng góp 1,49 tỷ USD, chiếm 3,7% GRDP của thành phố. Năm 2023, lĩnh vực thiết kế sáng tạo của Hà Nội tạo dấu ấn đậm nét với thành công lớn của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 được tổ chức với quy mô lớn ở nhiều địa điểm, huy động nhiều loại hình sáng tạo, “đánh thức” những di sản công nghiệp có tuổi thọ 100 năm tưởng như “ngủ quên” thành địa điểm văn hóa hấp dẫn (như Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu).
Nhà máy Xe lửa Gia Lâm trở thành điểm nhấn lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 với nhà xưởng, đầu máy trở thành không gian nghệ thuật triển lãm, trưng bày… thu hút đông đảo người dân đến tham quan_Ảnh: TTXVN
Hiện nay, để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Thủ đô, cần xác định các ngành ưu tiên để tập trung đầu tư phát triển, bảo đảm quá trình đầu tư của thành phố có trọng điểm, từ đó tạo điểm nhấn, lan tỏa tác động tới các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác. Xét một cách tổng quan, có thể chú trọng một số ngành công nghiệp văn hóa sau:
Ngành âm nhạc: Thành phố Hà Nội có một “gia tài” âm nhạc phong phú, đa dạng, bao gồm âm nhạc dân gian, nhạc truyền thống và âm nhạc hiện đại. Nhiều nhạc sĩ đã sáng tác nhiều bài hát nổi tiếng về vùng đất này, tạo nên thương hiệu nhất định cho âm nhạc của Thủ đô. Những sự kiện âm nhạc lớn, như lễ hội âm nhạc quốc tế Monsoon (Gió mùa), hay gần đây là các đêm biểu diễn của nhóm nhạc Black Pink (Hàn Quốc)… đã góp phần quảng bá hình ảnh và danh tiếng của thành phố Hà Nội trên “bản đồ âm nhạc” quốc tế, nâng cao nhận thức về thương hiệu Hà Nội - “Thành phố sáng tạo” của UNESCO.
Để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của ngành này, thành phố Hà Nội cần quy hoạch sự kiện, xác định các khu vực và địa điểm phù hợp để tổ chức các sự kiện âm nhạc, thiết kế các kết cấu hạ tầng và sân khấu phù hợp, cung cấp tiện ích (hệ thống âm thanh, ánh sáng, các dịch vụ hỗ trợ), tích cực tìm kiếm đối tác (nhà sản xuất sự kiện), các nhà tài trợ và các công ty quảng cáo, tăng cường đầu tư quảng bá thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội; tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút các nghệ sĩ, nhạc công và ban nhạc đến biểu diễn tại các sự kiện âm nhạc, bảo đảm an ninh và an toàn tại các sự kiện. Thành phố Hà Nội cũng cần tổ chức các sự kiện âm nhạc, festival âm nhạc để thu hút khách du lịch với các thể loại âm nhạc đa dạng (pop, rock, jazz, EDM, nhạc dân gian, nhạc truyền thống địa phương); từ đó, phân tích và đánh giá tác động của sự kiện đối với khách du lịch, đối với nền kinh tế địa phương và sự phát triển của ngành âm nhạc.
Ngành điện ảnh: Thành phố đã có Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (Haniff), có nhiều rạp chiếu phim, cung cấp nền tảng cho các nhà làm phim và diễn viên để sản xuất các bộ phim độc lập, phim tài liệu và phim truyền hình. Thành phố Hà Nội có thể khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của một thành phố lớn, có nhiều tài năng sáng tạo, nhiều địa điểm đẹp và đa dạng về cảnh quan, từ phố cổ, các di tích, danh thắng nổi tiếng, đến những phong cảnh thơ mộng ở ngoại ô… để thu hút các dự án phim độc lập và các nhà làm phim quốc tế.
Để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh, thành phố Hà Nội cần đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phù hợp với yêu cầu của ngành công nghiệp điện ảnh, như xây dựng các trung tâm sản xuất phim, phòng thu âm, phòng chỉnh sửa hậu kỳ, phòng chiếu phim chất lượng cao, rạp chiếu phim hiện đại... Bên cạnh đó, thành phố cũng nên có các chính sách và cách làm linh hoạt để thu hút các đoàn quay phim trong và ngoài nước đến thành phố, như đơn giản hóa thủ tục cấp phép, cung cấp các địa điểm quay phim độc đáo và hấp dẫn, bảo đảm an ninh và an toàn cho quá trình quay phim, thiết lập mạng lưới kết nối với các nhà sản xuất phim, đạo diễn, diễn viên và nhà phân phối trong và ngoài nước để tạo ra cơ hội hợp tác, trao đổi thông tin và tiếp cận nguồn tài nguyên quan trọng trong ngành công nghiệp điện ảnh, đồng thời thúc đẩy việc quảng bá hình ảnh và xây dựng thương hiệu về ngành công nghiệp điện ảnh của thành phố.
