Chuẩn bị cho giai đoạn cách mạng mới
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, lần đầu tiên Đảng ta đặt ra mục tiêu “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cụm từ “khát vọng phát triển đất nước” được nhắc lại 6 lần, đồng thời Đảng ta đã xác định rõ 3 mục tiêu hết sức cụ thể: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đại hội XIII của Đảng đề ra khát vọng phát triển đất nước. Ảnh TRỌNG HẢI
Chúng ta đang có những bước đi vững chắc để lần lượt hiện thực hóa 3 mục tiêu phát triển rất cụ thể nêu trên. Để đạt mục tiêu đầu tiên vào năm 2025 đưa nước ta vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đưa ra định hướng chỉ tiêu GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 đến 5.000 USD. Theo dự đoán, GDP bình quân đầu người năm 2024 nhiều khả năng đạt được 4.679 USD, còn theo dự đoán ở mức kỳ vọng (Chính phủ đang nỗ lực theo hướng đạt được mức kỳ vọng) thì mức GDP bình quân đầu người năm 2024 sẽ đạt 4.700 USD. Nếu thực tế theo đúng kịch bản kỳ vọng, nước ta đã về đích sớm so với định hướng nêu ra ngay khi hết năm 2024 và kết thúc năm 2025 với mức GDP bình quân đầu người đạt ở mức cao so với định hướng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đề ra.
Như vậy, có thể thấy, việc xác định Đại hội XIV của Đảng (dự kiến diễn ra vào tháng 1-2026) là thời điểm mở đầu kỷ nguyên mới của dân tộc-kỷ nguyên vươn mình, hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc, là có cơ sở. Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng, quyết định việc chúng ta có vươn mình thành công thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 hay không. Nói cách khác, bắt đầu từ Đại hội XIV được xác định là giai đoạn để chúng ta hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước mà Đại hội XIII đã nêu ra.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc, vấn đề nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó, nhân lực trong bộ máy hệ thống chính trị đóng vai trò rất quan trọng trong vai trò phục vụ giai đoạn cách mạng mới, phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên họp tổ, ngày 31-10-2024.
Bộ máy cồng kềnh cản trở sự phát triển
Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của nước ta từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đến nay. Những thành tựu cách mạng trong mỗi giai đoạn đều có công sức đóng góp to lớn của cả bộ máy Nhà nước nói riêng và hệ thống chính trị nói chung.
Trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, Đảng ta luôn xác định công tác cán bộ, công tác tổ chức bộ máy là then chốt của then chốt, quyết định to lớn tới sự phát triển của đất nước. Kể từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta càng xác định tầm quan trọng của việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Vấn đề tinh gọn bộ máy được nhắc tới trong các nghị quyết đại hội Đảng nhiều nhiệm kỳ gần đây và Ban Chấp hành Trung ương các khóa (từ khóa VII đến nay) cũng ban hành rất nhiều nghị quyết chuyên đề về đổi mới, kiện toàn bộ máy.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh quan điểm tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị phải được thực hiện quyết liệt từ Trung ương xuống địa phương.
Thực hiện chủ trương của Đảng, công tác đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã được các cấp triển khai thực hiện bài bản, quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực. Chẳng hạn, ngày 17-4-2015, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức với mục tiêu đến năm 2021 tinh giản tối thiểu 10% biên chế. Kết quả, chúng ta đã tinh giản được 11,67% biên chế trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị vẫn còn những tồn tại cần sớm được khắc phục. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận định: “Cho đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo; phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hợp lý, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không đầu tư thích đáng…”; “Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế”.
PGS,TS Lê Minh Thông.
PGS,TS Lê Minh Thông (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội) nhấn mạnh quan điểm, thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới có thể xem là một lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân bước vào một công cuộc mới. Trong 7 định hướng vươn mình của dân tộc mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra có tới 4 định hướng liên quan đến thể chế.
