3 căn bệnh đó là: Tham nhũng, lãng phí và quan liêu hách dịch của một số cán bộ, đảng viên (CBĐV) tha hóa, biến chất. Trong đó, tham nhũng và quan liêu hách dịch thì dễ thấy, dễ phát hiện trong CBĐV qua công tác, đạo đức, lối sống, quan hệ với nhân dân và doanh nghiệp (DN). Các căn bệnh này đã và đang được kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể với phương châm: "Xử lý nghiêm theo pháp luật, không vùng cấm, không ngoại lệ".
“Lò nóng” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngăn chặn bước đầu tệ nạn tham nhũng, quan liêu, tha hóa, biến chất về tư tưởng, lối sống xa dân của không ít CBĐV các cấp. “Lò nóng” này đang được Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp tục góp phần làm sạch bộ máy, khơi thông các nguồn lực cho phát triển.
Tiếp tục sự thanh lọc để bộ máy Đảng, Nhà nước luôn trong sạch, vững mạnh, nâng cao lòng tin trong nhân dân và DN, Tổng Bí thư Tô Lâm có nhiều bài phát biểu, bài viết kiên định ý chí vươn tầm bằng nội lực tự lực, tự cường, tự tin làm động lực vươn tới.
Điều đáng nói, cùng với công cuộc tiếp tục "truy" và "trị" cho dứt bệnh tham nhũng và những tiêu cực khác, Tổng Bí thư chỉ rõ căn bệnh rất nguy hiểm như giặc nội xâm giấu mặt, bào mòn dần nội lực phát triển đất nước là lãng phí. Lãng phí tài nguyên đất đai, rừng, biển, nguồn nước, khoáng sản, lãng phí cơ hội đầu tư, lãng phí thời gian kéo dài thời hạn công trình, lãng phí ngân sách qua thông thầu nâng giá, làm ít quyết toán nhiều,... Dạng lãng phí “ngầm” đáng sợ hơn là lãng phí nhân lực do bộ máy cồng kềnh, biên chế dôi dư. Kiểm lại thì địa phương nào cũng có, không nhiều thì ít. Có không ít CBĐV, chủ DN bị xử lý kỷ luật, vướng vòng lao lý vì móc ngoặc, lợi ích nhóm, hối lộ, gây thất thoát, lãng phí.
Phát biểu tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ tổ chức bộ máy hiện nay rất cồng kềnh, chi trả lương cho bộ máy mất 70%, 30% còn lại thì chi cho rất nhiều việc thì ngân sách lấy đâu chi cho những chiến lược quốc gia như đầu tư chuyển đổi số, năng lượng sạch, các công trình giao thông, văn hóa trọng điểm, an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh,... Rõ ràng, nếu không tinh gọn bộ máy sẽ không phát triển được. Thực tế cho thấy, lãng phí là con số khổng lồ hơn gấp nhiều lần tham nhũng. Lãng phí là do cơ chế quản lý chưa được coi trọng và luật hóa, thiếu phân công, phân nhiệm, phân cấp,... nên dẫn đến thực trạng “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”, đùn đẩy trách nhiệm và cũng chính từ đây phát sinh căn bệnh sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, không dám quyết, không dám làm của một số CBĐV có chức, có quyền.
Bài viết về thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí của Tổng Bí thư Tô Lâm là thông điệp mạnh mẽ, yêu cầu toàn hệ thống chính trị từng cấp, từng ngành, từng CBĐV và toàn dân, DN cần nhận thức sâu sắc về tác hại của lãng phí và xem đây là nhiệm vụ khẩn trương, cấp bách cần chung tay phòng, chống thật hiệu quả, tạo nên nguồn lực mới, sức mạnh tổng hợp mới, thế và lực mới cho phát triển. Đất nước, dân tộc Việt Nam có vươn tầm nhanh và bền vững hay không một phần là do hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí.
Hơn lúc nào hết, thủ trưởng các cấp, các ngành, cơ quan, công ty, hộ dân cần tổng kiểm toàn diện và gương mẫu đi đầu thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí trong từng dự án đầu tư, dây chuyền sản xuất, kinh doanh, chi phí tiêu dùng,... Đặc biệt, phải tiết kiệm, chống lãng phí tối ưu nhằm nâng cao nội lực, phát huy mọi nguồn lực để đầu tư cho phát triển bền vững, hiệu quả./.
L.A.D
Theo LAO