Ngành nghệ thuật biểu diễn: Hiện nay, thành phố Hà Nội có nền tảng cơ bản để phát triển nghệ thuật biểu diễn với những nhà hát tên tuổi, như Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội,… và rất nhiều nhà hát quốc gia đóng trên địa bàn, như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam... Các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở thành phố nên tập trung nhiều hơn vào việc tổ chức các buổi biểu diễn chuyên nghiệp và sự kiện nghệ thuật để khuyến khích tài năng nghệ thuật và quảng bá văn hóa đặc sắc của Thủ đô và đất nước. Các buổi biểu diễn chuyên nghiệp và sự kiện nghệ thuật có thể tạo ra điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch và những người quan tâm đến nghệ thuật và văn hóa; qua đó góp phần vào phát triển ngành du lịch, đồng thời tạo ra các cơ hội kinh doanh, việc làm trong lĩnh vực nghệ thuật và giải trí.
Ngành mỹ thuật: Thủ đô Hà Nội có nhiều bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật, có cộng đồng nghệ sĩ mỹ thuật đa dạng và sáng tạo. Việc tổ chức triển lãm mỹ thuật ở thành phố có thể mang lại nhiều lợi ích quan trọng và đóng góp vào sự phát triển của ngành mỹ thuật, như trưng bày, quảng bá và tăng cơ hội kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ Thủ đô; tạo ra một điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách; tạo cơ hội giao lưu, truyền cảm hứng và khuyến khích sự sáng tạo trong cộng đồng nghệ thuật; giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa, nghệ thuật trong cộng đồng; khuyến khích phát triển ngành mỹ thuật Hà Nội.
Ngành du lịch văn hóa: Thủ đô Hà Nội có hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú, các trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống, nghệ thuật thủ công mỹ nghệ... Đây là lợi thế so sánh để thành phố phát triển du lịch văn hóa trên cơ sở khai thác hiệu quả giá trị di sản văn hóa, gắn kết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Theo báo cáo của Sở Du lịch thành phố Hà Nội năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến thành phố đạt 24 triệu lượt khách, trong đó, lượng khách quốc tế đạt 4 triệu lượt, 2,82 triệu lượt có lưu trú (tăng 266,7% so với năm 2022), doanh thu đạt khoảng 87,65 nghìn tỷ đồng (tăng 45,5% so với năm 2022).
Để tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn trên “bản đồ du lịch” trong nước và thế giới, thành phố cần đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phục dựng các di tích lịch sử - văn hóa, như tham quan di tích, làng cổ, các chương trình trải nghiệm văn hóa, học nghề truyền thống, tham gia lễ hội; tích cực quảng bá các sản phẩm du lịch văn hóa; tăng cường đào tạo nhân lực du lịch; xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các chính quyền, các doanh nghiệp và các tổ chức tư nhân trong việc phát triển ngành du lịch văn hóa; đầu tư hạ tầng du lịch; huy động sự tham gia của cộng đồng địa phương.
Ngành thời trang: Thành phố Hà Nội được xem là một trong những trung tâm thời trang của đất nước với các sự kiện thời trang nổi tiếng, như Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam, nhiều buổi biểu diễn thời trang, nhiều nhà thiết kế thời trang, nhiều công ty may mặc lớn. Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, ngành thời trang của thành phố ghi dấu ấn với Lễ hội Áo dài cùng nhiều hoạt động diễn ra với quy mô lớn ở nhiều địa điểm, huy động nhiều loại hình sáng tạo, thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham dự.
Để phát triển ngành công nghiệp này, thành phố cần tạo điều kiện cho các nhà thiết kế thời trang nổi bật và tài năng trẻ phát triển bằng cách hỗ trợ cho các sự kiện, triển lãm thời trang và cuộc thi thiết kế; cung cấp các chính sách và gói hỗ trợ để khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp thời trang địa phương; xây dựng một hệ sinh thái thuận lợi cho ngành công nghiệp thời trang, từ sản xuất đến tiêu thụ; tăng cường quảng bá thương hiệu cho các nhãn thời trang Hà Nội; mở rộng các chương trình đào tạo và phát triển kỹ năng trong lĩnh vực thời trang.
