Cách mạng theo nghĩa thông thường được hiểu là cuộc biến đổi dẫn đến sự thay đổi lớn, theo chiều hướng tiến bộ, tích cực trong một lĩnh vực cụ thể. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi cái tốt”[1]. “Cuộc cách mạng”, đồng nghĩa với một sự thay đổi lớn.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay việc “tinh gọn tổ chức bộ máy là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là (một) cuộc cách mạng, phải thực hiện với quyết tâm cao nhất”.
Vấn đề “tinh gọn tổ chức bộ máy” trong cải cách hành chính không phải bây giờ chúng ta mới nói tới, mới nhấn mạnh là “khâu đột phá” trong tháo gỡ thể chế. Cũng không phải Đảng và Nhà nước không có quyết tâm chính trị. Không phải chúng ta không triển khai. Vấn đề này được thể hiện rất rõ ngay từ Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986), khi tiến hành công cuộc Đổi mới, chuyển từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế theo thể chế thị trường, chúng ta đã ý thức được là đi kèm với đổi mới kinh tế phải đổi mới bộ máy nhà nước. Chúng ta đã chỉ ra được đối tượng cần cải cách là thể chế hành chính, bộ máy hành chính, đội ngũ cán bộ công chức và từng bước hiện đại hóa nền hành chính.
Kết quả cải cách hành chính trong giai đoạn trước đã có nhiều thành tựu, nhưng thực sự vẫn chưa được như mong muốn. Đặc biệt, so với các nước phát triển trên thế giới thì tổ chức bộ máy hành chính của chúng ta còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, hiệu quả hoạt động chưa cao. Một thực tế là 70% ngân sách nhà nước hiện vẫn dùng để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ hoạt động của bộ máy. Nghĩa là chỉ còn 30% nguồn lực dành cho đầu tư cho phát triển, quốc phòng, an ninh, xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội. Điều đó không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển. Đất nước bước vào kỷ nguyên mới, cần phải có một bộ máy điều hành được đổi mới từ diện mạo đến phong cách lãnh đạo và tinh thần làm việc của mỗi cá nhân. Hiện tại là thời điểm hội tụ đầy đủ các yếu tố phù hợp để sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW, thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ rõ: Công việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc rất khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến “lợi ích” của mỗi con người trong từng tổ chức, nhất là trong việc đề xuất giải thể, sáp nhập một số cơ quan, tổ chức. Cần phải có sự đoàn kết, quyết tâm cao, dũng cảm và cả sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, “tới đây Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu” đi đầu, nhằm biến một chủ trương lớn của Đảng trở thành hiện thực, khắc phục những chồng chéo, lãng phí, tiêu cực hiện nay, để đất nước có một bộ máy hệ thống chính trị thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tạo nền tảng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Bởi, không tinh gọn tổ chức bộ máy đất nước không phát triển được. Tinh gọn tổ chức bộ máy, cần phải đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị hướng đến mục tiêu “Nhà nước nhỏ, xã hội lớn” là xu thế chung ở các quốc gia trên thế giới. Ở một số nước như Anh, Mỹ, Nhật Bản, Singapore..., Chính phủ trao quyền tự quyết (phân quyền) cho chính quyền địa phương hướng về cơ sở, đồng thời tăng cường xã hội hóa, chuyển giao việc thực hiện dịch vụ công cho các đơn vị khác, cho xã hội.
Thể chế, quy định “yêu cầu phải thực hiện đồng bộ việc tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, có biên chế hợp lý. Trong đó, đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ. Có cơ chế hữu hiệu để sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội.
Trong một cuộc cách mạng, đương nhiên sẽ có “đụng chạm” đến “lợi ích” nên cán bộ đảng viên phải đồng thuận, thậm chí phải “hy sinh” quyền lợi cá nhân. Quan trọng nhất trong một tổ chức là phải rõ được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và bố trí nhân sự để vận hành tổ chức đó, làm cho đúng, cho khách quan để lựa chọn đúng người, đúng việc. Trong quá trình thực hiện cần đặc biệt chú ý tới công tác cán bộ, bởi công tác này làm không cẩn thận là mất ổn định.
Mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy, ngoài việc tinh gọn tổ chức bộ máy vẫn phải đảm bảo ổn định chính trị và hiệu quả cho sự phát triển. Thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tạo nền tảng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc.
[1] Hồ Chí Minh: Đường cách mệnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.2.
Nguồn: Báo Quân đội nhân dân điện tử
Link:https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/tinh-gon-bo-may-la-mot-cuoc-cach-mang-de-dat-nuoc-vuon-minh-phat-trien-804356