Thể chế được xác định là điểm nghẽn căn bản, là thách thức phải vượt qua để đưa đất nước vào kỷ nguyên mới. Theo PGS, TS Lê Minh Thông thì nhân vật làm nên thể chế chính là hệ thống chính trị. “Cho nên đột phá thể chế thì trước hết là đột phá vào cái nơi mà nó sản sinh ra thể chế, đó chính là hệ thống chính trị. Do đó, đổi mới hệ thống chính trị là khâu đột phá tạo ra động lực phát triển. Đổi mới hệ thống chính trị, tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả phải được xem là một cuộc cách mạng thực sự, nếu không quyết liệt thì khó thành công”, PGS,TS Lê Minh Thông nêu quan điểm thông qua bài tham luận tại hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam-Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị).
Còn đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cũng nhấn mạnh quan điểm: Thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Để tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế thì cần đến nhân lực, nhưng nhân lực lại cũng đang bị nghẽn.
Do vậy, để tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, thì phải “đả thông” điểm nghẽn nhân lực.
“Đả thông” điểm nghẽn nhân lực như thế nào?
Phát biểu tại phiên họp tổ của Quốc hội mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, việc tinh gọn bộ máy mới được làm từ dưới lên. Chúng ta mới sắp xếp ở một số vụ, cục, tổng cục thuộc bộ, còn Trung ương chưa làm. Mà Trung ương gọn thì tỉnh sẽ gọn. Do vậy, sắp tới, ở đâu cũng phải sắp xếp lại, Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu, bởi nếu không tinh gọn thì không phát triển được. Ngân sách đang phải dành khoảng 70% để chi trả lương, chi thường xuyên và chi phục vụ hoạt động. Nếu cứ điều hành ngân sách như vậy thì sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội…
PGS,TS Lê Minh Thông cũng phân tích theo hướng tương tự, rằng để đổi mới hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả thì cần bắt đầu đổi mới từ Đảng. Đảng phải tiên phong đổi mới chính mình về tổ chức và hoạt động. Chính phủ và bộ máy chính quyền các cấp cũng phải tinh gọn trên nguyên tắc đa ngành, đa lĩnh vực. Quốc hội phải tinh gọn lại bộ máy, đổi mới tư duy lập pháp. Điều cốt lõi nhất của tinh gọn bộ máy là phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, phải khắc phục được tình trạng “đúng quy trình nhưng không đúng người”.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh).
Trao đổi bên hành lang Quốc hội về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ ủng hộ tinh gọn hệ thống chính trị theo hướng hiệu lực, hiệu quả vì vấn đề quan trọng nhất là con người phải được sử dụng một cách hiệu quả. Đại biểu Trần Hoàng Ngân lưu ý rằng, thời gian qua, khi bộ máy vẫn giữ đúng quy mô trong khi dân số tăng cao thì cũng có nghĩa là tinh giản. Do thế, trước tiên phải đánh giá, rà soát, mô tả lại công việc, chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận, từng phòng ban, từng tổ chức, bộ máy, từng cán bộ. Trên cơ sở đó để lên phương án tổng thể về tinh gọn hệ thống chính trị bảo đảm phù hợp với từng ngành nghề, từng địa phương, từng đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội.
Rõ ràng, sắp xếp lại, tinh gọn hệ thống chính trị là yêu cầu bắt buộc phải làm trong bối cảnh hiện tại với mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp và phục vụ mục tiêu cách mạng trong giai đoạn mới, giai đoạn hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Tuy nhiên, như một số chuyên gia phân tích, chúng ta cũng cần thực hiện một cách thận trọng, tránh tạo ra những “cú sốc” có thể gây ra những điểm nghẽn mới, mà “cú sốc” đầu tư công gần đây là ví dụ điển hình…
Nguồn: Báo Quân đội nhân dân điện tử
Link:https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/tinh-gon-bo-may-he-thong-chinh-tri-dot-pha-mang-tinh-cach-mang-804304