Ngành thủ công mỹ nghệ: Thành phố Hà Nội có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với khoảng 1.350 làng nghề, trong đó có nhiều nghề nổi tiếng, như gốm Bát Tràng, mây tre đan Phú Vinh, lụa Vạn Phúc, nón làng Chuông, thêu Quất Động, kim hoàn Định Công… Thành phố cũng đã tổ chức được nhiều sự kiện liên quan đến xây dựng thương hiệu cho các làng nghề, như Lễ hội ẩm thực và du lịch làng nghề, Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội,…
Để phát triển nghề thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội với tư cách là một ngành công nghiệp văn hóa, thành phố cần tăng cường các chương trình hỗ trợ tài chính và đào tạo cho nghệ nhân; xây dựng hạ tầng hỗ trợ quá trình sản xuất và giới thiệu sản phẩm; quảng bá và tiếp cận thị trường thông qua tổ chức các sự kiện triển lãm nghệ thuật và thủ công để giới thiệu sản phẩm và tạo cơ hội kinh doanh cho nghệ nhân; xây dựng các trung tâm đào tạo nghệ thuật và thủ công; thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế và phí cho các doanh nghiệp và nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ; xây dựng các quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ sản phẩm của nghệ nhân…
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội rất nổi tiếng về ẩm thực với các món ăn phong phú, đa dạng, như phở, bún chả, chả cá, bún thang, bánh cuốn Thanh Trì, cốm làng Vòng,... Thành phố cần phát triển các khu vực ẩm thực đặc trưng (như khu vực chợ đêm, nhà hàng truyền thống, khu vực quán ăn đường phố với các món ăn đặc sản và truyền thống của địa phương); tổ chức các sự kiện ẩm thực (như hội chợ ẩm thực, cuộc thi nấu ăn, triển lãm món ăn truyền thống), khuyến khích nghệ nhân địa phương duy trì và truyền dạy các món ăn truyền thống cho các thế hệ sau; tăng cường quảng bá và tiếp thị để thu hút du khách và người dân tham gia ẩm thực địa phương thông qua các phương tiện truyền thông, đưa ẩm thực vào chương trình giáo dục địa phương…
Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng nên khuyến khích sự phát triển của các ngành, như thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí, quảng cáo...; đồng thời hỗ trợ cho việc hình thành các không gian sáng tạo, các doanh nghiệp và cá nhân khởi nghiệp sáng tạo.
Tiết mục nghệ thuật tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 với chủ đề “Dòng chảy”_Ảnh: TTXVN
Một số cơ chế thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô phát triển
Trên cơ sở xác định các ngành công nghiệp văn hóa ưu tiên, thành phố Hà Nội cần có những cơ chế, chính sách (có thể cả cơ chế đặc thù) cho lĩnh vực quan trọng này để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.
Thứ nhất, cung cấp khoản tài trợ: Chính quyền thành phố có thể cung cấp các khoản tài trợ cho các dự án, hoạt động và sự kiện văn hóa (như các buổi biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, hội thảo và các hoạt động văn hóa khác). Các khoản tài trợ này giúp hỗ trợ tài chính và khuyến khích các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa. Thành phố có thể dành một phần ngân sách hằng năm để hỗ trợ các hoạt động văn hóa, như cấp kinh phí trực tiếp cho các dự án và sự kiện văn hóa, tạo ra các quỹ hỗ trợ văn hóa; thiết lập các chương trình tài trợ đặc biệt để hỗ trợ các dự án nghệ thuật, triển lãm, biểu diễn và các hoạt động văn hóa khác. Các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có thể nộp đơn xin tài trợ theo các quy định và tiêu chí của chương trình.
Thành phố cũng cần đẩy mạnh hợp tác với các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận, các tổ chức quốc tế hoặc hợp tác với địa phương khác để gia tăng nguồn lực cho các hoạt động văn hóa.
Thứ hai, thực hiện ưu đãi thuế: Chính quyền thành phố cần đề xuất cơ chế đặc thù để áp dụng các chính sách thuế ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp và tổ chức hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa, như giảm thuế, miễn thuế hoặc có chế độ thuế đặc biệt để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động văn hóa và sự phát triển của ngành công nghiệp này. Chính sách này có thể bao gồm giảm thuế, miễn thuế hoặc chế độ thuế đặc biệt áp dụng cho thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng (VAT), hoặc thuế nhập khẩu. Đây là vấn đề cần thông qua Quốc hội để được phép áp dụng các chính sách thuế ưu đãi đặc biệt trên cơ sở lý giải các lợi ích của việc thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa đối với kinh tế Hà Nội và quốc gia, cũng như bảo đảm rằng các chính sách thuế này không gây ảnh hưởng tiêu cực đến thu ngân sách và hoạt động tài chính khác của địa phương.
