Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Công tác xây dựng Đảng thành phố Hà Nội năm 2024: Tăng cường kỷ cương, chủ động chuẩn bị đại hội

11:30 29/12/2023
Chỉ còn ít ngày nữa là bước sang năm mới 2024, các cấp ủy tổ chức Đảng thành phố Hà Nội sẽ bắt tay vào triển khai thực hiện kế hoạch công tác mới. Đối với công tác xây dựng Đảng, đây là năm có nhiều nhiệm vụ quan trọng, nhất là việc chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

Ban Chấp hành Đảng bộ quận Long Biên họp tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024

Nhìn lại năm 2023, điểm nhấn trong công tác xây dựng Đảng thành phố Hà Nội là tiếp tục tăng cường năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chất lượng cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 7-8-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” đã tạo ra tinh thần mới trong hoạt động của các cấp ủy tổ chức Đảng và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở. Công tác kiểm điểm cuối năm bên cạnh việc nhận diện 27 biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), cán bộ, đảng viên còn thực hiện đánh giá bản thân trên tinh thần “tự soi, tự sửa” gắn với 25 biểu hiện né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm nêu trong Chỉ thị số 24-CT/TU. Điều này càng củng cố thêm nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên về trách nhiệm với công việc, ý thức gương mẫu trước quần chúng nhân dân.

Chỉ thị số 24-CT/TU sẽ tiếp tục được tập trung chỉ đạo thực hiện trong năm 2024. Đây cũng chính là nhiệm vụ hàng đầu được các cấp ủy Đảng xác định rõ trong kế hoạch, được các đồng chí lãnh đạo các cấp nhấn mạnh trong những phát biểu chỉ đạo. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 24-CT/TU trọng tâm là nêu cao tinh thần trách nhiệm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy công việc, nâng cao hiệu quả toàn diện trên các lĩnh vực. Thực hiện theo tinh thần đó, từ trách nhiệm lãnh đạo tại địa phương, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng khẳng định, quận sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TU tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; đẩy nhanh việc xây dựng chính quyền điện tử từ cấp quận đến các phường; bảo đảm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội...

Một nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng đặt ra năm 2024 là việc chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ cuối năm 2023, các cấp ủy đều đã tiến hành thảo luận và thống nhất thành lập các tiểu ban nhân sự, văn kiện và tổ chức phục vụ. Khi năm mới bắt đầu, cũng là lúc các tiểu ban đi vào hoạt động và triển khai nhiệm vụ. Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, công tác chuẩn bị cho đại hội nhiệm kỳ tới không đơn thuần là công việc của các tiểu ban mà đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đối với Đảng bộ Hà Nội, việc củng cố tổ chức cơ sở Đảng theo Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 tiếp tục có ý nghĩa mấu chốt bảo đảm tổ chức đại hội thành công, nên cần được quan tâm thực hiện ngay từ đầu năm. Năm 2023, toàn thành phố có 53 tổ chức cơ sở Đảng cần củng cố (gồm 12 tổ chức cơ sở Đảng diện Ban Chỉ đạo thành phố theo dõi và 41 tổ chức diện Ban Chỉ đạo cấp huyện theo dõi) thuộc 13 Đảng bộ quận, huyện ủy, 3 đảng bộ khối và 1 đảng bộ tổng công ty. Đến nay, 41 tổ chức đã được củng cố và đang đề xuất Ban Chỉ đạo thành phố xem xét đưa ra đối với 3 tổ chức cơ sở Đảng. Hiện còn 9 tổ chức cơ sở Đảng cần tiếp tục củng cố chuyển tiếp sang năm 2024. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, công tác xây dựng và phát triển Thủ đô đặt ra nhiều nhiệm vụ nặng nề trong năm tới, việc phát sinh những đơn vị phức tạp cần củng cố là khó tránh khỏi.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết, yêu cầu đặt ra là không được chờ đến khi có vụ việc phát sinh mới vào cuộc, mà phải chủ động khảo sát nắm bắt tình hình, rà soát tới từng chi bộ để kịp thời phát hiện, xử lý từ sớm, từ xa các vấn đề phức tạp.

Kinh nghiệm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp thành công trước đây đều có vai trò quyết định của việc chuẩn bị nhân sự và văn kiện. Đối với Đảng bộ Hà Nội, việc sắp xếp đội ngũ cán bộ thông qua công tác điều động, luân chuyển năm 2023 đã là một bước hướng tới mục tiêu đó. Năm 2024, đây tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm khi bước vào đại hội có sự chủ động, tránh bị bất ngờ hay hẫng hụt. Vấn đề này cần được các cấp ủy cấp trên cơ sở phải chú ý hơn nữa vì vừa qua, bên cạnh những nơi làm tốt, còn không ít đơn vị chưa quyết liệt rà soát để sắp xếp lại đội ngũ cán bộ cho phù hợp nhằm thúc đẩy hiệu quả công việc, đơn cử như Quận ủy Hà Đông đã được lãnh đạo Thành ủy lưu ý. Đối với việc chuẩn bị văn kiện đại hội, việc Luật Thủ đô (sửa đổi) và 2 quy hoạch mang tầm chiến lược của Thủ đô là điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến được thông qua trong nửa đầu năm 2024 sẽ có ý nghĩa rất lớn. Khi đó, một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà các văn kiện đại hội đảng bộ các cấp thành phố phải xác định rõ là cụ thể hóa việc thực hiện 3 nội dung này trên địa bàn mình...

Trong năm 2024, còn rất nhiều nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng đặt ra cho các cấp ủy Đảng thành phố Hà Nội. Để thực hiện tốt được những nhiệm vụ này, đòi hỏi sự vào cuộc ngay từ ngày đầu, tháng đầu, đặc biệt là đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao của cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu cấp ủy.

Linh Vũ - Phan Lâm

Nguồn: thanhuyhanoi.vn

Tag:

File đính kèm