Thứ ba, phát triển quỹ hỗ trợ nghệ thuật và văn hóa: Chính quyền thành phố Hà Nội có thể thành lập các quỹ hỗ trợ nghệ thuật và văn hóa nhằm tài trợ cho các dự án sáng tạo, các hoạt động biểu diễn, công trình nghệ thuật và các hoạt động khác trong lĩnh vực văn hóa. Nhằm đạt được mục tiêu đó, thành phố Hà Nội có thể dành một phần ngân sách để tài trợ cho các dự án sáng tạo và hoạt động văn hóa. Các khoản tài trợ này có thể được xác định và cấp phát thông qua quy trình ngân sách của địa phương. Thành phố có thể huy động nguồn tài trợ cho các hoạt động văn hóa và nghệ thuật từ các doanh nghiệp thông qua các gói tài trợ, quảng cáo, tài trợ sự kiện hoặc đóng góp tiền mặt cho các dự án và hoạt động văn hóa. Ngoài ra, thành phố có thể huy động nguồn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ, các quỹ từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội và cá nhân. Để thành lập các quỹ hỗ trợ nghệ thuật và văn hóa, thành phố Hà Nội cần thiết lập chính sách, quy định và quy trình xác định, đánh giá và phân phối các khoản tài trợ, bảo đảm sự minh bạch, công bằng và hiệu quả.
Thứ tư, đào tạo và phát triển nhân lực: Chính quyền địa phương có thể thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa bằng cách cung cấp chương trình đào tạo và phát triển nhân lực thông qua việc tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo, chương trình bồi dưỡng…
Để thúc đẩy cơ chế này, thành phố Hà Nội có thể tài trợ hoặc tổ chức các khóa đào tạo và hội thảo để nâng cao kiến thức, kỹ năng của các nghệ sĩ, nhà sản xuất và chuyên gia văn hóa. Cụ thể là các khóa đào tạo về quản lý nghệ thuật, kỹ thuật sản xuất, marketing và quảng bá, quản lý sự kiện cùng các kỹ năng sáng tạo khác, cung cấp cơ hội học tập và phát triển cho cộng đồng địa phương, tạo ra một môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển các tài năng văn hóa. Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội có thể xây dựng các chương trình học bổng dành cho các nghệ sĩ và nhân viên trong ngành công nghiệp văn hóa, qua đó thúc đẩy sự phát triển năng lực của các cá nhân có tiềm năng và đam mê trong lĩnh vực này.
Thứ năm, cải thiện hạ tầng văn hóa: Chính quyền Thủ đô cần tập trung đầu tư cải thiện hạ tầng văn hóa, bao gồm cung cấp và duy trì các nhà hát, trung tâm nghệ thuật, thư viện, bảo tàng và không gian trình diễn…, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động văn hóa và thu hút du khách. Thành phố có thể thu hút tài trợ từ các nguồn tài chính công và tư nhân, xây dựng đối tác với các tổ chức văn hóa và khuyến khích các nhà đầu tư cá nhân quan tâm đến văn hóa địa phương, từ đó tạo ra môi trường văn hóa phong phú và đa dạng trong cộng đồng địa phương, khuyến khích sự sáng tạo và truyền tải giá trị văn hóa cho thế hệ tương lai.
Thứ sáu, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật: Chính quyền địa phương cần thực hiện nghiêm các chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm quyền lợi của các nghệ sĩ và nhà sản xuất, khuyến khích sự sáng tạo và đầu tư trong ngành công nghiệp văn hóa, tạo điều kiện để người sáng tạo và nghệ sĩ tiếp tục phát triển và đóng góp cho xã hội. Thành phố Hà Nội cần bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa bằng cách đưa ra các chính sách và biện pháp hỗ trợ, giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện để doanh nghiệp văn hóa có thể phát triển và thành công.
Thứ bảy, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đổi mới sáng tạo: Thành phố Hà Nội cần tích cực triển khai chương trình hành động của thành phố sáng tạo trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, tăng cường quảng bá văn hóa, tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế, tổ chức sự kiện văn hóa và nghệ thuật. Thành phố cũng có thể tạo ra các chương trình khuyến mãi và ưu đãi hấp dẫn để thu hút sự quan tâm của các nghệ sĩ và nhà sản xuất quốc tế; tăng cường chương trình trao đổi nghệ sĩ với các đối tác quốc tế (trao đổi nghệ thuật, biểu diễn, làm việc chung với các nghệ sĩ, nhà sản xuất, nhà quản lý quốc tế). Thông qua việc phát huy giá trị nguồn tài nguyên văn hóa, cung cấp hỗ trợ và khuyến khích đầu tư, sáng tạo, hợp tác quốc tế, Thủ đô Hà Nội có thể trở thành một trung tâm về công nghiệp văn hóa, đóng góp vào sự phát triển toàn diện của địa phương và đem lại lợi ích lan tỏa cho đất nước./.
Nguồn: Tạp chí Cộng sản điện tử
Link:https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/949603/co-che-thuc-day-su-phat-trien-cac-nganh-cong-nghiep-van-hoa-o-thu-do-ha-noi.aspx